Nghiên cứu thiết kế bê tông nhựa chống hằn lún vệt bánh xe ứng dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Đăng ngày 30-07-2018 02:40, Lượt xem: 726

THÔNG TIN CHUNG VỀ ĐỀ TÀI

1. Tên đề tài: “Nghiên cứu thiết kế bê tông nhựa chống hằn lún vệt bánh xe ứng dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

2. Cơ quan chủ trì: Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng

3. Cơ quan cấp trên trực tiếp của tổ chức chủ trì: UBND thành phố Đà Nẵng

4. Chủ nhiệm đề tài: ThS Lê Văn Trung

5. Thời gian thực hiện: 24 tháng (12/2015 - 12/2017)

6. Họp nghiệm thu chính thức: ngày 21 tháng 12 năm 2017

7. Tổng kinh phí: 1.105.034.000 đồng

Trong đó:

- Nguồn kinh phí SNKH thành phố: 576.834.000 đồng

- Nguồn khác: 528.200.000 đồng

8. Kết quả xếp loại đề tài: đạt loại Khá.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Đề tài đã nghiên cứu lựa chọn vật liệu thích hợp ở địa phương để chế tạo bê tông nhựa kháng hằn lún vệt bánh xe gồm: cốt liệu thô (đá dăm), cốt liệu mịn (cát), chất độn mịn (bột khoáng), chất liên kết trong bê tông nhựa chính là nhựa đường (bitumen) và các loại phụ gia. Trên cơ sở xác định nguồn vật liệu thích hợp, đề tài đã nghiên cứu trong phòng thí nghiệm các đặc tính của bê tông nhựa có khả năng kháng hằn lún vệt bánh xe cao, bao gồm: bê tông nhựa sử dụng nhựa đường polime PMB-III (BTNP), bê tông nhựa sử dụng phụ gia bột cao su Rubind (BTNR), bê tông nhựa sử dụng phụ gia SBS dạng hạt (BTNS) và bê tông nhựa sử dụng cốt sợi thủy tinh phân tán (BTNT). Để có thể đánh giá được chất lượng các loại bê tông nhựa đảm bảo kháng hằn lún vệt bánh xe, Ban chủ nghiệm đề tài đã đã chọn 03 loại bê tông nhựa có kết quả tốt gồm BTNR, BTNS, BTNT và tiến hành triển khai thi công thử nghiệm thực tế tại hiện trường tại 03 vị trí liên tiếp với tổng chiều dài 160m, rộng 4,5m (trên tuyến đường 14B, đoạn đường có lưu lượng giao thông lớn, tải trọng nặng, địa hình dốc, nhiệt độ mặt đường cao). Sản phẩm bê tông nhựa triển khai thi công thực nghiệm tại hiện trường được quan trắc liên tục trong 1 năm, theo dõi tình trạng mặt đường trong quá trình khai thác (quan trắc độ lún vệt bánh xe, mô đun đàn hồi, nhiệt độ mặt đường) để đánh giá chất lượng và so sánh với kết quả đạt được trong phòng thí nghiệm. Qua quá trình nghiên cứu và thi công thử nghiệm bê tông nhựa kháng hằn lún vệt bánh xe trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã cho các kết quả ban đầu khả quan, chất lượng mặt đường cơ bản tốt, hiện tượng HLVBX không đáng kể (độ lún tối đa 3mm đối với BTNS và BTNR và 2mm đối với BTNT), đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi lưu thông. Thông qua các kết quả theo dõi quan trắc thi công thực nghiệm tại hiện trường cho thấy bê tông nhựa sử dụng phụ gia sợi thủy tinh có độ lún ít nhất, mức độ và bề rộng vết nứt là không đáng kể, đảm bảo các yêu cầu về khai thác. Trong 03 loại bê tông nhựa thảm thực nghiệm, BTNT có giá thành hợp lý, dễ thi công, vì vậy được chọn để thành lập Tiêu chuẩn cơ sở “Bê tông nhựa cốt sợi thủy tinh – yêu cầu thi công và nghiệm thu” đưa ra các chỉ tiêu kỹ thuật của vật liệu và phụ gia nhằm tăng cường khả năng kháng hằn lún của bê tông nhựa để làm cơ sở tham khảo áp dụng cho các công trình giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác