Nghiên cứu luận cứ khoa học và kinh tế xã hội làm cơ sở xây dựng đề án phát triển đội ngũ trí thức thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2020
Đăng ngày 21-12-2017 09:46, Lượt xem: 406

I. THÔNG TIN ĐỀ TÀI
Tên đề tài: Nghiên cứu luận cứ khoa học và kinh tế xã hội làm cơ sở xây dựng đề án phát triển đội ngũ trí thức thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2020

Chủ nhiệm đề tài: TS. Hồ Kỳ Minh

Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng

Năm nghiệm thu: 2012

II. ĐẶT VẤN ĐỀ

Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định mục tiêu phát triển thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung- Tây Nguyên, một trong những trung tâm y tế, văn hóa- thể thao, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ cao của miền Trung. Để đạt được mục tiêu đó, thành phố Đà Nẵng phải không ngừng vươn lên về mọi mặt, khẳng định vai trò và vị thế của thành phố động lực, lan tỏa trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Do đó, đội ngũ trí thức sẽ là lực lượng quan trọng và quyết định đến việc thực hiện thành công mục tiêu này trong thời gian đến.

Chính vì vậy trong thời gian qua, Thành phố đã đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ trí thức bằng nhiều chính sách thu hút nhân lực, chiêu hiền đãi sĩ, đào tạo, bồi dưỡng... Tuy nhiên, hiện nay số lượng các nhà khoa học hàng đầu đang làm việc tại thành phố vẫn chưa nhiều, còn thiếu các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực nghiên cứu - phát triển, khoa học - kỹ thuật - công nghệ. Kết quả thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ đầu ngành vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào đánh giá toàn diện đội ngũ trí thức trên địa bàn Thành phố gồm cả các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp để từ đó xác định mục tiêu và giải pháp phát triển đội ngũ trí thức của thành phố một cách tổng thể.

Để thực hiện thành công mục tiêu sớm trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước năm 2020, việc nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu luận cứ khoa học và kinh tế xã hội làm cơ sở xây dựng đề án phát triển đội ngũ trí thức thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2020” là việc làm cấp thiết hiện nay để có đủ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến như mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra.

III. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

- Làm rõ một số vấn đề lý luận về phát triển đội ngũ trí thức, trong đó tập trung xác định các vấn đề liên quan đến phát triển đội ngũ trí thức;

- Phân tích, đánh giá về điều kiện và các yếu tố tác động đến sự phát triển đội ngũ trí thức thành phốĐà Nẵng trong thời gian đến;

- Phân tích, đánh giá thực trạng đội ngũ trí thức thành phốĐà Nẵng về số lượng, chất lượng, trình độ, cơ cấu, lĩnh vực …; Nhận diện những mặt mạnh, mặt còn hạn chế của đội ngũ trí thức so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố;

- Xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đội ngũ trí thức thành phốĐà Nẵng; Dự báo được nhu cầu đối với đội ngũ trí thức nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội thành phốĐà Nẵng giai đoạn 2012-2020. Đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức thành phố và xác định các bước tổ chức thực hiện. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển đội ngũ trí thức thành phốĐà Nẵng đến năm 2020 trình UBND thành phố phê duyệt.

IV.ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

Đội ngũ trí thức có trình độ từ đại học trở lên đang làm việc tại các cơ quan trên địa bàn thành phốĐà Nẵngnhư: Các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp (Trung ương và địa phương trên địa bàn thành phố); Các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn thành phố; Các tổ chức khoa học và công nghệ (Viện, phân viện, trung tâm,...); Các doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố (Trung ương và địa phương).

Phương pháp nghiên cứu

Đề tài áp dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau: Phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; Phương pháp phân tích hệ thống các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố; Phương pháp phân tích cạnh tranh (SWOT, PEST, Cluster ngành); Phương pháp điều tra, khảo sát xã hội học; Phương pháp phân tích thống kê; Phương pháp chuyên gia.

V. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Nhìn lại kinh nghiệm phát triển đội ngũ trí thức của một số địa phương trong nước và một số nước trên thế giới có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Đà Nẵng như sau:

- Chú trọng phát triển chất lượng đào tạo ngay từ cấp tiểu học: Một nét chung nhất có thể rút ra từ kinh nghiệm phát triển đội ngũ trí thức của các nước trên thế giới là việc chú trọng đến chất lượng giáo dục trí thức ngay từ cấp tiểu học chứ không phải chỉ chờ đến cấp đại học mới chú trọng. Việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo trí thức phải được thực hiện sớm ngay từ những giai đoạn sơ khai, ban đầu. Cũng vì thế mà tiêu chuẩn đối với giáo viên các cấp học mà đặc biệt là cấp tiểu học phải được nâng cao hơn hiện nay.

- Xây dựng và phát triển mạnh các trường đại học nghiên cứu và tạo điều kiện cho tất cả các trường đại học, những trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ là nơi sản sinh ra tri thức mới. Kiến nghị Trung ương giao quyền tự chủ cho các trường đại học để họ được tự do đào tạo theo định hướng đã được vạch ra và đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

- Sử dụng các cơ chế đặc biệt như các chương trình khoa học và công nghệ lớn, các quỹ quốc gia, quỹ xã hội và các viện nghiên cứu mũi nhọn, quy mô lớn để giải quyết việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ, các trí thức đầu đàn. Khuyến khích việc thu hút trí thức là Kiều bào về làm việc tại thành phố. Thường xuyên cử cán bộ, nhà khoa học ra nước ngoài học tập kinh nghiệm, trau dồi kiến thức. Tạo lập môi trường làm việc tốt, tự do, đảm bảo yêu cầu công tác cho trí thức.

- Sử dụng quy luật cạnh tranh để tồn tại trong xây dựng phát triển giới trí thức, trong đó nhấn mạnh vào phát triển kỷ luật nhóm, hành vi hợp tác và chuẩn hóa để đào tạo được đội ngũ trí thức thật sự có trình độ cao, năng lực chuyên môn giỏi.

- Cải tiến tiêu chuẩn và cách thức tuyển dụng của trí thức. Chú trọng vào khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm. Tuyển dụng theo vị trí còn trống và phù hợp với chuyên môn. Tổ chức các đợt đào tạo về ngoại ngữ cũng như chuyên môn cho các trí thức vừa mới được nhận công tác và đang trong giai đoạn thử việc.

- Đặt yêu cầu và tôn vinh xứng đáng đối với trí thức, không chỉ bằng vật chất mà cả tinh thần, dù họ làm việc ở đâu, trên cương vị nào sẽ là nguồn động viên, khích lệ trí thức cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển thành phố.

- Đồng thời trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiệm vụ đặt ra là phải đào tạo được con người mang tính quốc tế cao, song không đánh mất bản sắc dân tộc thông qua việc kết hợp sử dụng nhân lực trình độ cao của nước ngoài để từ đó đào tạo (tại chỗ và ở nước ngoài) lực lượng trí thức trong nước có thể nhanh chóng thay thế và làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến.

File đính kèm
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác