Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu phát triển thành phố bền vững
Đăng ngày 12-11-2020 10:02, Lượt xem: 1206

Trong khi nền kinh tế tuyến tính truyền thống tập trung sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, sau đó phế thải từ sản xuất và tiêu dùng bị thải ra môi trường tự nhiên... thì nền kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp đảm bảo tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, giúp thành phố phát triển bền vững hơn. Đó là nội dung chính trong sự kiện ra mắt "Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Đà Nẵng" nhằm hỗ trợ các dự án sáng tạo vì môi trường, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) tổ chức ngày 11-11.

Kinh tế tuần hoàn - Mô hình giúp tăng trưởng ít tác động đến môi trường

Kinh tế tuyến tính truyền thống thường bắt đầu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, đến sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng là thải loại. Cách vận hành như vậy khiến tài nguyên liên tục bị khai thác và khối lượng chất thải ra môi trường gia tăng. Ước tính từ nay đến năm 2050, tổng lượng chất thải rắn ở các đô thị trên toàn thế giới sẽ tăng thêm khoảng 70%. Trong đó, khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển có thể nhiều hơn tổng khối lượng cá trên các đại dương.

Năm 2016, lượng chất thải rắn đô thị của Việt Nam là 11,6 triệu tấn (trung bình 0.33kg/người/ngày), con số này được dự đoán sẽ tăng lên gấp đôi, ở mức khoảng 22 triệu tấn vào năm 2050. Đặc biệt, mặc dù chỉ đứng thứ 68 trên thế giới về diện tích, thứ 15 về dân số nhưng lượng rác thải nhựa ra biển của Việt Nam hiện xếp thứ 4 thế giới, với hơn 1,83 triệu tấn/năm.

Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp trao đổi giải pháp quản lý, kỹ thuật phù hợp trong việc thu gom, xử lý rác thải đô thị để bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 10 quốc gia đang chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và là một trong những quốc gia đang xả thải nhiều nhất chất thải nhựa ra môi trường. Chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam có thể mất đi hơn 5,07% GDP; ô nhiễm nước có thể gây ra thiệt hại cho Việt Nam 3,5% GDP. Tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ nhiều năng lượng, ô nhiễm, suy thoái đất, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho thấy, tại Đà Nẵng, mỗi ngày, có khoảng 1.100 tấn chất thải rắn được phát sinh và con số này được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng 4-5 năm. Khoảng 90% chất thải này được đổ vào bãi rác, gây gánh nặng lớn cho quy hoạch của thành phố, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân địa phương.

Theo bà Quách Thị Xuân, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng), đại diện Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA), trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn chính là công thức tăng trưởng bền vững.

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang thay đổi hướng phát triển để hướng đến giải pháp tối ưu hơn, hướng tới nền kinh tế xanh và sạch. Toàn bộ các hoạt động cung cấp dịch vụ sẽ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, quy trình vòng đời của sản phẩm. Đặc biệt, các nhà sản xuất chú trọng khâu tuần hoàn từ thiết kế đến sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và biến chất thải trở lại thành tài nguyên.

Kinh tế tuần hoàn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội

Phát biểu tại chương trình, bà Sitara Syed, Phó Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, sẽ không có nền kinh tế tuần hoàn nếu không có một cải tiến cơ bản trong hệ thống quản lý chất thải quốc gia. Hiện, cơ sở hạ tầng quản lý chất thải tại Việt Nam chưa theo kịp tốc độ tiêu thụ và phát sinh chất thải ngày càng tăng, các bãi chôn lấp đã bão hòa, trong khi việc phân loại rác thải vẫn còn thấp trong người dân và doanh nghiệp.

Từ năm 2019, Accelerator Lab Việt Nam, trực thuộc mạng lưới 90 Accelerator Lab toàn cầu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) mang tinh thần thử nghiệm sáng tạo xã hội. Tại Đà Nẵng, nhóm đã có một số hoạt động tiêu biểu về môi trường như: Thí nghiệm xây dựng mô hình phân loại rác thân thiện tại khu chung cư Cẩm Lệ; Nghiên cứu về hệ sinh thái thu gom rác phi chính thống và tác động của COVID với nhóm ve chai... Trong quá trình thực hiện, các chuyên gia nhận thấy vấn đề môi trường và rác thải có tính phức tạp cao với nhiều chủ thể liên quan, cùng với đó là các yếu tố cơ sở hạ tầng, văn hóa... và những thói quen lâu nay khó thay đổi của người dân.

Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Đà Nẵng ra đời vì một thành phố xanh và bền vững

Theo ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp Đà Nẵng (DNES), đã đến lúc con người cần phải thay đổi mô hình phát triển. Kinh tế tuần hoàn được xem là cách tốt nhất để vừa thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà vẫn giảm khai thác tài nguyên và giảm chất thải ra môi trường. 

Nhận thấy sự cần thiết của việc huy động cộng đồng và tìm ra các giải pháp đồng bộ trong các hoạt động vì môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam đã phối hợp với Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) phát triển những chương trình bài bản chặt chẽ mang tính bền vững, nhằm lan toả nhận thức và tạo tác động lớn hơn trong cộng đồng tại khu vực miền Trung. Từ đây, Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Đà Nẵng (DCEH) ra đời nhằm tập trung hỗ trợ các dự án sáng tạo vì môi trường, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và tiêu dùng xanh trong cộng đồng.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Tuấn Lương, đại diện UNDP AccLab Việt Nam cho biết, trong năm 2020, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã hứng chịu nhiều sự kiện thiên tai lẫn nhân tai quan trọng, đặc biệt gần đây nhất là trận lũ lịch sử tại khu vực Miền Trung. Điều này càng thôi thúc chúng tôi phải hành động. Thành phố Đà Nẵng là trung tâm kinh tế văn hoá của khu vực miền Trung và trong chương trình dự án lần này sẽ ở thành tâm điểm lan tỏa làn sóng bảo vệ môi trường trong khu vực. Mạng lưới kinh tế tuần hoàn (DCEH) ra đời sẽ kết nối các dự án, giải pháp sáng tạo vì môi trường nhằm ứng phó với các tình trạng hiện tại. Từ đó, phát triển mạng lưới mạnh mẽ nhờ các cá nhân nhiệt huyết cam kết chung tay vì sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng.

Bảo vệ và cải thiện tình trạng môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu... là những chủ đề được nhiều bạn trẻ quan tâm, chia sẻ và hành động

Cụ thể, mạng lưới sẽ khởi động bằng Chương trình Biệt Đội Xanh nhằm tuyển chọn những thành viên từ các tổ chức vì môi trường hoặc đang ấp ủ những ý tưởng, dự án tạo tác động xã hội có thể kết nối và chia sẻ trách nhiệm xã hội cùng nhau. Ngoài các buổi đào tạo nhằm tư vấn chuyên môn, trang bị năng lực lãnh đạo, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác khởi tạo các ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng, các thành viên sẽ tham gia tìm hiểu các kiến thức về kinh tế tuần hoàn, quản lý rác thải, tư duy hệ thống; trải nghiệm thực tế; đề xuất và phát triển ý tưởng.

Sau đó, các nhóm dự án sẽ có thời gian một tháng để kiểm tra đánh giá lại kế hoạch hoặc thử nghiệm ý tưởng mới, lấy phản hồi và học hỏi từ thực tế để hoàn thiện mô tả dự án. Các bạn tự quyết định kế hoạch và cách thức thử nghiệm với sự hướng dẫn của UNDP Accelerator Lab. Kết thúc giai đoạn này, các nhóm dự án sẽ gửi hồ sơ đề xuất đến Ban cố vấn và chỉ các dự án được đánh giá khả thi sẽ đi tiếp. Những dự án được tuyển chọn sẽ có thời gian thực hiện dự án đến giữa năm 2021 để lan tỏa tác động tới cộng đồng. Ngoài nhận được nguồn tài trợ, các bạn cũng sẽ nhận được sự cố vấn,  hỗ trợ mạng lưới và các hoạt động đào tạo khác.

“Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng tập trung vào con người, xây dựng nguồn lực cho sự phát triển bền vững và thực hành kinh tế tuần hoàn tại khu vực miền Trung, cũng như giúp phát triển hệ thống quản lý chất thải rắn hiện tại và tuyên truyền cho tiêu dùng xanh. Từ đó, chúng ta sẽ thấy được những lợi ích tốt đẹp cho môi trường và cộng đồng của hệ thống này mang lại trong tương lai." - Bà Sitara Syed, Phó Đại diện thường trú UNDP Việt Nam khẳng định.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác