Thúc đẩy hoạt động đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo
Đăng ngày 11-04-2019 08:37, Lượt xem: 137

Ngày 10-4, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp thành phố tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động đào tạo và huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh kiêm Chủ tịch Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp chủ trì hội thảo.

Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố, 67% lao động tại thành phố Đà Nẵng đang họat động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, số lượng doanh nghiệp trên nguồn lao động vẫn còn khiêm tốn. Năm 2018, thành phố ghi nhận hơn 4.800 doanh nghiệp đăng ký mới, chỉ chiếm 3,7% tổng số doanh nghiệp đăng ký mới của cả nước. Từ năm 2016 đến nay, thông qua các vườn ươm và tổ chức ươm tạo tại địa phương mới có khoảng 60 dự án/ doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó tỷ lệ dừng và chấm dứt hoạt động trong 1 -2 năm đầu là rất cao.

Qua khảo sát, trên 90% thanh niên tại Đà Nẵng được hỏi có mong muốn khởi nghiệp, nhưng hiểu đúng và đầy đủ và khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn khoảng cách lớn, kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp trong sinh viên và thanh niên vẫn còn nhiều hạn chế. Các dự án khởi nghiệp phần lớn nằm trên giấy chứ chưa đưa vào thực tế, một số công ty khởi nghiệp chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi biến mất. Nguyên nhân của tình trạng này là hoạt động đào tạo và huấn luyện khởi nghiệp vẫn chưa được chú trọng đúng mức; chương trình đào tạo thiếu sự đồng nhất giữa các trường, vẫn còn nặng lý thuyết, ít thực hành.

Tại hội thảo, đại diện chuyên gia tại các hiệp hội, doanh nghiệp và lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đã trao đổi nội dung và phương thức đào tạo hiệu quả cho sinh viên những kỹ năng hình thành các dự án khởi nghiệp; đồng thời nhân rộng mô hình học tập trực tuyến (online) các khóa marketing và bán hàng, quản lý tài chính, mô hình kinh doanh, kỹ năng vận hành doanh nghiệp, đàm phán, lãnh đạo… Các chương trình tập huấn cần tăng tính tương tác để chia sẻ ý tưởng, tìm kiếm cộng sự và nhân sự tiềm năng cho kế hoạch, dự án khởi nghiệp; đồng thời truyền thụ những thông tin thực tiễn từ các doanh nhân, chủ doanh nghiệp đi trước. Đặc biệt, cần mở rộng những đối tượng khởi nghiệp từ sinh viên, người lao động, chủ doanh nghiệp, nhân sự hoạt động tự do, đẩy mạnh tương tác về chuyên môn, kinh nghiệm và sáng tạo để các dự án khởi nghiệp đạt hiệu quả cao.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh, việc xây dựng và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp là một trong những định hướng mà thành phố tập trung ưu tiên phát triển. Qua đó thúc đẩy và tăng lực lượng doanh nhân tham gia vào khai thác nguồn lực địa phương, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.

Phó Chủ tịch cho rằng, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để chuẩn bị tốt hơn cho các kế hoạch, dự án khởi nghiệp của bản thân luôn là nhu cầu rất lớn của các học sinh, sinh viên, thanh niên trên địa bàn. Do đó, bên cạnh khuyến khích các trường học, cơ sở đào tạo lồng ghép nội dung đào tạo với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… cần phải tăng cường những hoạt động thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp xúc với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với việc tăng cường mối quan hệ kết nối, hợp tác giữa các trường, doanh nghiệp, vườn ươm và trung tâm đào tạo… trong huy động, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Phó Chủ tịch đề nghị trong thời gian tới, các sở ngành, đơn vị liên quan cần phối hợp từng bước đưa giáo dục khởi nghiệp đến các trường học, đặc biệt tại các trường THPT trên địa bàn; tại các trường phải thiết kế nội dung chương trình đào tạo sát với thực tế để các em học sinh, sinh viên có thể áp dụng những kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống.

CÔNG TÂM

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác