Đà Nẵng với công tác phòng chống thiên tai
Đăng ngày 24-12-2019 04:31, Lượt xem: 999

Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội. Thiên tai gồm các loại như bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần...Những năm gần đây, Đà Nẵng ít chịu ảnh hưởng của bão lớn, song tình trạng ngập úng là vấn đề luôn phải đối mặt. 

Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội. Thiên tai gồm các loại như bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần...

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, Việt Nam đang là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai. Các hiện tượng thời tiết dị thường cộng hưởng với tác động cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng nguy hiểm và khó lường, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sản xuất của người dân.

Thống kê cho thấy khoảng hai thập kỷ qua, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của trên 13.000 người, và gây thiệt hại vật chất trên 6,4 tỉ USD tại Việt Nam. Khu vực miền Trung là khu vực bị ảnh hưởng nhất bởi thiên tai (khoảng 65% số cơn bão vào Việt Nam diễn ra ở đây). Trong khi đó đây lại là nơi có tỉ lệ nghèo cao hơn mức trung bình cả nước.


Bão số 12 năm 2017 đổ bộ trực tiếp vào khu vực Nam Trung Bộ. Gió mạnh khi bão đổ bộ đã gây thiệt hại lớn tại các tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định. (Ảnh: Sưu tầm)

Hiện, Việt Nam đã và đang có nhiều mô hình về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai được triển khai ở nhiều địa phương và được đánh giá có hiệu quả như: Ứng dụng công nghệ trong quản lý đê điều với các “tuyến đê kiểu mẫu”; công nghệ bãi nuôi, chống xói lở, tôn tạo bãi biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống thử nghiệm cảnh báo sớm lũ, lũ quét cho một số lưu vực sông với chức năng cảnh báo và nhằm di tản người dân dựa theo mức độ nguy hiểm, lượng mưa thực tế và dữ liệu về nước quan sát được từ máy đo. Cung cấp bản đồ lũ, bản đồ nguy hiểm và thông tin về dòng sông để đối phó với nguy cơ lũ quét ở khu vực miền núi...

Đến nay, Việt Nam có hơn 600 trạm khí tượng thủy văn (KTTV), hải văn, ra-đa thời tiết, định vị sét... và gần 800 trạm, điểm đo mưa. Mạng lưới trạm từng bước được hiện đại hóa, tự động hóa phục vụ đo đạc, thu thập kịp thời, chính xác số liệu KTTV, phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo khí hậu thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu. Qua đó, góp phần làm giảm các thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta hằng năm.


Mô hình nhà phao chống lũ. (Ảnh: Sưu tầm)

Tuy nhiên, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể như các bản tin về hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, ngập lụt đô thị còn chưa chi tiết, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai. Dự báo dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ và các thiên tai xảy ra nhanh, quy mô nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu độ tin cậy trong cảnh báo về thời gian, khu vực ảnh hưởng... Mạng lưới trạm KTTV trên Đài KTTV khu vực còn rất thưa, số liệu quan trắc chủ yếu bằng thủ công. Đối với các tỉnh vùng núi cao, nơi có địa hình biến đổi mạnh mẽ, mạng lưới điểm đo mưa chưa đủ dày để đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác dự báo. Việc cải tiến và đa dạng hóa các bản tin, chuẩn hóa mẫu bản tin đã được thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Những năm gần đây, Đà Nẵng ít chịu ảnh hưởng của bão lớn, song tình trạng ngập úng là vấn đề luôn phải đối mặt. Để khắc phục tình trạng này, không để xảy ra ô nhiễm môi trường và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo các bộ phận liên quan, phối hợp với các đơn vị môi trường, thoát nước đô thị tổ chức nạo vét, tháo dỡ vật cản trên hệ thống các luồng tiêu; rà soát đánh giá lại mức độ an toàn của các hệ thống hồ chứa và trạm bơm tiêu úng; từ đó có kế hoạch đầu tư, cải tạo sửa chữa kịp thời. Cùng với đó, trực ban 24/24 giờ để theo dõi, tổ chức thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn xảy ra trên địa bàn.


Phố Nguyễn Văn Linh trước cửa ngõ vào sân bay Đà Nẵng nước ngập sâu (Ảnh: Cao Thái).

Đà Nẵng cũng lên phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn năm 2018. Phương án năm 2018 được cập nhật bổ sung từ phương án năm 2017 với 06 kịch bản thiên tai: Bão và bão mạnh; Bão rất mạnh và siêu bão; Lũ; Vỡ hồ chứa; Sóng thần và Lũ quét.

Phương án Phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được xây dựng chủ động từ cơ sở xã, phường lên quận, huyện và thành phố trên cơ sở bám sát Phương châm “4 tại chỗ”. Đảm bảo đầy đủ 3 giai đoạn: trước, trong và sau thiên tai và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.


Diễn tập nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: QĐND

Phương án Phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng được xem là cơ sở, cẩm nang giúp chính quyền và nhân dân thành phố chủ động triển khai các hành động, biện pháp cần thiết, hợp lý trước, trong và sau thiên tai xảy ra để phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hiệu quả góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, cơ sở hạ tầng, sự hủy hoại môi trường - sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự, nhanh chóng khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống nhân dân sau thiên tai, đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố...

THỦY THANH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT