Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện theo trình tự: đánh giá tại cấp huyện (bao gồm quận, huyện trên địa bàn thành phố); đánh giá tại cấp tỉnh; đánh giá tại cấp Trung ương. Các chủ thể OCOP có thể đăng ký sản phẩm để được đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm thường xuyên, liên tục (theo kế hoạch và chu trình OCOP của địa phương). Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành.
1. Trình tự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
a) Công tác đánh giá tại cấp huyện (bao gồm quận, huyện trên địa bàn thành phố):
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng;
- Hội đồng cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển hồ sơ các sản phẩm có số điểm đạt từ 50 điểm đến 100 điểm (từ 3 đến 5 sao) lên Ủy ban nhân dân thành phố để đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP.
b) Công tác đánh giá tại cấp tỉnh:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng;
- Hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm do cấp huyện đề xuất;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt từ ba (03) đến bốn (04) sao, tổ chức công bố kết quả;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chuyển hồ sơ các sản phẩm đạt từ 90 điểm đến 100 điểm lên Trung ương (Qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
c) Công tác đánh giá tại cấp Trung ương:
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng;
- Hội đồng cấp trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm do cấp tỉnh đề xuất;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 05 sao (là sản phẩm OCOP cấp quốc gia), tổ chức công bố kết quả.
Trường hợp kết quả đánh giá của Hội đồng cấp trung ương không đạt 05 sao, Hội đồng cấp Trung ương gửi trả hồ sơ về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đánh giá lại và hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm theo thẩm quyền được phân cấp.
2. Thành phần Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP các cấp
a) Thành phần Hội đồng cấp tỉnh, bao gồm:
Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực nông lâm nghiệp; Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai phụ trách OCOP và thành viên Hội đồng là lãnh đạo các sở: Công thương, Khoa học và Công nghệ; Y tế, Văn Hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường; Tổ Thư ký do Hội đồng đánh giá cấp tỉnh thành lập. Hội đồng đánh giá có thể mời chuyên gia OCOP của Trung ương tham gia đánh giá.
b) Thành phần Hội đồng cấp huyện, bao gồm:
Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo UBND huyện phụ trách lĩnh vực nông lâm nghiệp; Phó chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo các Phòng Kinh tế/Nông nghiệp và PTNT; thành viên Hội đồng là lãnh đạo các phòng phục trách các lĩnh vực: Kinh tế hạ tầng, Văn Hóa - Thông tin, Tài nguyên và Môi trường, Y tế; Tổ thư ký do Hội đồng đánh giá cấp huyện thành lập; Đại diện các tổ chức liên quan, chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP.
3. Yêu cầu về hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP:
a) Hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện (Hồ sơ sản phẩm): do các chủ thể OCOP (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất…) chuẩn bị. Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra. b) Hồ sơ đề xuất đánh giá sản phẩm cấp tỉnh: Do Ủy ban nhân dân cấp huyện chuẩn bị. Bao gồm:
- Công văn gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP;
- Biên bản đánh giá của Hội đồng cấp huyện;
- Hồ sơ sản phẩm.
c) Hồ sơ đề xuất đánh giá sản phẩm cấp quốc gia: Do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chuẩn bị. Bao gồm:
- Công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP;
- Biên bản đánh giá của Hội đồng cấp tỉnh;
- Quyết định phê duyệt kết quả chấm điểm, Giấy chứng nhận đạt sao của sản phẩm;
- Hồ sơ sản phẩm;
- Các văn bản xác nhận kiểm tra, kiểm nghiệm bổ sung của cấp tỉnh (nếu có).
4. Phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP
Căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ Tiêu chí đánh giá, tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 05 hạng:
+ Hạng 1 sao: sản phẩm khởi điểm tham gia Chương trình OCOP, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao. Có tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm được đánh giá theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg;
+ Hạng 2 sao: sản phẩm đã hình thành ở địa phương nhưng cần tiếp tục hỗ trợ nâng cấp để đạt đầy đủ tiêu chuẩn, có thể nâng cấp lên hạng 3 sao. Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm được đánh giá theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg;
+ Hạng 3 sao: sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu và có thể nâng cấp lên hạng 4 sao. Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm được đánh giá theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg;
+ Hạng 4 sao: sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đã có thương hiệu, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm được đánh giá theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg;
+ Hạng 5 sao: sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm được đánh giá theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg.
5. Thời hạn hiệu lực phân hạng sản phẩm OCOP
Các chủ thể OCOP có thể đăng ký sản phẩm để được đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm thường xuyên, liên tục (theo kế hoạch và chu trình OCOP của địa phương).
Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành.
6. Sử dụng nhãn hiệu sản phẩm OCOP Việt Nam
Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam theo quy định tại Quyết định số 1162/QĐ-VPĐP-OCOP ngày 17-9-2020 của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam.