Khởi nghiệp từ trường Đại học
Đăng ngày 18-11-2019 23:11, Lượt xem: 706

Tại Khoa Sinh - Môi trường (trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng), có nhiều dự án khởi nghiệp do chính các sinh viên của khoa xây dựng. Áp dụng kiến thức từ chính ngành học của mình, các sinh viên đã tạo ra những sản phẩm có ích, tiềm năng thương mại hoá cao.

Tại Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng - SURF 2019 tổ chức vào đầu tháng 11 vừa qua, có một gian hàng thu hút sự quan tâm của nhiều vị lãnh đạo, quan khách,... Một phần bởi vì giữa những gian trưng bày sản phẩm công nghệ hiện đại, gian hàng này lại nổi bật lên vì toàn cây xanh. Song khi đến gần và nhìn kỹ hơn, đó lại là những chậu... nấm cảnh.

Nấm linh chi bonsai là một dự án nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp của nhóm sinh viên Trần Đình Chí, Nguyễn Thị Dy và Phan Thị Mỹ Phương (Khoa Sinh - Môi trường, trường Đại học Sư phạm -  Đại học Đà Nẵng). Cuối tháng 10, dự án này đã đoạt giải ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp Đà Nẵng” do Thành Đoàn Đà Nẵng và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố phối hợp tổ chức.

Sinh viên Trần Đình Chí giới thiệu cho chúng tôi một chậu nấm cảnh rất xinh xắn. Cây nấm linh chi được tạo hình giống một cây cổ thụ thu nhỏ mọc trên vách đá. Dưới gốc cây là một ngôi nhà bé xíu, trước cửa có 2 ông lão ngồi đánh cờ. Những vật phẩm trong chậu cây được sắp xếp hài hoà, tạo cảm giác yên bình, thích mắt.


Sinh viên Trần Đình Chí giới thiệu về sản phẩm nấm linh chi bonsai tại Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng - SURF 2019

Chí cho biết, dự án này xuất phát từ nhu cầu của nhiều người thích dùng cây cảnh để trang trí và làm quà tặng. Nhận thấy nấm linh chi có nhiều đặc điểm thích hợp để làm cảnh như có màu đỏ mang lại cảm giác ấm áp và may mắn, có nhiều đặc tính dược liệu quý, có khả năng sinh sống trong điều kiện khắc nghiệt, nhóm bạn đã triển khai đề tài nghiên cứu nấm linh chi bonsai.

Chí nói: “Khi điều chỉnh cường độ ánh sáng, chất dinh dưỡng cho nấm và kết hợp với các kỹ thuật tạo hình, có thể uốn cây nấm theo những hình dạng khác nhau. Từ đó, nhóm mình thiết kế thêm các vật trang trí, tạo ra những chậu cây bonsai độc đáo.”

Hiện nhóm sinh viên đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển để kịp giới thiệu sản phẩm ra thị trường vào mùa Tết năm nay.

Cũng tại Khoa Sinh - Môi trường, có một dự án khác đã được thương mại hoá và đem lại kết quả tích cực cho người dùng. Đó là dự án biến... phân chim cút thành phân hữu cơ vi sinh của nhóm sinh viên Phan Phước Thanh Thuận, Phùng Thị Hải Châu và Huỳnh Thị Dung.

Dự án này vừa nhận giải Nhì cuộc thi Techstar Startup Weekend 2019 được tổ chức tại Đà Nẵng vào cuối tháng 10 vừa qua. Trước đó, dự án từng đoạt Giải Nhất cuộc thi “Kết nối ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp cụm Duyên hải Nam Trung bộ 2018”.

Thanh Thuận, người phụ trách nhóm dự án cho biết, những năm gần đây, ở miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng có rất nhiều hộ dân nuôi chim cút làm kinh tế. Phân chim cút có nhiều vi sinh vật có hại, nếu thải trực tiếp ra môi trường sẽ tạo nguy cơ gây bệnh cho người, cây trồng và vật nuôi. Từ thực trạng đó, nhóm đã sản xuất chế phẩm sinh học BIO-MS để ủ phân chim cút thành phân hữu cơ vi sinh. Chế phẩm này còn có thể xử lý mùi hôi, phòng ngừa dịch bệnh tại các chuồng nuôi chim.

Thanh Thuận chia sẻ thêm, sản phẩm của nhóm đã được ứng dụng tại một số hộ nuôi chim cút ở thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) và thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Hiện nhóm sinh viên và TS. Đoàn Thị Vân – Giảng viên hướng dẫn đã thành lập nhóm khởi nghiệp Micway để tham gia chương trình ươm tạo của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng. Từ đó, tiếp tục phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường.


Hiện nhóm sinh viên đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm nấm linh chi bonsai để kịp giới thiệu ra thị trường Tết sắp đến

Tại trại thực nghiệm của Khoa Sinh - Môi trường, có một dự án khởi nghiệp của sinh viên đang được triển khai với nhiều tiềm năng lớn. Đó là dự án dùng nấm để bảo vệ cây lan cảnh của Hồ Thị Tú Nhi và Nguyễn Thị Mai Ly.

Tú Nhi cho biết, ngày càng có nhiều người thích chơi lan cảnh, song loại cây này lại dễ mắc bệnh nếu người chơi không biết cách chăm sóc phù hợp. Vì vậy, nhóm đã tìm cách phân lập chủng nấm Trichoderma asperellum và nghiên cứu thành công kỹ thuật cố định nấm trên đá.

Theo Tú Nhi, chủng nấm này có khả năng tiêu diệt các loại vi sinh vật gây hại trên cây lan và thích hợp với điều kiện khí hậu miền Trung. Bên cạnh đó, Trichoderma asperellum cũng sẽ cung cấp chủng vi sinh vật có lợi, góp phần thay thế các dạng thuốc bảo vệ thực vật hoá học.

Tú Nhi chia sẻ: “Đá nấm không chỉ giúp cây duy trì dinh dưỡng mà còn kháng lại các loại bệnh. Sau thời gian dùng, chỉ cần phun bổ sung chế phẩm lỏng để tái sử dụng. Sản phẩm đá nấm cung cấp ra thị trường dự kiến sẽ có giá khoảng 30.000 - 50.000 đồng/kg. Mức giá này có sức cạnh tranh lớn với các loại đất nén tiệt trùng đang bán trên thị trường.”

TS Nguyễn Minh Lý, Phó Trưởng Khoa Sinh - Môi trường cho biết, hiện các giáo viên và sinh viên của khoa đang “ấp ủ” nhiều dự án nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp khác như nước uống thảo dược, rượu nấm, thực phẩm làm từ tảo biển, mặt nạ làm đẹp từ chế phẩm sinh học…

TS Nguyễn Minh Lý cho biết thêm: “Các sinh viên có kiến thức và khả năng tạo ra các sản phẩm mới. Song để khởi nghiệp, còn cần nhiều kỹ năng khác, đặc biệt là kỹ năng kinh doanh. Tại Khoa Sinh - Môi trường, chúng tôi tổ chức Câu lạc bộ “Sinh viên khởi nghiệp”. Đây là nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các cựu sinh viên đã khởi nghiệp thành công. Chúng tôi cũng mời các chuyên gia, doanh nghiệp đến chia sẻ ở các hội thảo, chương trình tập huấn với mong muốn giúp các sinh viên có cái nhìn đầy đủ hơn, trang bị kỹ năng tốt hơn để có thể khởi nghiệp trong tương lai”.

PHONG LAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác