“Bay” hàng trăm triệu đồng vì sập “bẫy lừa” trên không gian mạng
Đăng ngày 18-09-2024 14:14, Lượt xem: 89

Tại thành phố Đà Nẵng, thời gian qua xảy ra không ít vụ lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản của người dân. Đáng nói, mặc dù cơ quan chức năng đã ra sức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tuy nhiên, vẫn có không ít người rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” khi dính vào bẫy lừa của bọn tội phạm.

“Ma trận” bẫy lừa trên không gian mạng

Thực tế cho thấy, nạn lừa đảo xảy ra ở hầu hết các địa phương, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm hình sự, đa dạng về hình thức, phạm vi hoạt động xuyên quốc gia. Các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, sử dụng nhiều thủ đoạn phạm tội mới; hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp hơn; thậm chí có sự móc nối, học tập kinh nghiệm của các băng nhóm tội phạm trên thế giới.

Mới đây nhất, ngày 17/9, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Đà Nẵng phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và Công an huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bắt khẩn cấp đối với Cao Văn Hiếu (28 tuổi) và Mai Thanh Quốc (26 tuổi), cùng trú tại tỉnh Quảng Trị về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn hack facebook của những người Việt sinh sống ở nước ngoài, sau đó dùng các tài khoản này nhắn tin cho người thân của họ ở trong nước dụ dỗ góp tiền làm ăn…, từ đầu năm 2024 đến nay, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt của hơn 500 bị hại trên cả nước với tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng.

Kết quả điều tra bước đầu xác định: Từ đầu năm 2024 đến nay, nhóm đối tượng này đã hack 1000 tài khoản facebook và chiếm đoạt tài sản của hơn 500 bị hại trên cả nước với số tiền khoảng 10 tỷ đồng.

Đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự đã liên hệ được 03 bị hại ở các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang và Thừa Thiên Huế với tổng số tiền bị chiếm đoạt là 440 triệu đồng; 01 bị hại ở Đà Nẵng bị chiếm đoạt 600 triệu đồng. Hiện Phòng Cảnh sát hình sự đang tiếp tục tổ chức truy xét các đối tượng có liên quan, phong tỏa các tài khoản ngân hàng, làm rõ nguồn tiền đối tượng chiếm đoạt để phục vụ công tác điều tra.


02 đối tượng Cao Văn Hiếu (trái) và Mai Thanh Quốc tại thời điểm bị bắt giữ.

Trước đó, lúc 11 giờ ngày 16/8, Công an phường Tam Thuận, quận Thanh Khê tiếp nhận tin báo của chị N.T.T.H (45 tuổi), trú cùng phường về việc khoảng đầu tháng 7/2024, thông qua mạng xã hội  Facebook, chị H. quen một người có tên tài khoản là “Trương Đình Trí”. Sau một thời gian trò chuyện, tài khoản trên hướng dẫn chị H. tham gia đầu tư chứng khoán trên trang mạng.

Khi vào trang web trên, chị H. được đối tượng đề nghị tạo tài khoản và thực hiện theo hướng dẫn trên web để nạp tiền. Tin tưởng vào lời “hứa háo” đầu tư chứng khoán sẽ sinh lời nhiều, chị H. đã thực hiện 15 lần nộp với tổng số tiền hơn 672 triệu đồng vào tài khoản chứng khoán. Sau khi nhập lệnh rút số tiền trên nhưng đều thất bại, chị H. mới vỡ lẽ mình bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Trước đó, lúc 15 giờ ngày 15/8, chị D.T.M.T (36 tuổi), trú đường Trần Cao Vân cũng đến Công an phường Tam Thuận trình báo vụ việc mình bị lừa đảo khi đăng ký cho con tham gia giải chạy “Kids Run 2024” trên mạng xã hội.

Theo đó, lúc 08 giờ 21 phút cùng ngày, có một tài khoản Facebook là “Kids Run 2024” nhắn tin tư vấn cho chị T. đăng ký giải chạy cho con và yêu cầu chị T. nộp tiền vào số tài khoản 2601108347, Ngân hàng MB với tổng số tiền 92,7 triệu đồng. Cũng vì mất cảnh giác nên chị T. thực hiện theo yêu cầu mà không để ý. Sau khi trẫn tĩnh lại, chị T. kiểm tra thì phát hiện bị lừa nên đến trình báo cơ quan Công an.

Làm gì để tránh “sập bẫy”

Đây chỉ là 03 trong số hàng chục vụ việc người dân bị các đối tượng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Liên quan đến vấn đề này, Phòng An ninh mạng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố cho biết: Về trường hợp của chị H., thủ đoạn của các đối tượng tội phạm là tạo lập ra các sàn chứng khoán, đa cấp, tiền ảo…, sau đó sử dụng mạng xã hội quảng cáo, tuyển người tham gia đầu tư với những lời hứa hẹn hấp dẫn như cam kết có lãi, lợi nhuận cao, kiếm tiền dễ dàng… khiến cho không ít nạn nhân sập bẫy, mất số tiền lớn.


Nhóm 5 đối tượng và tang vật trong vụ lừa đảo trực tuyến trên mạng bị Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Đà Nẵng phát hiện, bắt giữ vào tháng 5/2024

Hầu hết nạn nhân khi tham gia đầu tư đều được tư vấn chi tiết cách thức mở tài khoản, đầu tư các khoản tiền nhỏ để thử và nhận lại khoản lãi suất tương ứng nhằm mục đích đánh vào lòng tham.

Sau khi thấy có thể kiếm được tiền từ các sàn này, nạn nhân được mời gọi đầu tư số tiền lớn hơn và lấy nhiều lý do (như hệ thống thanh toán lỗi, nhập sai nội dung giao dịch, sai tài khoản, cơ quan thuế nước ngoài điều tra…) để không rút được tiền ra mà phải đóng thêm nhiều khoản phí với cam kết sẽ được nhận lại toàn bộ cả tiền phí lẫn tiền lãi ban đầu; chỉ đến khi nạn nhân đã không còn tiền để nộp tiền vào tài khoản nữa thì các đối tượng sẽ khóa tài khoản, cho sập sàn giao dịch và cắt liên lạc.

Để tránh rơi vào tình cảnh tương tự như chị H., cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác khi tham gia đầu tư chứng khoán, đa cấp, tiền ảo.

Theo đó, tuyệt đối không vào các sàn giao dịch trực tuyến trên mạng mà không rõ thông tin hoặc thông tin có dấu hiệu bị giả mạo. Trước khi quyết định đầu tư, cần tìm hiểu kỹ thông tin về sàn giao dịch, đặc biệt là các sàn đầu tư đăng tải địa chỉ ảo, không có thật, hoặc giả mạo sàn đầu tư chính thống.


Một số tin nhắn với nội dung lừa đảo chuyển khoản, nhắn tin bình chọn, tham gia các cuộc thi…

Bên cạnh đó, cần nâng cao cảnh giác khi giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, làm theo hướng dẫn khi chưa xác định chính xác nhân thân, lai lịch của người đó. Ngoài ra, chỉ đầu tư vào các sàn giao dịch chính thống đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động. Trước khi đầu tư, nên đến trực tiếp văn phòng của các sàn giao dịch để được tư vấn, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin.

Còn trường hợp của chị D.T.M.T, theo cơ quan an Công an, lợi dụng các sự kiện lớn sắp diễn ra hoặc thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ của trẻ nhỏ, các đối tượng tạo lập các trang mạng xã hội đăng thông tin tuyển người mẫu, ca sĩ, cầu thủ nhí, vận động viên… hoặc tuyển đại diện cho các thương hiệu lớn để quảng bá sản phẩm. Sau khi người dân đăng ký tham gia, chúng sẽ thu thập thông tin cá nhân của họ và gia đình. Các đối tượng sau đó tiếp tục hướng dẫn người dân vào trang web của chương trình để làm nhiệm vụ tăng tương tác, tăng lượt bình chọn, sau đó yêu cầu chuyển tiền để hoàn thành nhiệm vụ…

Để tránh rơi vào trường hợp như chị T., cơ quan Công an đề nghị người dân cần tìm hiểu kỹ về các Công ty, Trung tâm trước khi đăng ký cho bản thân và người nhà tham gia các chương trình qua mạng xã hội. Chỉ chọn các Công ty, Trung tâm có uy tín, đã kiểm tra, xác thực chính xác thông tin (liên hệ hotline của các Công ty đăng tải trên trang web chính thông).

Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân và người thân cho các trang web, trang mạng xã hội khi chưa xác định chính xác mức độ uy tín để phòng tránh việc bị lừa đảo cũng như các mục đích xấu khác.

Đặc biệt, trước khi chuyển tiền phí tham dự chương trình, nếu có thể hãy đến trực tiếp văn phòng của Công ty/Trung tâm để làm việc; không thực hiện các giao dịch dịch chuyển tiền để làm nhiệm vụ online.

ĐĂNG NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác