Đổi mới khoa học và công nghệ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Đăng ngày 03-04-2019 17:05, Lượt xem: 2768

Khoa học và công nghệ (KH&CN) luôn được xác định giữ vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới ở nước ta, là bộ phận nguồn lực không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, trong thời gian qua, Đà Nẵng chú trọng đầu tư cho KH&CN tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của thành phố.

 Đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế chính sách về KH&CN

Trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách về KH&CN của thành phố Đà Nẵng được ban hành nhằm hiện thực hóa những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về KH&CN.

 Hệ thống văn bản về KH&CN ngày càng được hoàn thiện theo hướng gắn kết, phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, đổi mới công nghệ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường KH&CN. 

Tọa đàm Liên kết phát triển khoa học và công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền thành phố Đà Nẵng tổ chức vào ngày 30-3 vừa qua

Trong 5 năm qua, thành phố đã ban hành 15 văn bản liên quan đến KH&CN giúp cho công tác quản lý và hoạt động KH&CN ngày càng có hiệu quả, trong đó tập trung vào việc đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách về phát triển KH&CN, chú trọng cơ chế quản lý, chính sách đầu tư, tài chính,.. nhằm phát huy tiềm năng to lớn của nguồn nhân lực KH&CN, khuyến khích người tài, tạo môi trường thuận lợi phát huy tiềm năng KH&CN, huy động mọi nguồn lực trong xã hội. 

Bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN từ thành phố đến quận huyện được kiện toàn, đảm bảo bộ máy tinh gọn và hoạt động hiệu quả. Cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN đã đổi mới, quản lý có hiệu quả hơn. Trong đó chú trọng việc đặt hàng các nhiệm vụ trọng điểm, sát với thực tế. Phương pháp quản lý ngày càng được đổi mới sao cho dễ dàng hơn với các nhà khoa học. Các nhiệm vụ được xem xét thường xuyên, đảm bảo giải quyết những vấn đề bức xúc của thành phố, ưu tiên nhiệm vụ theo chuỗi giá trị, thúc đẩy thương mại hóa, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. 

Các kết quả nghiên cứu phải có địa chỉ ứng dụng và cam kết ứng dụng. Cơ chế tài chính cũng thay đổi đáng kể, tăng tỷ lệ chi cho KH&CN, đa dạng hóa nguồn đầu tư và tập trung đầu tư cho những lĩnh vực trọng điểm của thành phố như khu công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, y tế và môi trường. Tăng định mức chi, thực hiện khoán cho các nhiệm vụ, đã có sự phân cấp, phân quyền và tự chủ tài chính. Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng cũng đã được đổi mới, thành phố có thể hỗ trợ 70% kinh phí cho nghiên cứu tạo, giải mã và ươm tạo, chuyển giao công nghệ, thậm chí có thể hỗ trợ kinh phí cho việc mua mới thiết bị đến 30%.

Hoạt động khoa học, công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế

Chính những chủ trương, chính sách về KH&CN được đổi mới đã tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các hoạt động KH&CN, đem lại một số kết quả nổi bật trong nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ.

Trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: trong vòng 5 năm qua, có 166 các đề tài, dự án ở các cấp đã được nghiệm thu với gần 140 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tranh thủ sự hỗ trợ phần lớn của ngân sách Trung ương với 44% và kinh phí xã hội hóa chiếm 20%. 

Kết quả là đã chuyển giao được 54 quy trình công nghệ phục vụ sản xuất sản xuất và đời sống. Các hướng nghiên cứu và công nghệ ưu tiên phát triển nhằm tận dụng cơ hội của cuộc Công nghiệp 4.0 được triển khai, đóng góp cho sự phát triển của các ngành, nhất là ngành y tế, nông nghiệp, công nghệ thông tin để xây dựng thành phố thông minh, thành phố môi trường. 

Riêng trong lĩnh vực y tế đã có hàng ngàn phác đồ, quy trình công nghệ, kỹ thuật hiện đại được áp dụng vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Từ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã sản xuất được một số loại thuốc phục vụ cho cả y học cổ truyền và y học hiện đại. 

Tuy ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng ít trong cơ cấu kinh tế nhưng đã có nhiều nghiên cứu và quy trình kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và sản xuất nông sản an toàn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đã chuyển giao nhiều quy trình công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế như dưa lưới, hoa các loại, nấm, cây ăn quả và vật nuôi. 

Đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động tại bảo tàng Đà Nẵng” do Đại học Đà Nẵng làm Cơ quan chủ trì và PGS.TS Võ Trung Hùng làm chủ nhiệm đề tài được đưa vào ứng dụng tại Bảo tàng Đà Nẵng

Các nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT đã tập trung vào các giải pháp công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn và các phần mềm, thiết bị mới phục vụ công tác quản lý của các ngành, góp phần cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố. 

- Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa:

Qua điều tra sơ bộ về trình độ công nghệ với 600 doanh nghiệp, cho thấy các doanh nghiệp của thành phố chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là rất nhỏ nên những chính sách của thành phố đã tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xây dựng ISO … và bảo hộ sở hữu trí tuệ. 

Theo chính sách này đã có 47 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ và đến 2018 thành phố đã có 3.352 văn bằng sở hữu trí tuệ đã được cấp, trong đó có 3185 nhãn hiệu; 48 sáng chế & giấy phép hữu ích; 119 kiểu dáng công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện kết nối tầm quốc gia và quốc tế về công nghệ hay xây dựng sản giao dịch công nghệ đã được thực hiện để cho các doanh nghiệp có địa chỉ thông tin về công nghệ và có nhiều lựa chọn kết nối, hợp tác và tìm nguồn vốn đầu tư với các đối tác trong và ngoài nước. 

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển KH&CN trong thời gian tới

Tuy KH&CN của thành phố đã có nhiều đổi mới và có một số kết quả nhất định nhưng còn tồn tại nhiều bất cập. Việc tác động của khoa học vào nền kinh tế - xã hội của thành phố còn khiêm tốn, thủ tục còn rườm rà, gây khó khăn cho các nhà khoa học. Chưa có cơ chế khoán gọn cho các nhà khoa học. 

Sự liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu, nhất là các cơ sở giáo dục với doanh nghiệp và địa phương còn chưa chặt chẽ, ít có nghiên cứu ứng dụng cho doanh nghiệp và thực tế của địa phương. 

Vì vậy, trong thời gian tới để tiếp tục đổi mới KH&CN của thành phố nhằm ứng dụng tốt các kết quả và thành quả của KH&CN trong cuộc sống, thành phố sẽ tập trung xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội để thực hiện tốt mục tiêu của Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó:

- Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính, liên kết, thu hút các chuyên gia, cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN. Đơn giản hóa tối đa theo các thủ tục hồ sơ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học.

- Tiếp tục sửa đổi chính sách đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa theo quy định mới trong Nghị định và Luật chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao khả năng sản xuất và sức cạnh tranh trên thị trường.

- Xây dựng các chính sách để thực hiện tốt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” nhằm xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xứng tầm quốc gia và khu vực theo đúng mục tiêu trong Nghị quyết 43.

- Xây dựng các chương trình KH&CN trọng điểm về Công nghệ cao, Công nghệ sinh học, CNTT, Trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ phát triển thành phố thông minh, thành phố môi trường và chính phủ điện tử. Đẩy mạnh hơn nữa các nghiên cứu ứng dụng KH&CN cho doanh nghiệp. Kết nối các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp với cơ quan nhà nước nhằm tận dụng tối đa nguồn nhân lực của các cơ sở giáo dục trong việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

- Đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm liên kết hợp tác cùng nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ hiện đại cho các doanh nghiệp.

 Vũ Bích Hậu

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác