Liên kết "ba nhà" nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ
Đăng ngày 01-04-2019 07:59, Lượt xem: 513

Ngày 30-3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì Tọa đàm Liên kết phát triển khoa học và công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền thành phố Đà Nẵng. Đây là tọa đàm chuyên đề trong khuôn khổ Tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ, do UBND thành phố tổ chức nhằm tạo kênh liên kết giữa các cơ sở đào tạo, đơn vị nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển sản xuất.

Tọa đàm Liên kết phát triển khoa học và công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền thành phố Đà Nẵng

Doanh nghiệp gặp khó khăn trong ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, nhìn nhận, đổi mới công nghệ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường sản phẩm, đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhằm tạo ra các sản phẩm mới, quy trình mới, công nghệ mới, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây là vấn đề đang ngày càng mang tính sống còn đối với các doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc đổi mới, thay thế các thiết bị công nghệ vào sản xuất.

Theo ông Phạm Bắc Bình, vấn đề khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới và trang bị mới máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất là vấn đề tài chính. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, sản xuất luôn không ổn định,hiệu quả không phải lúc nào cũng như mong muốn, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng cũng như các quỹ tài chính tín dụng cực kỳ khó khăn.

Bên cạnh đó, các tổ chức tư vấn hỗ trợ khoa học công nghệ và các cá nhân làm khoa học công nghệ đáng tin cậy không phải khi nào cũng có sẵn và sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn lực hạn chế, luôn phải ứng phó với tính bất ổn của thị trường, hình thành tâm lý không dám mạo hiểm đầu tư mới nếu không có được sự hỗ trợ chắc chắn từ cơ quan nhà nước. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cho rằng, hiện nay, các cơ chế chính sách của nhà nước trong hỗ trợ đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được mạnh mẽ, còn quá nhiều thủ tục làm cho cộng đồng doanh nghiệp không thiết tha tiếp nhận.

Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ nhiều trăn trở về ứng dụng khoa học công nghệ

Chia sẻ về khó khăn trong tuyển dụng nhân lực làm nghiên cứu khoa học công nghệ, đại diện Công ty giải pháp điều khiển tự động hóa cho biết, để tìm được những bạn sinh viên ra trường thực sự yêu thích nghiên cứu công nghệ, có tâm huyết, nghiêm túc với nghề và có kỹ năng đáp ứng được nhu cầu công việc là rất ít ỏi.

Một trong những nguyên nhân có thể nhận thấy được đó là không khí nghiên cứu khoa học công nghệ tại Đà Nẵng chưa sôi nổi, rất hạn chế so với 2 đầu đất nước, chưa tạo ra được phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn thành phố. Bên cạnh đó, một bộ phận sinh viên có tư tưởng ngại khó, thích làm những công việc dễ dàng, nhanh kiếm được thu nhập. Vì vậy, các trường đại học cần có giải pháp khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu trong sinh viên, đồng thời giáo dục tư tưởng, thái độ làm việc một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp, bởi đối với doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự, yêu cầu về tinh thần, thái độ làm việc là rất quan trọng, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Liên kết “ba nhà”: nhà quản lý – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cho rằng, có một thực trạng là số lượng các đề tài, nghiên cứu khoa học của các trường đại học trên địa bàn thành phố khá nhiều, trong đó có nhiều đề tài cấp quốc gia, quốc tế, tuy nhiên, đa phần không được ứng dụng bởi chưa tiếp cận được với nhu cầu thực tiễn cuộc sống, với nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch, đã đến lúc cần có sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc triển khai xây dựng các đề tài, nghiên cứu khoa học nhằm gắn nghiên cứu với thực tiễn ứng dụng. Để làm được điều này, trước tiên, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Sở Khoa học và Công nghệ cần vào cuộc mạnh mẽ, trở thành địa chỉ tin cậy, là đầu mối để liên kết nhu cầu của doanh nghiệp, đặt hàng cho các trường đại học nghiên cứu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng phát biểu chỉ đạo Tọa đàm

Đồng tình với ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường tuyển dụng của sinh viên khi ra trường hiện nay còn hạn chế, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đề nghị, các trường cần liên tục cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, báo sát nhu cầu thị trường tuyển dụng, trong đó lưu ý chú trọng đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng quản trị, và đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ, điều vô cùng quan trọng trong xã hội hội nhập ngày nay. Đồng thời, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cho rằng, các trường đại học cần có sự liên kết, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, từ đó phân chia lĩnh vực thế mạnh đối với từng trường để phát triển nghiên cứu theo hướng chuyên sâu, tạo ra sức mạnh thực sự về khoa học công nghệ cho thành phố.

Về phía doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cho rằng, không nhất thiết phải cầu toàn, phải áp dụng những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất, kỹ thuật cao nhất với thực tế nguồn lực còn hạn chế, mà mỗi doanh nghiệp nên đi theo từng bước, xây dựng định hướng cho từng giai đoạn, từ tận dụng, phát huy công nghệ tại chỗ, đến chuyển giao công nghệ, phối hợp nghiên cứu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực phối hợp cơ quan quản lý nhà nước trong việc cung cấp thông tin liên quan đến kỹ thuật, công nghệ được áp dụng tại doanh nghiệp, nhằm giúp cơ quan quản lý xây dựng bản đồ thống kê, dự báo về khoa học công nghệ.

Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, để khoa học công nghệ thực sự trở thành đòn bẩy, động lực cho sự phát triển của tất cả các lĩnh vực, cần chuyển từ hình thức các nhà khoa học tự đề xuất đề tài nghiên cứu với nhà nước như hiện nay sang việc nhà nước đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu dựa trên nhu cầu thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, cần có sự tham gia của các nhà khoa học, nghiên cứu trong công tác xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm đảm bảo các chính sách được áp dụng hiệu quả, tạo động lực cho phát triển khoa học công nghệ.

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác, liên kết nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa các trường đại học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước

Hiện thực hóa nỗ lực liên kết “ba nhà”, tại Tọa đàm, 9 đơn vị gồm: Sở Khoa học và Công nghệ; Đại học Đà Nẵng; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng; Trường đại học Duy Tân; Hội doanh nhân trẻ thành phố; Đại học Kiến trúc; Hiệp hội nữ doanh nhân thành phố; Đại học Đông Á; Đại học Kỹ thuật Y dược ký kết Thỏa thuận hợp tác, liên kết nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác