Giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông của thành phố Đà Nẵng
Đăng ngày 21-12-2017 09:46, Lượt xem: 2955

I. THÔNG TIN ĐỀ TÀI
Tên đề tài: Giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông của thành phố Đà Nẵng

Chủ nhiệm đề tài: CN. Nguyễn Hoàng Long

Cơ quan chủ trì:Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Đặc biệt

Năm nghiệm thu: 2013

II. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đội ngũ giáo viên là lực lượng cốt cán của sự nghiệp phát triển giáo dục (GD) và đào tạo (ĐT), là nhân tố quan trọng nhất quyết định việc nâng cao chất lượng giáo dục, biến mục tiêu phát triển giáo dục của Đảng thành hiện thực. Do vậy, muốn phát triển giáo dục đào tạo (GD-ĐT) điều quan trọng trước tiên là phải chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên (GV). Trong nhà trường phổ thông, việc phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chất lượng ngày càng cao phải được coi là một giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng giáo dục.

Việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông là yếu tố mang tính chiến lược để có một nền giáo dục phổ thông đáp ứng tầm cao của yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cũng như bồi dưỡng nhân tài trong quá trình nâng cao dân trí. Trong xu thế học suốt đời và xây dựng xã hội học tập, vai trò của người giáo viên phổ thông càng quan trọng và nặng nề. Để có được một đội ngũ có vai trò trọng trách như vậy, cần hết sức coi trọng việc xác định các giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ.

III. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, thực trạng đội ngũ giáo viên và tình hình thực tiễn, nhóm nghiên cứu đề xuất hệ thống giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông của thành phố Đà Nẵng.

IV. ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

- Các nghiên cứu về xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên trên thế giới và trong nước;

- Mô hình nhà trường phổ thông Việt Nam 15 – 20 năm tới;

- Đặc điểm lao động sư phạm của người giáo viên tương lai;

- Mô hình nhân cách người giáo viên phổ thông tương lai;

- Những yếu tố ảnh hưởng đến công tác phát triển đội ngũ giáo viên;

- Những yêu cầu đối với việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên;

- Các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và thành phố Đà Nẵng;

- Thực trạng đội ngũ giáo viên (về số lượng, chất lượng, cơ cấu,…);

- Các nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông của Đà Nẵng.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Cách tiếp cận

Tiếp cận hệ thống – cấu trúc: Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên là một nội dung trong quản lý và có mối liên hệ với các nội dung khác của công tác quản lý giáo dục. Bản thân nó cũng bao gồm nhiều khâu và phải phối hợp nhiều chức năng quản lý.

Tiếp cận phức hợp: Với tiếp cận này, đề tài sẽ xem xét mỗi vấn đề của nội dung nghiên cứu trên nhiều bình diện khác nhau, dựa trên nhiều lý thuyết khác nhau.

Tiếp cận logic – lịch sử: Với tiếp cận này, đề tài có tính đến các điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể khi phân tích kinh nghiệm giáo dục của các nước, cũng như khi đề xuất các giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo của Đà Nẵng.

Tiếp cận quản lý chất lượng tổng thể (TQM): TQM là một quá trình quản lý chú trọng đến những yêu cầu đòi hỏi của khách hàng, ngăn ngừa rủi ro, xây dựng những cam kết về bảo đảm chất lượng trong nội bộ lực lượng lao động, thúc đẩy thể chế cho phép mọi người cùng tham gia quyết định. Nó cũng nhấn mạnh rằng mọi hoạt động của tổ chức phải được thực hiện tốt; tất cả người lao động phải có đủ thẩm quyền để thực hiện công việc một cách hiệu quả, có ý thức sáng tạo, nâng cao chất lượng. Theo cách tiếp cận này, các giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phải lôi cuốn được đông đảo cán bộ, giáo viên tích cực tham gia vào quá trình quản lý, nâng cao trình độ cho họ, phát huy sáng kiến trong các khâu của quá trình quản lý.

2.2. Phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng

- Nhóm phương pháp nghiên cứu lí luận, bao gồm: tìm hiểu, thu thập tài liệu; đọc, phân tích, tóm tắt tài liệu để làm sáng tỏ các vấn đề lý luận của đề tài;

          - Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tế: Đề tài sử dụng các phương pháp khảo sát thực tế như: Điều tra thực trạng đội ngũ giáo viên, thực trạng công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên: phỏng vấn trực tiếp, phỏng vấn gián tiếp bằng phiếu, quan sát; Nghiên cứu sản phẩm hoạt động sư phạm của giáo viên; Hồi cứu tư liệu…;

- Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia: Thực hiện thông qua các hội thảo, phiếu trưng cầu thu thập ý kiến để có được những định hướng và giải pháp đúng đắn;

          - Phương pháp nghiên cứu bổ trợ: phương pháp thống kê toán học sẽ được sử dụng để xử lí các số liệu điều tra khảo sát thực tế.

3. Nội dung nghiên cứu

- Nghiên cứu  cơ sở lí luận về xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên;

- Nghiên cứu cơ sở thực tiễn của công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên của thành phố Đà Nẵng;

- Đề xuất hệ thống các giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên của thành phố Đà Nẵng nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

V. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1.Khái quát về điều kiện kinh tế văn hóa, xã hội, địa lý, lịch sử, giáo dục và đào tạo của thành phố Đà Nẵng
2. Công tác phát triển giáo viên của thành phố Đà Nẵng
3.Thực trạng công tác phát triển đội ngũ giáo viên của thành phố Đà Nẵng
4. Hệ thống giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông của thành phố Đà Nẵng

File đính kèm
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác