Nghị quyết 43/NQ-TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tầm quốc gia. Qua 5 năm triển khai thực hiện, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Đà Nẵng đang ngày càng hình thành và phát triển, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án ươm tạo công nghệ cao
Với định hướng phát triển như trên, trong 5 qua, thành phố đã ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan toả, kết nối chặt chẽ, hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước.
Trong đó, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp công nghệ cao được thành phố triển khai gồm: xây dựng cơ chế chính sách quảng bá, thu hút đầu tư; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh và phát huy động lực tăng trưởng công nghiệp công nghệ cao đối với nền kinh tế.
Đồng thời, thành phố đã xây dựng các giải pháp, cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trong lĩnh vực công nghệ cao với mức lương và đãi ngộ tương xứng; vận hành hiệu quả Nhà xưởng Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
Đà Nẵng luôn ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo
Theo ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, hằng năm, Ban Quản lý thường xuyên phổ biến thông tin về những ưu đãi đặc thù đối với dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao đến các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và các chuyến đi công tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện cơ sở dữ liệu, tích hợp công nghệ hiện đại trong các sản phẩm, hình ảnh giới thiệu. Kết quả, 9 tháng năm 2023, Ban quản lý cấp mới 15 dự án; trong đó 3 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 1,43 triệu USD, 12 dự án vốn đầu tư trong nước là 1.216,7 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin và các khu công nghiệp có 523 dự án đầu tư, trong đó có 400 dự án trong nước với vốn đầu tư 32.014 tỷ đồng và 123 dự án FDI vốn đầu tư hơn 1,9 tỷ USD.
Ông Tỵ cho biết thêm, nhằm hỗ trợ thúc đẩy hoạt động ươm tạo cũng như tạo thuận lợi trong công tác quản lý Nhà nước về ươm tạo, Ban Quản lý đã ban hành quy chế ươm tạo và hoàn thiện đề án cho thuê và bố trí không gian ươm tạo cho các dự án ươm tạo tại Khu Công nghệ cao.
“Trung tâm dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao đã và đang vận hành Nhà xưởng Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, qua đó, tổ chức kết nối với các quỹ và nhà đầu tư, nghiên cứu sản xuất sản phẩm, triển khai mô hình thí nghiệm cho các dự án tham gia chương trình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao”, ông Tỵ thông tin.
Đến nay, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin và các khu công nghiệp thành phố có 523 dự án đầu tư
Tính đến nay, Trung tâm dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao đã hỗ trợ ươm tạo cho 7 dự án. Trong đó, 5 dự án đã tốt nghiệp giai đoạn ươm tạo gồm: Dự án Trợ lý ảo giao thông Caris; Dự án Tảo Việt AlgaeVi; Dự án Vi sinh Xứ tiên; Dự án Shipway, vận tải thông minh; Dự án Xử lý tái chế Pin năng lượng mặt trời phế thải và 2 dự án đang ươm tạo tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng gồm Dự án Nympha- Hoa Súng xanh; Dự án Sản xuất các chế phẩm từ Sâm Ngọc Linh.
Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp cho biết, trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế ở lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao, đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
Trong đó, sẽ tăng cường xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thành phố, khu vực miền Trung và cả nước; nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung...
Ngoài ra, Ban Quản lý sẽ tham gia các chương trình sự kiện khởi nghiệp Surf tại thành phố Đà Nẵng và Techfest quốc gia tạo nhằm quảng bá hoạt động ươm tạo tại Khu Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và quảng bá, kết nối các dự án ươm tạo với các nhà đầu tư, khách tham quan tại sự kiện.
Thành phố đổi mới sáng tạo chuyên nghiệp, thân thiện, đặc trưng
5 năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của thành phố đã hình thành và từng bước phát triển với nhiều thành tố. Đà Nẵng đã tạo dựng được một văn hóa khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối với các bạn trẻ.
Nhận thấy được tầm quan trọng và vai trò của đổi mới sáng tạo gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành 21 văn bản, cơ chế, chính sách, kế hoạch liên quan đến việc phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn thành phố nhằm tạo căn cứ pháp lý, cơ sở để thúc đẩy các hoạt động KNĐMST.
Đà Nẵng cũng tự đặt ra cho mình những mục tiêu nhất định. Đó là hình thành thành phố đổi mới sáng tạo chuyên nghiệp, thân thiện, đặc trưng, tương thích theo xu hướng phát triển của các thành phố lớn trong nước và cả quốc tế. Ngày càng tạo ra những ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ.
Ký kết hợp tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về triển khai và xây dựng Đề án Đà Nẵng thành phố Đổi mới sáng tạo, tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO
Để đạt được mục tiêu đó, nhiều năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã hỗ trợ xây dựng nội dung, chương trình đào tạo và đưa chương trình khởi nghiệp vào giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, phổ thông trên địa bàn; chú trọng công đào tạo, nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo; lồng ghép việc thu hút các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và quốc tế đến ươm tạo và khởi nghiệp tại Đà Nẵng vào các chương trình xúc tiến đầu tư của thành phố;…
Cụ thể, năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã hỗ trợ 2 chương trình ươm tạo và tăng tốc cho 2 Vườn ươm doanh nghiệp, phát triển 13 dự án KNĐMST; Năm 2022, đang thực hiện hỗ trợ 3 chương trình ươm tạo và tăng tốc cho 2 Vườn ươm và 1 cơ sở giáo dục (thuộc Đại học Đà Nẵng), phát triển 16 dự án KNĐMST.
Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tiếp tục hỗ trợ các vườn ươm và cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tổ chức các chương trình ươm tạo, tăng tốc cho các dự án, doanh nghiệp KNĐMST.
Đến nay, trên địa bàn đã hình thành 1 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố; 2 trung tâm khởi nghiệp thuộc các trường đại học; 9 vườn ươm; 4 không gian sáng tạo; 9 không gian làm việc chung; 4 quỹ đầu tư khởi nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường Đại học, Cao đẳng cùng cộng đồng doanh nghiệp KNĐMST.
Sở Khoa học và Công nghệ và Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc (VINK) ra mắt không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - Seoul
Đặc biệt, sự kiện ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng - SURF được tổ chức hằng năm là một điểm nhấn quan trọng trong hệ sinh thái KNĐMST. Mới đây nhất, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng - SURF 2023 với chủ đề “Khát vọng Sông Hàn - Khơi nguồn sáng tạo” và thông điệp “Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo” đã được tổ chức thành công tốt đẹp.
Sự kiện đã thu hút 28 dự án tham dự tranh tài cuộc thi khởi nghiệp, 81 gian hàng triển lãm trực tiếp và gần 200 gian hàng triển lãm ảo, 45 đơn vị đồng hành, hơn 3.000 lượt khách trong nước và quốc tế tham dự.
Ngoài ra, việc lồng ghép thu hút các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và quốc tế đến ươm tạo và khởi nghiệp tại Đà Nẵng vào các chương trình xúc tiến đầu tư của thành phố được thực hiện thường xuyên thông qua nhiều hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, thiết thực.
Tính đến nay, thành phố đã tổ chức thành công 14 tọa đàm/hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước (9 hội thảo trong nước và 5 hội thảo tại nước ngoài); tiếp đón hơn 50 đoàn hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại thành phố, trong đó có lồng ghép giới thiệu về hệ sinh thái KNĐMST.
Không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại trường Đại học Đông Á
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền thành phố, sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành, đồng hành và hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, xã hội, nhiều năm liền, Đà Nẵng đã đạt nhiều giải thưởng, danh hiệu trên lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Lê Đức Viên, trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm KNĐMST quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 981/QĐ-UBND ngày 13-4-2022 về việc phê duyệt đề án Quản lý, vận hành Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1), trong đó có Khu không gian đổi mới sáng tạo được bố trí là 21.892m2.
Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình hợp tác, thỏa thuận hợp tác đã ký kết nhằm phát huy tiềm lực Khoa học và Công nghệ; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST ở thành phố; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn thành phố và triển khai có hiệu quả;…
THỦY THANH