Quy hoạch Đà Nẵng: Cần kiểm soát, bảo vệ chặt chẽ nguồn nước
Đăng ngày 18-12-2019 07:37, Lượt xem: 42

Phản biện tại Hội thảo phản biện Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Trần Trọng Hạnh (Hội QHPTĐTVN) đề nghị nhà tư vấn cần bám sát vào Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 147/QĐ-TTg và lưu ý Đà Nẵng là thành phố biển, không phải thành phố sông nước như phía nhà tư vấn đề xuất.

Theo đề án quy hoạch, phía nhà đầu tư đề ra các mục đích và 12 mục tiêu để thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Hạnh, những đề xuất đó cần được thảo luận để làm chính xác lại với các tiêu chí đô thị bền vững để phù hợp với xu thế thời đại.

Về tình hình tăng trưởng kinh tế, ông Hạnh cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24-1-209, giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng bình quân GRDP của Đà Nẵng phải đạt trên 12%/năm. Trong bối cảnh hiện nay, để đạt được mức tăng trưởng này, Đà Nẵng cần có những nỗ lực rất lớn. Dự báo quy mô kinh tế của thành phố đến năm 2030 sẽ là: GRDP đạt 13,95 – 16,48 tỷ USD, GDP/người sẽ đạt 9.555 – 11.444 USD, ước tính tăng từ 3-4 lần so với hiện nay.


Theo ông Trần Trọng Hạnh: Hội thảo cần đặc biệt lưu ý đến việc bảo vệ hệ thống sông chính của thành phố là sông Cu Đê và sông Hàn

Ông cho biết thêm, Bộ Chính trị rất kỳ vọng vào sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Do đó, vị trí, vai trò, sứ mệnh đặc biệt của thành phố đối với cả nước, nhằm đạt mục tiêu tổng quát xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành: “Thành phố lớn, sinh thái, thông minh và trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống, đẳng cấp khu vực châu Á” đòi hỏi phương án tăng trưởng kinh tế phải có những đột phá chiến lược và đổi mới mô hình kinh tế để Đà Nẵng có thể đảm bảo tăng trưởng nhanh, bền vững. Căn cứ điều này vào bản dự thảo của nhà tư vấn, ông Hạnh cho biết bản dự thảo chưa chứng minh được điều này.

Trong định hướng phát triển không gian và nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị, ông Hạnh nhìn nhận, khung nhu cầu sử dụng đất do phía nhà tư vấn đề xuất không phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và quy hoạch đô thị. Theo ông Hạnh, phía nhà tư vấn cần nghiên cứu và đưa ra lại nhu cầu sử dụng các loại đất đô thị chính xác thì mới có thể lập bản đồ định hướng phát triển không gian. Ông Hạnh thống nhất với ý kiến thường vụ Thành ủy “phát triển khai thác tối đa sân bay” trong giai đoạn lập quy hoạch đến năm 2030.


Ông Trần Trọng Hạnh (đứng) đề nghị nhà tư vấn cần bám sát vào Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 147/QĐ-TTg

Về hạ tầng kĩ thuật, theo ông Hạnh, xây dựng một thành phố sinh thái hoặc thành phố xanh, thành phố môi trường phải dựa trên đô thị tuần hoàn “Cicrular Metabolism” và nguyên tắ 3R. Ông thống nhất cao với chủ trương của Thành ủy là phải quy hoạch xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn hiện đại như một số đô thị xanh trên thế giới đã làm.

Ông Hạnh cũng gợi ý hội thảo cần đặc biệt lưu ý đến việc bảo vệ hệ thống sông chính của thành phố là sông Cu Đê và sông Hàn. Theo ông, phương án chọn đất của nhà tư vấn là bố trí 02 khu công nghiệp và dịch vụ kỹ thuật cao có thể ảnh hưởng rất lớn đến bảo vệ môi trường và nguồn nước của lưu vực 02 con sông. Ông Hạnh nêu ra bài học về quy hoạch thành phố Việt Trì và thành phố Thái Nguyên để nhắc nhở hội thảo cần phải kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ nguồn nước và các lưu vực sông cũng như môi trường sống của người dân.

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT