Đối diện với tin giả trên không gian mạng
Đăng ngày 05-12-2022 14:14, Lượt xem: 96

Nhiều thủ đoạn được các đối tượng sử dụng trong đăng tải tin giả, nguy hiểm nhất là việc sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng và làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới. Nhiều thông tin bị xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề “giật gân”, “câu khách” về vấn đề dư luận đang quan tâm, nhất là vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực.

Tin giả (fake news) được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thông xã hội.

Thực tế, những thông tin sai lệch thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật, được cung cấp bởi các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống. Đây là một thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của cơ quan chức năng, Mạng xã hội (Facebook, Google, Zalo…) trở thành nền tảng lan truyền tin giả phổ biến nhất. Tin giả xuất hiện trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Nhiều thủ đoạn được các đối tượng sử dụng trong đăng tải tin giả, nguy hiểm nhất là việc sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng và làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới. Nhiều thông tin bị xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề “giật gân”, “câu khách” về vấn đề dư luận đang quan tâm, nhất là vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực.

Thông thường, tin giả được tạo ra có mục đích vụ lợi, thu hút lượt xem, lượt thích của cộng đồng mạng, tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều tin giả được tạo ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Nhiều tin giả mang nội dung riêng tư, bịa đặt, xuyên tạc hoặc thật giả lẫn lộn lên mạng nhằm khủng bố tinh thần và tạo dư luận xã hội trên cộng đồng mạng phục vụ các ý đồ đen tối, gây phương hại đến ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Thế giới đối phó với tin giả như thế nào?

Vấn nạn tin giả đã trở thành mối quan tâm chung của nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ có Việt Nam. Nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách để ngăn chặn sự lan truyền của tin giả. Ủy ban Châu Âu (EC), Canada đã yêu cầu các công ty Facebook, Twitter… áp dụng các biện pháp ngăn chặn những thông tin lừa đảo, gian lận xuất hiện trên các trang mạng này.

Đức thành lập Trung tâm phòng chống tin tức sai lệch, phạt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tới 50 triệu EUR nếu không gỡ bỏ thông tin sai sự thật trong vòng 24 giờ sau khi có yêu cầu của chính quyền. Trung Quốc là quốc gia quản lý Internet nghiêm ngặt, ban hành hơn 60 văn bản về quản lý Internet, trong đó có Chỉ thị số 292 quy định về giới hạn đối với các nhà cung cấp nội dung trên Internet, Chính sách quản lý mạng trực tuyến quy định các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải chủ động, lập tức ghi nhận, ngăn chặn việc truyền tải thông tin vi phạm pháp luật. Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nga, Australia ban hành chính sách, luật, dự luật về việc ngăn chặn, phòng, chống, kiểm soát tin giả lan truyền trên các trang mạng xã hội.

Các hãng Facebook, Google và một số cơ quan thông tin khác thực hiện việc “kiểm chứng chéo” thông tin nhằm ngăn chặn những thông tin sai lệch trên Internet tại Pháp. Facebook đưa ra chính sách cấm sử dụng dữ liệu thu thập được từ người dùng Facebook cho mục đích giám sát, bao gồm cả việc giám sát các nhà hoạt động và những người biểu tình; tuyển dụng thêm 3.000 nhân viên để kiểm duyệt, ngăn chặn các video bạo lực và thông tin sai lệch. Năm 2019, Facebook thông báo đã xóa khoảng 5,4 tỉ tài khoản giả mạo, tăng mạnh so với 3,3 tỉ tài khoản giả mạo bị xóa trong năm 2018.

Công tác đấu tranh, phát hiện, phòng chống tin giả tại Việt Nam


Trung tâm xử lý tin giả được Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập (www.tingia.gov.vn) cho phép người dân kiểm chứng, nhận diện tin giả và phản ánh trực tuyến tin giả.

Công tác phối hợp xử lý tin giả, thông tin xấu, độc trong thời gian qua được các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt.

Về biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng của Bộ Công an đã theo dõi, giám sát trên 3.000 trang mạng có nội dung xấu, độc; chủ động nắm tình hình, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình trên không gian mạng, xác minh, truy tìm, đấu tranh với đối tượng tán phát tin giả, tin sai sự thật. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và kỹ thuật chuyên biệt, tổ chức tấn công, vô hiệu hóa các trung tâm phát tán tin giả lớn, có mức độ bảo vệ an ninh mạng cao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đảm bảo an ninh mạng, phối hợp các nhà cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông trong nước thực hiện ngăn chặn hàng nghìn trang mạng có nội dung xấu độc, máy chủ đặt tại nước ngoài; yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ hơn 10 ngàn bài viết, video, đường dẫn có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam.

Tổ chức chiến dịch truyền thông quy mô lớn thông qua triển khai các hệ thống kỹ thuật để chủ động đăng tải thông tin lên không gian mạng, đồng thời phối hợp các cơ quan báo chí kịp thời cung cấp thông tin chính thống, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, răn đe đối tượng vi phạm pháp luật, nâng cao cảnh giác, sức “đề kháng” của người dân khi tham gia môi trường mạng. Trực tiếp phối hợp với hơn 20 cơ quan báo chí, truyền hình, xây dựng gần 310 phóng sự, tin, bài với nội dung phong phú, đa dạng, đăng trên nhiều loại hình truyền thông như: phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử, chuyên trang fanpage chính thức của các cơ quan báo chí. Triển khai đấu tranh các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ, qua đó, bắt khởi tố, xử lý hình sự nhiều đối tượng.

Trung tâm xử lý tin giả được Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập (www.tingia.gov.vn) cho phép người dân kiểm chứng, nhận diện tin giả và phản ánh trực tuyến tin giả.

CỔNG TTĐT

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT