Đặc điểm lũ lụt ở Trung bộ
Đăng ngày 25-12-2019 14:13, Lượt xem: 11133

Giới thiệu chung về lũ, lụt

* Lũ là gì ?

Lũ là hiện tượng nước sông dâng cao trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó giảm dần (hình 1 và 2)
Lũ trong sông ở nước ta chủ yếu do mưa trên lưu vực, song cũng có thể là do vỡ đê, vỡ đập, hoặc các dạng tắc ứ tạm thời dòng chảy trong các lòng dẫn,... Những đặc trưng chính của lũ là lưu lượng hoặc mực nước cao nhất; tổng lượng lũ, thời gian duy trì sóng lũ trong sông, tốc độ và thời gian truyền sóng lũ về hạ lưu,...


Hình 1: Đường qúa trình lũ tại trạm Sơn Giang năm 1999            Hình 2: Nước lũ chảy trong sông (www.vnn.vn)

* Lụt là gì?

Lụt là hiện tượng ngập nước của một vùng lãnh thổ do lũ gây ra.
Lụt có thể do lũ lớn, nước lũ tràn qua bờ sông (đê) hoặc làm vỡ các công trình ngăn lũ vào các vùng trũng; có thể do nước biển dâng khi gió bão làm tràn ngập nước vùng ven biển (hình 3,4).


    Hình 3. Lụt do nước lũ tràn qua bờ sông                                           Hình 4. Lụt do vỡ đê

* Lũ quét là gì?

Lũ quét là một loại lũ lớn, xảy ra bất ngờ trên các sông suối miền núi, duy trì trong một thời gian ngắn (lên nhanh và xuống nhanh), dòng chảy xiết có hàm lượng chất rắn cao và có sức tàn phá lớn.
Lũ quét có tính chất và đặc điểm khác biệt là lũ diễn biến nhanh, mang tính bất thần và khốc liệt, mỗi trận xảy ra trên một diện hẹp.


Hình 5: Mưa lớn với cường độ cao trên 100mm/6h hoặc trên 200-300mm/12h  Hình 6: Mặt đệm lưu vực thường bị đốt nương làmrẫy, khai thác rừng,..  và các tác động gây huỷ hoại mặt đệm lưu vực.

1.2. Đặc điểm chung của lũ ở Trung Bộ

Hàng năm, mùa lũ diễn ra khác nhau ở các vùng. Tuỳ theo điều kiện địa lý tự nhiên và thời tiết hàng năm mà mùa lũ có thể đến sớm hoặc đến muộn hơn. Lũ xảy ra quá sớm hoặc quá muộn cũng như các trận lũ lớn đều có thể gây thiệt hại nghiêm trọng.

Mùa mưa, lũ. Mùa lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi- từ tháng 9 đến 12.

Dòng chảy phân phối không đều trong mùa lũ.

Trên các sông Trung Bộ thường vào tháng 10, 11. Rõ ràng dòng chảy mùa lũ, trên thực tế, chỉ tập trung trong thời gian ngắn. Đây là thời kỳ lũ, lụt lớn thường xảy ra nhất trong năm.

Cường suất lũ, biên độ lũ, đỉnh lũ trên các sông thường rất lớn, lũ ác liệt, tập trung nhanh về đồng bằng nhỏ hẹp hạ lưu. Cường suất lũ, biên độ lũ, đỉnh lũ, từ đó là diễn biến lũ, lụt, ở các vùng cũng rất khác nhau, tuỳ thuộc vào điều kiện trên mỗi lưu vực sông.

Ở miền Trung cường suất lũ trên các sông ở vùng núi có thể lên đến 2-5mét/giờ; ở đồng bằng hạ lưu các sông, có thể 0,5- 1mét/giờ. Biên độ lũ trên các sông miền núi có thể đạt 10-15 mét, có nơi đạt trên 20 mét. Biên độ lũ trên sông ở vùng đồng bằng thường từ 3- 8 mét. Trong điều kiện hiện nay ở các vùng khác, thì độ sâu ngập lụt đều rất lớn, thường từ 2- 4 mét, có nơi tới trên 4- 6 mét, như năm 1999 ở Thừa Thiên Huế.


 Hình 7: Quá trình trận lũ trạm Trà Khúc                                    Hình 8: Lụt do nước lũ tràn về

Hình thái ngập lụt ở đồng bằng miền Trung:

Ngập lụt do nước lũ từ thượng nguồn tràn về: Đồng bằng sông Thu Bồn, sông Trà Khúc- sông Vệ thường có lượng mưa nhỏ hơn so với thượng nguồn nên ảnh hưởng của mưa tại chỗ tới ngập lụt không lớn. Ngập lụt trên các đồng bằng này chủ yếu do lũ lớn tràn nước vào các vùng trũng ven sông.

Đồng bằng sông Hương có nhiều sông suối đổ xuống đồng bằng từ phía Tây Nam; đồng bằng sông Đà Rằng (Phú Yên), ...

Các nguyên nhân khác tác động lên tình hình ngập lụt:

+ Ngập lụt nghiêm trọng hơn do xả lũ hồ thủy điện.
+ Tác động của thủy triều: Trong thời gian lũ lụt, nếu gặp triều cường, thời gian ngập lụt sẽ kéo dài: Trận lũ ngày 11-13/11/1990 trên sông Thu Bồn đều gặp triều cường, cản trở thoát lũ, làm ngập sâu hơn và lâu hơn.
+ Nước dâng do bão: thường gây ngập lụt và thiệt hại cho nhân dân sống ở ven biển, đặc biệt ở Thừa Thiên - Huế. Nước dâng thường làm giảm khả năng thoát lũ, gia tăng diện ngập và kéo dài thời gian ngập lụt khi xảy ra lũ lớn trên sông.

CỔNG TTĐT THÀNH PHỐ (Tổng hợp)

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT