Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Đăng ngày 21-12-2017 09:46, Lượt xem: 3862

I. THÔNG TIN ĐỀ TÀI

Tên đề tài: Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Chủ nhiệm đề tài: CN. Nguyễn Kim Dũng

Cơ quan chủ trì: Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố Đà Nẵng

Năm nghiệm thu: 2014

II ĐẶT VẤN ĐỀ

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng. Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng nói: “Thi đua là gieo giống, khen thưởng là thu hoạch”, “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”.

Ngày 03/6/1998, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 35-CT/TW về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới, trong đó Bộ Chính trị chủ trương tổng kết công tác thi đua, khen thưởng 50 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948). Chỉ thị nêu rõ: “Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm của 50 năm qua các cấp uỷ Đảng chỉ đạo tiến hành đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới, tập trung vào các vấn đề cơ bản như: làm rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua và khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, khẳng định vai trò lãnh đạo mới của Đảng và quản lý Nhà nước đối với với công tác thi đua và khen thưởng; kiện toàn và đổi mới tổ chức cán bộ của cơ quan tham mưu thi đua, khen thưởng; đổi mới nội dung và hình thức thi đua, khen thưởng”.

Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến tiếp tục nhấn mạnh vị trí của công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới: “Thi đua, khen thưởng đã tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh”.

Thi đua và khen thưởng thực sự là động lực tinh thần để thúc đẩy sức lao động tự nguyện, sáng tạo của mỗi tập thể, cá nhân nhằm tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần mới cho xã hội một cách tốt nhất (mà trong điều kiện bình thường không thể đạt được). Thi đua yêu nước trở thành nền tảng để động viên các nguồn lực của xã hội tham gia một cách tự giác và tích cực vào xây dựng và phát triển đất nước. Trên cơ sở đó lựa chọn được những cá nhân và tập thể tiêu biểu để khen thưởng. Đồng thời, việc khen thưởng đúng người, đúng việc lại động viên và thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước phát triển.

Phong trào thi đua yêu nước của thành phố Đà Nẵng trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2007 - 2011 đã có chuyển biến đáng kể, nhiều tiến bộ. Thi đua yêu nước đã có tác động tích cực, cổ vũ, động viên cán bộ, Chiến sĩ và nhân dân thành phố phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, hội, đoàn thể thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác thi đua, khen thưởng, tạo được chuyển biến trên nhiều mặt, nhất là chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới. Nhiều phong trào thi đua thiết thực đã tạo được động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, xã hội phát triển. Nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua từng bước được cải tiến, đạt hiệu quả, phù hợp, hướng thi đua yêu nước vào thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, không ít cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng còn lúng túng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố, chưa có cơ quan, đơn vị nào tiến hành nghiên cứu việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; đã có lúc, có nơi khen thưởng còn tràn lan; việc xây dựng các tiêu chí xét khen thưởng còn chung chung, khen chưa đúng người, đúng việc, đúng thành tích; khen thưởng chưa kịp thời; đề nghị khen thưởng cho đội ngũ lãnh đạo chiếm tỷ lệ cao, khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất còn rất ít; khen thưởng và thi đua chưa thực sự gắn kết với nhau… dẫn đến tác dụng nêu gương trong khen thưởng còn thấp.

Nguyên nhân dẫn đến tồn tại, khuyết điểm đó là do quá trình thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng, thực hiện các chỉ thị, nghị định, thông tư hướng dẫn về thi đua, khen thưởng còn lúng túng, bất cập. Việc xây dựng tiêu chí thi đua, khen thưởng còn chưa được đầu tư nghiên cứu sâu, thiếu cụ thể, nhiều tiêu chí còn mang tính chất định tính, khó vận dụng để làm cơ sở đánh giá khách quan, chính xác. Trong giai đoạn nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, hoà nhập với nền kinh tế thế giới, các giá trị so sánh giữa quyền lợi vật chất với động viên tinh thần, các chuẩn mực về đạo đức, lối sống, sức ép về cạnh tranh kinh tế, lợi nhuận,… đã tác động mạnh mẽ vào công tác thi đua, khen thưởng, vào tổ chức, cá nhân tham gia thi đua.

Việc xác định thẩm quyền, xây dựng quy chế, quy trình thi đua, khen thưởng ở nhiều lĩnh vực chưa được cụ thể hóa, còn nhiều yếu tố chưa đồng nhất do chưa có được những đề tài nghiên cứu sâu để đưa ra những giải pháp thật sát hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề.

Những công trình nghiên cứu có tính chất tổng kết về lý luận và thực tiễn mang tính chất hệ thống thì chưa nhiều, hầu hết chỉ dừng ở báo cáo tổng kết hoặc báo cáo nêu kinh nghiệm (như tổng kết thi đua yêu nước, kinh nghiệm khuyến khích sáng kiến của các cơ quan, doanh nghiệp...). Về mặt lý luận, hiện nay Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã biên soạn tập bài giảng về công tác thi đua, khen thưởng và triển khai tập huấn cho các đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, tập bài giảng chỉ khái quát những vấn đề cơ bản, tổng quát, những vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình triển khai công tác thi đua, khen thưởng ở các cơ quan, đơn vị chưa được giải quyết, dẫn tới việc hiểu, vận dụng ở mỗi nơi, mỗi lúc, mỗi đơn vị, địa phương còn có sự khác nhau.

Tại Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 21/9/2011 của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Kết luận số 83-KL/TW, ngày 30 tháng 8 năm 2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, Thành ủy Đà Nẵng đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của thành phố, trên cơ sở đó xây dựng đề án công tác thi đua, khen thưởng của thành phố giai đoạn 2011 - 2015. Giám đốc Sở Nội vụ đã giao Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Đà Nẵng chủ trì, tổ chức nghiên cứu đề tài.

Với tinh thần quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố, trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, Sở Nội vụ, Ban Thi đua - Khen thưởng đã tập trung triển khai nghiên cứu đề tài “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” để hoàn thành nhiệm vụ được lãnh đạo các cấp giao.

III. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

- Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đổi mới;

- Đánh giá thực trạng công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố trong thời gian qua;

- Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các giải pháp, chính sách để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố và kiến nghị, đề xuất với Trung ương những vấn đề còn vướng mắc về cơ chế, chính sách công tác thi đua, khen thưởng;

- Biên tập, xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trình UBND thành phố phê duyệt và triển khai.

IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

- Công tác thi đua, khen thưởng ở các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể, UBND các quận, huyện, phường, xã và doanh nghiệp từ năm 2007 đến năm 2011;

- Những giải pháp định lượng trong công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian đến.

2. Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi đã sử dụng kết hợp các phương pháp:

- Phương pháp điều tra, khảo sát, thu thập và xử lý thông tin: điều tra bằng phiếu điều tra xã hội học; khảo sát qua các cuộc kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng ở quận, huyện, sở, ban, ngành, hội đoàn thể thành phố; qua các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội; phỏng vấn các chuyên gia, cán bộ làm thi đua lâu năm có kinh nghiệm; tham khảo các mô hình mới, các tổ chức phong trào hay của thành phố Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh là các đơn vịtrong Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

- Trên cơ sở kết quả được phân tích, đánh giá sâu từng nội dung chỉ tiêu, chúng tôi sử dụng phương pháp tổng hợp để đánh giá toàn diện các vấn đề, khía cạnh của công tác thi đua, khen thưởng để có một cách nhìn nhận tổng thể, bao quát hơn từ đó có các định hướng và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng phong trào thi đua, công tác khen thưởng.

          Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu đề tài, những nội dung giải pháp có tính khả thi, được sự đồng thuận cao, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND Thành phố ban hành thực hiện, sau đó thực hiện thí điểm ở các cơ quan, đơn vị. Trong quá trình thực hiện có những vấn đề nảy sinh vướng mắc thì lại nghiên cứu sửa đổi bổ sung cho phù hợp hơn. Trên cơ sở sơ kết, tổng kết các cách làm hay, mô hình có hiệu quả, sẽ nhân rộng ra các cơ quan, đơn, vị khác trên địa bàn thành phố. Sử dụng phương pháp này sẽ đem lại hiệu quả thiết thực của việc nghiên cứu đề tài và tính khả thi cao.

V. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố thời gian tới, việc đổi mới cần bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước và thành phố, tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Giải pháp về nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

2. Giải pháp về hoàn thiện việc xây dựng, ban hành, hướng dẫn, đề xuất cơ chế chính sách về thi đua, khen thưởng

3. Giải pháp về kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp

4. Giải pháp về nâng cao chất lượng và hiệu quả các phong trào thi đua

5. Giải pháp về nâng cao chất lượng công tác khen thưởng

File đính kèm
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác