Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm: Cầu nguyện đất nước hòa bình, nhân dân an lạc, hạnh phúc
Đăng ngày 10-03-2023 14:45, Lượt xem: 662

Sáng 10-3, tại chùa Quán Thế Âm diễn ra Lễ chính thức (Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm) của Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng năm 2023 với sự tham gia của hàng ngàn chư tôn đức tăng, ni, đồng bào và du khách thập phương. Đến dự buổi lễ có Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng; Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh; Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi; Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Ngô Thị Kim Yến.

Hàng năm, Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức tại Chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn) trong tiết trời mùa xuân ấm áp, cây cối nảy lộc, đơm hoa và trong niềm phấn khởi, tự hào của Nhân dân thành phố Đà Nẵng hướng tới kỷ niệm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3) cùng những kết quả kinh tế - xã hội thành phố đạt được.


Từ sáng sớm, hàng ngàn đồng bào và du khách thập phương tham dự Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm

Lễ hội Quán Thế Âm có xuất xứ từ một lễ vía thuần túy của đạo Phật nhằm tôn vinh lòng độ lượng, bao dung, từ bi, hỷ xả của Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát. Hình tượng Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát gắn với cộng đồng các dân tộc theo Phật trên thế giới như hiện thân của đức cứu nạn, cứu khổ.

Hơn thế nữa, hình tượng Phật Bà Quán Thế Âm còn được đại đa số nhân dân Châu Á, nhất là quốc gia Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan… tôn trọng, thờ phụng như hình ảnh một người Mẹ với tâm nguyện hiền từ, đức độ, che chở và cứu giúp cho chúng sinh. Ngẫu nhiên mà truyền thuyết về sự hình thành Ngũ Hành Sơn và Phật thoại về Đức Bồ Tát Quán Thế Âm đều có cùng một hình ảnh về một người mẹ hiền từ cùng tâm nguyện cứu nhân độ thế.


Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Ngô Thị Kim Yến phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Ngô Thị Kim Yến cho biết, sau 3 năm tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm nay, Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức trở lại và cũng là lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp thành phố.

Năm nay Lễ hội có phần đặc biệt hơn khi những giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử, truyền thống và tâm linh của Lễ hội Quán Thế Âm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2021 và thành phố vừa đón nhận Bằng công nhận Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.


Thả bong bóng cầu nguyện hòa bình

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Ngô Thị Kim Yến, tại Lễ hội Quán Thế Âm năm nay, Ban Tổ chức đã nỗ lực, không ngừng đổi mới để chương trình Lễ hội ngày càng phong phú, hấp dẫn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chiêm ngưỡng lễ bái của đồng bào theo đạo Phật và du khách gần xa.

Bên cạnh những hoạt động truyền thống là những nghi lễ mang đậm màu sắc Phật giáo, giúp mọi người lắng nghe tiếng yêu thương tự lòng mình, hòa nhập cùng hạnh nguyện qua 32 ứng thân cứu đời của Quán Thế Âm Bồ Tát, đem đến cho đời sống người dân sự an vui, từ ái, vượt qua mọi ưu tư, phiền não của tham, sân, si… ; những ứng thân và hạnh nguyện ấy đã tìm thấy trong dòng lịch sử dựng xây, giữ gìn đất nước ta.


Gắn biển tại Động Quán thế Âm – địa điểm tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng

“Những giá trị văn hóa lịch sử địa phương được chuyển tải đến với du khách thể hiện tinh thần dân tộc, thể hiện sự hòa hợp giữa đạo pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước; cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội, tạo nên một Lễ hội Quán Thế Âm vừa trang nghiêm, trầm mặc nhưng cũng tràn đầy sức sống, tươi vui. Bên cạnh đó, Lễ hội còn là nơi gặp gỡ, giao lưu các nền văn hóa trên thế giới, nơi thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt sâu sắc, truyền thống đoàn kết của Phật giáo Việt Nam và các nước có nền văn hóa Phật giáo tương đồng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Ngô Thị Kim Yến nói.


Lãnh đạo thành phố tham dự buổi lễ

Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Ngô Thị Kim Yến hy vọng, trên tinh thần phát huy truyền thống Văn hóa, Đạo pháp, Dân tộc và vui Xuân trẩy hội trên quê hương danh thắng Ngũ Hành Sơn cùng không khí trang trọng, văn minh, sự thân thiện và mến khách của người dân thành phố, các du khách thập phương sẽ nhớ mãi một Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng huyền thoại, sâu lắng, đầy nhân văn, nghĩa tình nhưng cũng thật trẻ trung, năng động.


Lễ hóa trang Bồ Tát Quán Thế Âm

Tại buổi lễ, các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển tại Động Quán Thế Âm – địa điểm tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Mở đầu phần lễ, ban tổ chức đã dâng hoa lên Phật bà Quán Thế Âm cùng các nghi thức truyền thống thể hiện thông điệp về tình thương yêu, hướng lòng thành về Đức Quán Thế Âm, cầu nguyện cho đất nước luôn được hòa bình ấm no, nhân dân an lạc, hạnh phúc.


Hóa trang Quan Âm thị hiện

Lễ hóa trang Bồ Tát Quán Thế Âm thực hiện song hành với nghi lễ rước tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm và cũng là phần lễ được mọi người mong chờ nhất. Sự hóa trang mong muốn tái hiện lại hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại lễ hội, để cho chúng sinh có dịp được chiêm ngưỡng sự đức độ, từ bi của Ngài, và ngụ ý rằng Ngài là vị Bồ Tát luôn đồng hành với chúng sanh mọi lúc mọi nơi, đặc biệt luôn đem hạnh nguyện từ bi, ban vui cứu khổ của mình tỏa khắp nhân loại. Ngoài việc hóa trang Quán Thế Âm Bồ Tát, tại lễ hội còn có những hóa trang thành các Tiểu đồng, các vị Bồ Tát khác và các Tiên nữ cùng Tứ Thiên Vương theo hầu, đều do gia đình Phật tử chùa Quán Thế Âm thực hiện.

THANH THẢO - THỦY THANH - MAI QUANG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác