Đánh giá các trở ngại và đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nước thải cho Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng
Đăng ngày 30-07-2018 03:03, Lượt xem: 775

I. THÔNG TIN CHUNG VỀ ĐỀ TÀI

1. Tên đề tài: “Đánh giá các trở ngại và đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nước thải cho Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng

2. Cơ quan chủ trì: Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường

3. Cơ quan cấp trên trực tiếp của tổ chức chủ trì: Đại học Đà Nẵng

4. Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Trần Văn Quang

5. Thời gian thực hiện: 18 tháng (1/2015 - 6/2017)

6. Họp nghiệm thu chính thức: ngày 12 tháng 12 năm 2017

7. Tổng kinh phí: 782.434.000 đồng

Trong đó:

- Nguồn kinh phí SNKH thành phố: 449.060.000 đồng

- Nguồn khác: 333.374.000 đồng

8. Kết quả xếp loại đề tài: đạt loại Khá.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Hiện nay, hầu hết các nhà máy trong KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với phương pháp xử lý và công nghệ áp dụng phù hợp; Nước thải sản xuất được thu gom và xử lý trước khi xả ra hệ thống thu gom về trạm XLNT tập trung của KCN. Tuy nhiên, năng lực quản lý vận hành hạn chế, do không được chuyển giao và hướng dẫn và việc vận hành chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nên hiệu quả xử lý của các hệ thống không ổn định, thường xuyên bị quá tải do lượng nước thải và nồng độ các chất ô nhiễm tăng khi vào mùa chế biến. Các quá trình công nghệ xử lý áp dụng tại các nhà máy bao gồm: xử lý sơ bộ bằng quá trình tuyển nổi áp lực cao, keo tụ - lắng và keo tụ kết hợp với tuyển nổi siêu nông hoạt động ổn định và hiệu quả. Các quá trình sinh hóa thiếu khí, kỵ khí có hiệu quả thấp, việc nâng cao hiệu quả xử lý không khả thi, do các trở ngại: diện tích mặt bằng, nồng độ TOC thấp. Qúa trình sinh hóa hiếu khí hoạt động không ổn định và tỷ lệ TN/BOD cao là nguyên nhân chính dẫn đến việc duy trì nồng độ bùn hoạt tính trong bể Aeroten gặp nhiều khó khăn. Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành thu thập các số liệu tài liệu liên quan, khảo sát đánh giá hiện trạng quản lý nước thải, bùn thải; triển khai các nghiên cứu thực nghiệm, xác định các thông số của quá trình sinh hóa hiếu khí trong phòng thí nghiệm và pilot tại hiện trường. Trên cơ sở đó đã đề xuất các thông số vận hành để duy trì ổn định quá trình xử lý Aeroten –Lắng với chất lượng nước sau xử lý có thể đạt cột B QCVN 11-MT:2015/BTNMT đối với chỉ tiêu COD hoặc cần phải kiểm soát chỉ số bùn bằng chất trợ lắng hoặc tăng cường bằng biện pháp lọc đối với chỉ tiêu TSS, COD, BOD5 và để đạt cột B hoặc cột A đối với chỉ tiêu N-NH4, TN cần phải xử lý sinh hóa hai bậc: Bậc I xử lý chất hữu cơ và một phần chất dinh dưỡng, bậc II xử lý các chất dinh dưỡng còn lại.

Về hiệu quả xử lý bùn, cặn thải tại các nhà máy và trạm XLNT tập trung có hiệu quả thấp là do: (i) lượng bùn, cặn phát sinh từ quá trình XLNT ít và quá trình vận hành các thiết bị ép bùn phức tạp và hiệu quả thấp; (ii) không có doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức thu gom và xử lý cuối cùng. Với lượng thải tương đối ổn định, có thành phần giàu dinh dưỡng, việc áp dụng quá trình phân hủy kỵ khí, xử lý bùn cặn là hoàn toàn khả thi, nước từ quá trình phân hủy, cặn sau ổn định hoàn toàn có thể tái sử dụng như là phân bón lỏng và bón lót cho các loại cây trồng trong canh tác nông nghiệp.

Kết quả nghiên cứu đã làm rõ các trở ngại trong quản lý nước thải KCN là do: (i) năng lực quản lý vận hành quá trình Aeroten - Lắng còn nhiều hạn chế; (ii) lượng cặn và bùn dư sau ổn định kỵ khí thiếu tổ chức thu gom xử lý ở công đoạn cuối cùng. Các biện pháp đề xuất: (i) duy trì sự ổn định quá trình Aeroten –Lắng bằng biện pháp lọc; (ii) xử lý nước thải đạt QCVN 11-MT:2015/BTNMT bằng quá trình sinh hóa hiếu khí hai bậc; và (iii) công nghệ xử lý và tái sử dụng bùn, cặn sau xử lý; là hoàn toàn khả thi, có độ tin cậy cao và được các bên liên quan chấp thuận.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác