Xây dựng cơ sở dữ liệu địa danh, tên đường thành phố Đà Nẵng trên Internet
Đăng ngày 21-12-2017 09:44, Lượt xem: 712

I. THÔNG TIN ĐỀ TÀI
Tên đề tài: Xây dựng cơ sở dữ liệu địa danh, tên đường thành phố Đà Nẵng trên Internet

Chủ nhiệm đề tài:CN. Nguyễn Đăng Trường

Cơ quan chủ trì:Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng

Năm nghiệm thu: 2013

II. ĐẶT VẤN ĐỀ

Địa danh là đối tượng quan tâm của nhiều lĩnh vực khoa học như lịch sử, địa lý, dân tộc học, văn hóa học, ngôn ngữ học... và là tư liệu cần thiết của ngôn ngữ học lịch sử. Nghiên cứu địa danh học là nghiên cứu, tìm hiểu các phương thức đặt địa danh, cấu tạo của địa danh; trong đó quan trọng nhất là xác định nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của địa danh. Điều đó không chỉ làm sáng tỏ đặc điểm, những quy luật nội bộ của địa danh, góp phần vào nghiên cứu ngôn ngữ ở một vùng miền, một đất nước mà còn có ý nghĩa liên quan đến một số vấn đề về văn hóa và phát triển. Từ việc nghiên cứu địa danh có thể giúp chúng ta phác họa được hình ảnh toàn diện về lịch sử hình thành của một dân tộc, về văn hóa, lịch sử của một địa phương cũng như mối liên kết của các nền văn hóa của các tộc người trong những giai đoạn lịch sử khác nhau.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng hơn 2.000 địa danh và hơn 1.000 tên đường. Tên đường thành phố Đà Nẵng được Hội đồng Tư vấn đặt, đổi tên đường hàng năm lưu trữ thành cơ sở dữ liệu; ngoài ra, hiện nay có một số đề tài nghiên cứu bổ sung Quỹ tên đường, địa danh thành phố Đà Nẵng đang thực hiện và chuẩn bị nghiệm thu. Tuy vậy, những tên đường cũ còn thiếu thông tin và đặc biệt là lịch sử ra đời, quá trình thay đổi, biến động của tên các địa danh, tên đường chưa được nghiên cứu đầy đủ; chưa có đề tài nghiên cứu sâu việc tổ chức ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Việc liên tục quy hoạch, xây dựng với tốc độ nhanh đã làm cho diện mạo của thành phố thay đổi từng ngày; theo đó nhiều địa danh mới xuất hiện và không ít các địa danh cũ mất đi. Trong khi đó, nhiều người dân - đặc biệt là giới trẻ - ngày càng ít quan tâm về các địa danh, các danh nhân, sự kiện lịch sử vốn gần gủi, gắn bó ở xung quanh.

Mỗi địa danh, tên đường đều mang một ý nghĩa lịch sử, văn hóa nhất định; đó là hồn cốt của mỗi vùng miền, không lẫn lộn. Do vậy, việc nghiên cứu nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, đồng bộ để phục vụ cho cộng đồng, cho du khách là hết sức cần thiết.

Trong thời đại bùng nổ về thông tin, đặc biệt là thông tin Internet, để tìm kiếm thông tin, mọi người thường lựa chọn Internet làm phương tiện đầu tiên. Thành phố Đà Nẵng là một trong những tỉnh, thành đứng đầu cả nước về ứng dụng CNTT nhiều năm liền trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để kết hợp việc nghiên cứu tổng thể toàn bộ địa danh, tên đường Đà Nẵng với đồng bộ hệ thống dữ liệu lên môi trường mạng Internet; gắn các địa danh, tên đường vào hệ thống bản đồ và đặc biệt là xây dựng các tiêu chí đa dạng phục vụ tra cứu.

Đề tài không sử dụng hệ thống bản đồ của Google Maps, thay vào đó sử dụng dữ liệu bản đồ nền hiện có của thành phố với cấu trúc dữ liệu vector, dễ dàng phân lớp đối tượng, chủ động trong việc tạo các lớp dữ liệu mới (đường giao thông, địa danh), thuận lợi trong việc phân tích quan hệ giữa các đối tượng phục vụ công tác tìm kiếm, truy vấn theo quan hệ không gian.

Việc nghiên cứu địa danh, tên đường trong cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng là khá nhiều, song kết quả ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống chưa thật sự được quan tâm; các thông tin đã được tổng hợp đưa lên các trang thông tin điện tử còn phân tán do tồn tại những cơ sở dữ liệu khác nhau  nên chưa được tổ chức chung trong một CSDL thống nhất; việc tìm kiếm chỉ mới dừng lại ở tên đường, chưa nêu được đầy đủ ý nghĩa và lịch sử tên đường, con đường, chưa thể hiện rõ về các địa danh và phân biệt vị trí các địa danh. Đặc biệt là chưa xây dựng được bộ công cụ tìm kiếm với sự kết hợp đa dạng các tiêu chí trên nền bản đồ của thành phố.

Đối với nguồn bản đồ giao thông, hiện tại Sở Giao thông - Vận tải thành phố Đà Nẵng cũng có xây dựng và lưu trữ các dữ liệu bản đồ thể hiện vị trí đường giao thông. Tuy nhiên, các dữ liệu vẫn còn rời rạc, chưa được tổ chức thành một hệ thống dữ liệu bản đồ giao thông thống nhất cho toàn thành phố.

Đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu địa danh, tên đường thành phố Đà Nẵng trên Internet” nhằm mục đích xây dựng và hệ thống dữ liệu, tạo ra kho dữ liệu lưu trữ đầy đủ và khoa học các thông tin về địa danh, tên đường tại thành phố Đà Nẵng; hỗ trợ cho việc quản lý, bổ sung và tra cứu, tìm kiếm thông tin về địa danh, tên đường; đồng thời đưa các thông tin này lên môi trường Internet nhằm tăng cường, đa dạng hóa các kênh quảng bá thông tin về lịch sử, văn hóa, dịch vụ du lịch, thương mại,... của thành phố Đà Nẵng đến với các tổ chức, công dân trong và ngoài nước. Nghiên cứu và xây dựng cơ sở dữ liệu địa danh, tên đường thành phố Đà Nẵng là một việc làm hết sức cần thiết. Trong tương lai không xa đây cũng sẽ là đề tài phát triển cấu trúc cơ sở dữ liệu địa danh tên đường bổ sung cho cơ sở dữ liệu nền địa lý hiện nay; từ đó làm cơ sở để thực hiện việc thành lập bản đồ địa hình nói riêng và các loại bản đồ khác nói chung từ cơ sở dữ liệu nền địa lý theo xu hướng công nghệ mới.

III. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm tạo ra một kho dữ liệu lưu trữ đầy đủ và khoa học các thông tin về địa danh, tên đường tại thành phố Đà Nẵng; hỗ trợ cho việc quản lý, bổ sung và tra cứu, tìm kiếm thông tin về địa danh, tên đường; đồng thời đưa các thông tin này lên môi trường Internet nhằm tăng cường, đa dạng hóa các kênh quảng bá thông tin về lịch sử, văn hóa, dịch vụ du lịch, thương mại,... của thành phố Đà Nẵng đến với các tổ chức, công dân trong và ngoài nước.

IV. ĐỐI TƯỢNG,PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Đề tài đi vào khảo sát, tổng hợp khoảng 1.000 tên đường (cập nhật đến năm 2011) và hơn 400 địa danh.

Đề tài sử dụng các lớp dữ liệu bản đồ nền về ranh giới hành chính, đường giao thông, sông suối,… hiện có của thành phố Đà Nẵng; xây dựng và cập nhật bổ sung để hoàn chỉnh lớp dữ liệu bản đồ đường giao thông và địa danh trong giới hạn phạm vi nghiên cứu của đề tài. Đồng thời, sử dụng các phần mềm mã nguồn mở phục vụ công tác lưu trữ, quản lý CSDL và xây dựng chương trình khai thác dữ liệu.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài đã giới hạn số lượng tên đường và địa danh, do đó dữ liệu bản đồ cũng sẽ khởi tạo tương ứng. Chương trình khai thác dữ liệu chỉ cho phép cập nhật, điều chỉnh bổ sung dữ liệu thuộc tính của đường, địa danh; không cho phép cập nhật, bổ sung dữ liệu không gian của các đối tượng.

V. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Biên tập dữ liệu thuộc tính về địa danh, tên đường
2. Phân tích, thiết kế cơ sở dữ liệu địa danh, tên đường
3. Phân tích và thiết kế phần mềm cập nhật, tra cứu thông tin địa danh, tên đường trên internet
4. Xây dựng cơ chế quản lý, duy trì hệ thống

File đính kèm
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác