Trẻ em được bảo vệ như thế nào trên không gian mạng
Đăng ngày 05-12-2022 14:15, Lượt xem: 2183

Hàng loạt giải pháp nhằm thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua.

Đầu tiên, Luật An ninh mạng được ban hành năm 2018, quy định một số nội dung về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Cụ thể:

1. Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.

2. Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em.

4. Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.

5. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.

Năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19.6.2020 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong năm 2021.

Đầu năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Hồ sơ lập đề nghị đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, theo đó các chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung có nội dung nhằm “ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của internet và các nội dung liên quan đến bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng”.

Để cụ thể hóa các hoạt động bảo vệ trẻ em, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 2264/QĐ-BTTTT ngày 22.12.2020 về việc Phê duyệt Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng trong năm 2021. Trong đó, xác định hoạt động truyền thông và việc truyền tải các kỹ năng số cơ bản tới các bạn trẻ sẽ là điều cốt lõi trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được ra đời vào năm 2021 (Quyết định số 716/QĐ-BTTTT ngày 26.5.2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông) với sự tham gia của 24 đơn vị gồm có đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các Hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước chuyên về lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Mạng lưới là tổ chức phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ.

Tiếp sau đó, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01.6.2021 phê duyệt “Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” (Chương trình). Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Chương trình có "mục tiêu kép” gồm: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Mục tiêu thứ hai, chương trình duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo. 

Ngày 18-6-2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó có quy định về việc vận động người thân trong gia đình bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ em vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh. 

Mặt khác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành rà soát, phát hiện và ngăn chặn nhiều trường hợp đăng tải các hình ảnh, video có nội dung xâm hại hoặc ảnh hướng tiêu cực đến trẻ em. Nhiều nội dung có dấu hiệu hình sự đã chuyển thông tin đến các cơ quan có thẩm quyền đề xử lý. Cụ thể: Xử lý trường hợp kênh TikTok đăng video dạy trẻ em "xin vía" học giỏi chứa nội dung phản cảm, mê tín dị đoan và không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam; Xử lý Kênh Timmy TV thường đăng tải những video, clip có nội dung và hình ảnh độc hại, mê tín, kinh dị và rùng rợn, Nhiều hình ảnh, câu chuyện máu me, bạo lực được lồng trong các video của Timmy TV để câu kéo lượt xem, gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em; Xử lý trường hợp kênh youtube Hoàng Sanh Official lan truyền thông tin cá nhân của các nạn nhân nhỏ tuổi bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng; Rà soát, xử lý hàng loạt hội nhóm công khai độc hại đối với trẻ em trên mạng xã hội Facebook (Team 2k9; Nhóm 2k10, 2k11, 2k12, Hội Phê Đồ,..)…

Ngoài ra, để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của trẻ em, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa nội dung kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về tỷ lệ chiếu phim dành cho trẻ em theo quy định tại Điều 17 Nghị định 54/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện ảnh đối với các đài truyền hình. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra về nội dung này tại một số đài phát thanh và truyền hình địa phương và đã kịp thời chấn chỉnh các đài thực hiện tăng cường thời lượng và phát sóng đủ tỷ lệ chiếu phim cho trẻ em đúng quy định.

CỔNG TTĐT

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT