4 Startups xuất sắc của cuộc thi khởi nghiệp công nghệ 4.0
Đăng ngày 29-11-2018 08:57, Lượt xem: 822

Nhằm mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư và tạo sân chơi cho Startup giao lưu học hỏi và phát triển hơn nữa, “Cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp công nghệ 4.0” là một trong những chuỗi hoạt động nổi bật tại khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia Techfest Vietnam 2018. 

Vòng loại cuộc thi của Làng công nghệ 4.0 do đại diện V-Startup đứng ra tổ chức vào chiều ngày 14/11/2018 vừa qua đã thu hút sự tham gia tranh tài sôi nổi của 21 Startups trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao như  Blockchain, Smart IoT, AV.

Theo đó tại vòng loại này, các đội thi sẽ có 3 phút trình bày dự án và 5 phút trao đổi trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo. Các đội thi sẽ được đánh giá và chấm điểm theo 8 tiêu chí về Tính độc đáo và tính đổi mới sáng tạo của sản phẩm; Tính khả thi của phương pháp giải quyết vấn đề; Quy mô thị trường hiện tại và tiềm năng thị trường; Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Nguồn nhân lực hiện tại của doanh nghiệp; Thống kê tài chính; Kế hoạch sử dụng các nguồn vốn và cuối cùng là Kỹ năng thuyết trình.

Kết quả có 4 đội thi xuất sắc vào vòng bán kết trong chuỗi Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng.

1. Công ty CP VP9 Việt Nam:

VP9 Việt Nam chuyên sản xuất thiết bị điện tử và phần mềm, dịch vụ trong lĩnh vực truyền dẫn âm thanh và hình ảnh qua Internet. Sản phẩm đầu tiên là set top box chạy Android 4.1, bán ra công chúng lần đầu vào 02/2014. Dịch vụ đầu tiên bán ra công chúng vào 02/2015 là truyền hình cho người Việt ở nước ngoài.

Hiện nay VP9 cung cấp các sản phẩm encoder cho truyền hình, set top box chạy 1 trong 3 hệ điều hành: Ubuntu Linux, Android, Windows; Camera giám sát; Hệ thống hiển thị thông tin và quảng cáo (digital signage); Cầu truyền hình trực tuyến (video conference).

2. Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải pháp xử lý dữ liệu Vbee:

VBee là nhóm nghiên cứu, phát triển các giải pháp, dịch vụ số hoá dữ liệu và nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, tập trung chính vào công nghệ chuyển văn bản thành tiếng nói Text-To-Speech (TTS) và hội thoại thông minh. Các ứng dụng VBee đang phát triển và triển khai bao gồm tổng đài tự động, nhà thông minh, báo nói, sách nói, thuyết minh phim tự động…

3. Abivin

Thành lập từ 5/2015 bởi Phạm Nam Long - cựu kỹ sư phần mềm Google, Abivin là công ty cung cấp phần mềm dịch vụ chuyên về trí tuệ nhân tạo nhằm hỗ trợ con người trong việc xử lý các vấn đề về tối ưu hóa và phân tích dữ liệu ở quy mô lớn. Với đội ngũ 20 thành viên, Abivin đang phát triển giải pháp đột phá Abivin vRoute. 

Avibin vRoute – phần mềm quản lý sắp xếp lộ trình giao hàng tối ưu trên điện thoại, cho phép người dùng dễ dàng theo dõi tiến độ giao hàng qua bản đồ trong thời gian thực. Nhờ vậy, giúp doanh nghiệp cải thiện dịch vụ khách hàng, tiết kiệm tổng chi phí vận tải và quản lý chặt chẽ hiệu quả giao hàng.

Trong những năm qua, Abivin đã nhận được sự tin tưởng và lựa chọn làm đối tác giúp tự động hóa quy trình vận hành cho những công ty đa quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ như P&G, A.O.Smith, Mesa, Kospa, TCT, Habeco. Mục tiêu dài hạn của Abivin là xây dựng một nền tảng cho việc vận hành kinh doanh dựa trên dữ liệu cho toàn khu vực ASEAN.

4. Lina Supplychain 

Ứng dụng Lina Supply Chain nằm trong một hệ sinh thái công nghệ Blockchain rộng lớn bao gồm nhiều nhà kinh doanh và nhiều người dùng được đặt tên là Lina Network. Đây là nền tảng công nghệ được xây dựng trên Blockchain.

Lina Supply Chain đảm bảo việc theo dõi nguồn gốc một sản phẩm nào đó trong thời gian thực. Việc áp dụng nền tảng Lina vào thực tiễn của chuỗi cung ứng giúp hiển thị minh bạch khả năng tối ưu hóa và khả năng truy xuất nguồn gốc.

Trong quản lý chuỗi cung ứng dựa trên Blockchain, việc lưu giữ hồ sơ và xuất xứ trở nên dễ dàng vì thông tin sản phẩm có thể được truy cập thông qua sự trợ giúp của các cảm biến nhúng và thẻ RFID. Lịch sử của một sản phẩm ngay từ nguồn gốc đến nơi nó đang ở trong thời điểm hiện tại có thể được truy tìm thông qua blockchain.


 
Bà Nguyễn Thy Nga- Giám đốc V-Startup, Trưởng làng công nghệ 4.0, Ảnh: Ban tổ chức


“Mong đợi nhất trong chương trình là qua mạng lưới mà Techfest huy động mời tham gia có thể giúp Startup đến gần hơn với nguồn vốn.  Năm 2017 Techfest đã rất thành công với 4,5 triệu đô đầu tư trực tiếp cho các Startup trong 2 ngày diễn ra sự kiện. Với đơn vị chúng tôi - V-Startup - qua các sự kiện công nghệ quốc tế đã tham dự như Digital BigBang Thailand 2018, BIXPO Korea 2018, chúng tôi mong muốn có thể tạo nên mạng lưới kết nối truyền thông, giới thiệu các nhà đầu tư đến với các Startup. Đặc biệt,  sắp tới vào tháng 3/2019, sự kiện kết nối đầu tư cho 200 doanh nghiệp Việt Nam với 50 doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ là cơ hội đặc biệt cho Startup phát triển mở rộng tiềm năng, mạng lưới ra quốc tế”, Bà Nguyễn Thy Nga - Trưởng làng công nghệ 4.0 - Giám đốc đơn vị V-Startup chia sẻ.

Cổng TTĐT
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác