Quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng, phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật
Đăng ngày 05-12-2022 14:13, Lượt xem: 2466

Quyền tự do ngôn luận của công dân trên không gian mạng là quyền của cá nhân trong việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến của mình thông qua việc sử dụng các ứng dụng như thư điện tử, Facebook, Zalo, YouTube…Nhưng phải được đặt trong khuôn khố, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Theo Luật An ninh mạng năm 2018 và các luật, văn bản có liên quan thì công dân sử dụng, bày tỏ quyền tự do ngôn luận trên mạng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thông tin cá nhân khác thông tin báo chí

Chỉ cần sở hữu phương tiện (điện thoại thông minh, máy tính) có kết nối Internet, cá nhân có quyền tự do gửi thông tin, ý kiến của mình đến người khác mọi nơi, mọi lúc. Chính sự tiện lợi, tiện ích này, cá nhân thoải mái chuyện trò, truyền tải… tất cả các vấn đề, ý tưởng sáng tạo, suy nghĩ của mình lên mạng xã hội (MXH).

Quyền tự do ngôn luận của cá nhân trên không gian mạng theo Luật An ninh mạng năm 2018 rộng hơn quyền tự do ngôn luận của cá nhân trên báo chí (theo Luật Báo chí năm 2016). Bởi, phát ngôn quan điểm cá nhân trên phương tiện báo chí (báo in, báo hình, báo điện tử - loại hình này phải được cấp phép, đăng ký hoạt động theo một quy định rất chặt chẽ) luôn được các cơ quan này kiểm định, kiểm chứng tính hợp pháp, hợp hiến, sự thực khách quan, bởi một bộ phận khá chuyên nghiệp, có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cao, sau đó mới cho phép đăng phát và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cho đăng phát.

Trong khi đó, để sở hữu một hay nhiều tài khoản cá nhân trên không gian mạng thì thủ tục đăng ký rất đơn giản. Cá nhân có thể đăng tải, chia sẻ thông tin ngay cả khi chưa có kiểm chứng. Cho nên, tính chính xác của thông tin cá nhân trên không gian mạng không cao.

Không được làm nhục, vu khống người khác

Việc cá nhân sử dụng thông tin trên không gian mạng có hành vi làm nhục, vu khống người khác bị pháp luật nghiêm cấm. Người nào có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, tại Khoản 3, Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định rất rõ khái niệm, thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Tự do ngôn luận không đồng nghĩa với việc thích bày tỏ quan điểm, chính kiến của cá nhân tùy tiện. Tự do ngôn luận phải được đặt trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Các giới hạn này được thể hiện ở các hành vi bị nghiêm cấm, chế tài hành chính, hình sự trong Luật An ninh mạng năm 2018, Luật An toàn thông tin mạng năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015…

Cụ thể, hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của người khác trên Facebook là vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (có hiệu lực từ ngày15-4-2020). Hành vi này bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng và bị buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Về trách nhiệm hình sự, hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị xử lý theo Điều 155 (tội làm nhục người khác), Điều 156 (tội vu khống) của Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu người đưa thông tin từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Việc sử dụng MXH xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác được Bộ luật Hình sự năm 2015 coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội làm nhục người khác và có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.              

CỔNG TTĐT

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT