Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tại Công văn số 500/UBND-KGVX ngày 20/7/2022 về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong tình huống đột xuất, bất thường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nhằm đẩy mạnh công tác công tác quản lý nhà nước (QLNN) về báo chí trên địa bàn thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông ban hành hướng dẫn chi tiết về công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, kính đề nghị nội dung cụ thể sau:
1. Các cơ quan, địa phương, đơn vị
a) Thường xuyên theo dõi và đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị trực thuộc hoặc đơn vị hành chính cấp dưới theo dõi thông tin trên báo chí về các vấn đề thuộc lĩnh vực, địa phương mình quản lý; chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Tổ Công tác thông tin báo chí thành phố (Tổ Báo chí) để kịp thời phát hiện, kiểm soát thông tin.
b) Nghiên cứu kỹ quy định tại Luật Báo chí năm 2016, Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/217 của Chính phủ và các quy định tại Hướng dẫn chi tiết phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong tình huống đột xuất, bất thường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tại phụ lục đính kèm để cân nhắc việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đúng quy định, trong đó lưu ý một số nội dung:
- Trong Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định hạn chế về phạm vi hoạt động của phóng viên thuộc cơ quan báo chí. Theo đó, phóng viên khi đến làm việc tại các cơ quan, địa phương, đơn vị cần xuất trình Thẻ Nhà báo, trong trường hợp không có Thẻ Nhà báo, cần xuất trình Giấy giới thiệu theo quy định (Giấy giới thiệu cần ghi rõ: họ và tên phóng viên, làm việc với cơ quan, tổ chức nào, nội dung làm việc, thời gian cụ thể. Giấy giới thiệu phải đang trong thời gian còn hiệu lực). Trường hợp không xuất trình được Thẻ Nhà báo hoặc Giấy giới thiệu, các cơ quan, địa phương, đơn vị được phép từ chối làm việc và không cung cấp thông tin cho phóng viên báo chí.
- Cần cân nhắc, xem xét việc cung cấp thông tin khi nhận được yêu cầu từ các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên khác để vừa bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan báo chí; vừa đảm bảo thực hiện các quy định tại Luật Báo chí năm 2016 về việc cơ quan, đơn vị có thể xem xét và từ chối cung cấp thông tin đối với các vấn đề cơ quan báo chí đặt ra vượt quá chức năng, thẩm quyền của mình, các vấn đề cơ quan báo chí đặt ra không phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoặc xét thấy nội dung yêu cầu có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí được nhận diện tại Quyết định số 1418/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí:
+ Tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông tại địa chỉ: https://mic.gov.vn/solieubaocao/Pages/TinTuc/142418/Ton-chi-muc-dich-cacco-quan-bao-chi.html
+ Các trường hợp có quyền từ chối không phát ngôn và không cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại Luật Báo chí năm 2016:
“Theo Khoản 2 Điều 38 Luật Báo chí năm 2016 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây:
a) Thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
b) Thông tin về vụ án đang được Điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động Điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;
c) Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố;
d) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.”
- Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng, phát thông tin sai sự thật về lĩnh vực, đơn vị mình quản lý, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng, phát ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật, đồng thời gửi nội dung phản hồi hoặc khiếu nại thông tin báo chí về Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, xem xét giải quyết theo quy định.
- Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị lưu lại bằng chứng (Giấy giới thiệu, các loại thẻ không phải là Thẻ Nhà báo) kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông (Phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản. Số điện thoại: 02363. 849989) để được hỗ trợ, hướng dẫn biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm theo quy định. Hoặc qua đường dây nóng 0865.282828 và địa chỉ email: duongdaynongbaochi@mic.gov.vn của Cục Báo chí.
2. Các cơ quan báo, đài thành phố, Cổng thông tin điện tử thành phố, Trung tâm Thông tin Dịch vụ công Đà Nẵng, Trang thông tin điện tử của các cơ quan hành chính nhà nước
Đăng tải, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho cộng đồng về tình huống đột xuất, bất thường trên địa bàn thành phố xuyên suốt quá trình diễn ra tình huống khi có yêu cầu của Văn phòng UBND thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan hành chính nhà nước có liên quan.
3. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để thực hiện hướng dẫn này
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, địa phương, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Thông tin và Truyền thông (phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản) địa chỉ: Tầng 24, Trung tâm Hành chính thành phố, số 24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng hoặc qua địa chỉ thư điện tử: ttbcxb@danang.gov.vn (số điện thoại: 02363. 849989) để được hỗ trợ, hướng dẫn.
Trên đây là hướng dẫn chi tiết về công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Kính đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị quan tâm, thực hiện./.
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Nguyễn Thu Phương
*****
Phụ lục
HƯỚNG DẪN CHI TIẾT PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ TRONG TÌNH HUỐNG ĐỘT XUẤT, BẤT THƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm Công văn số 2684 / STTTT-TTBCXB ngày 31/10/2022 của Sở TTTT)
***
I. MỤC ĐÍCH
1. Nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc UBND thành phố Đà Nẵng trong công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đối với các tình huống đột xuất, bất thường, đảm bảo tuân thủ Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định 09).
2. Tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tác nghiệp, thông tin chính xác, kịp thời các vấn đề quan trọng của thành phố và quảng bá hình ảnh thành phố trên báo chí, đặc biệt là các tình huống đột xuất, bất thường.
II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Cơ quan hành chính nhà nước, bao gồm:
a) Các sở, ban, ngành và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố.
b) UBND các quận, huyện, phường, xã.
2. Tổ Công tác Thông tin báo chí thành phố (sau đây viết tắt là Tổ báo chí).
3. Các cơ quan báo, đài thành phố, Cổng thông tin điện tử thành phố, Trung tâm Thông tin Dịch vụ công thành phố, Trang thông tin điện tử của các cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Khoản 1 Mục này.
4. Đề nghị Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, các quận ủy, huyện ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy… có thể vận dụng linh hoạt Quy trình này khi nảy sinh tình huống đột xuất, bất thường thuộc lĩnh vực, cơ quan, đơn vị mình phụ trách theo đúng thẩm quyền.
III. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
Trong hướng dẫn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tình huống đột xuất, bất thường là sự xuất hiện đột ngột của một hoặc nhiều vấn đề liên quan đến thành phố, có nguy cơ gây ra khủng hoảng truyền thông.
2. Khủng hoảng truyền thông là tình trạng có một chuỗi thông tin ngoài tầm kiểm soát của các cá nhân, tập thể trên địa bàn thành phố xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Chuỗi thông tin này chưa được kiểm chứng, xác thực; chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền; gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của thành phố Đà Nẵng đối với công chúng.
3. Cơ quan chủ trì là cơ quan có trách nhiệm xử lý tình huống đột xuất, bất thường thuộc lĩnh vực, địa phương mình phụ trách, bao gồm Văn phòng UBND thành phố; các sở, ban, ngành và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố; UBND các quận, huyện, phường, xã theo đúng thẩm quyền.
4. Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là những người được quy định như sau:
a) Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, gồm:
- Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước;
- Người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (sau đây gọi chung là người phát ngôn);
- Người có trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính nhà nước được người đứng đầu ủy quyền thực hiện phát ngôn (sau đây gọi chung là người được ủy quyền phát ngôn) hoặc giao nhiệm vụ phối hợp cùng người phát ngôn thực hiện phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
b) Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cục, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức, cấp tỉnh thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương, gồm:
- Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước;
- Trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó là người được giao phụ trách cơ quan thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
c) Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, gồm:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã;
- Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
d) Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ e-mail của người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước.
đ) nếu không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì phải báo cáo để người đứng đầu cơ quan hành chính ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
e) Việc ủy quyền phát ngôn quy định tại các trường hợp sau đây được thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định:
- Người có trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính nhà nước được người đứng đầu ủy quyền thực hiện phát ngôn (sau đây gọi chung là người được ủy quyền phát ngôn) hoặc giao nhiệm vụ phối hợp cùng người phát ngôn thực hiện phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao;
- Trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó là người được giao phụ trách cơ quan thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
- Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Khi thực hiện ủy quyền thì họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ e-mail của người được ủy quyền phát ngôn, văn bản ủy quyền phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước hoặc niêm yết tại trụ sở (đối với Ủy ban nhân dân cấp xã chưa có trang thông tin điện tử) trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ký văn bản ủy quyền.
h) Người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn quy định tại các trường hợp sau đây không được ủy quyền tiếp cho người khác:
- Người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (sau đây gọi chung là người phát ngôn);
- Người có trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính nhà nước được người đứng đầu ủy quyền thực hiện phát ngôn (sau đây gọi chung là người được ủy quyền phát ngôn) hoặc giao nhiệm vụ phối hợp cùng người phát ngôn thực hiện phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
- Trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó là người được giao phụ trách cơ quan thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
- Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
i) Các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước không là người được giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.
IV. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Nguyên tắc thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để ứng phó với các tình huống đột xuất, bất thường phải được thực hiện công khai, minh bạch, đầy đủ, chính xác, kịp thời theo đúng quy định tại Nghị định 09 và các quy định tại Hướng dẫn này.
2. Thẩm quyền thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
a) Chủ tịch UBND thành phố hoặc người được ủy quyền phát ngôn của UBND thành phố thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ngay sau khi sự cố xảy ra và cập nhật thông tin về quá trình xử lý sự cố trên Cổng thông tin điện tử thành phố, trong các tình huống đột xuất, bất thường sau:
- Trường hợp xảy ra sự cố đặc biệt liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng tại địa phương.
- Trường hợp xảy ra sự cố liên quan đến thành phố và nhiều địa phương khác mà UBND thành phố được Chính phủ giao chủ trì xử lý.
- Trường hợp xảy ra sự cố liên quan đến từ 03 sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện trở lên.
b) Đối với sự cố liên quan đến 02 sở, ban, ngành và UBND cấp quận, huyện thì đơn vị nào được UBND thành phố giao chủ trì xử lý phải thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên trong quá trình xử lý sự cố.
c) Người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường sau đây:
- Khi xảy ra sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội hoặc khi dư luận xuất hiện nhiều ý kiến không thống nhất về một vấn đề thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn phải thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận.
Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 24 giờ, kể từ khi vụ việc xảy ra.
- Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đã được nêu trên báo chí hoặc về các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội hoặc khi dư luận xuất hiện nhiều ý kiến không thống nhất về một vấn đề thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính nhà nước.
- Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng, phát thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan mình quản lý, người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng, phát ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định pháp luật.
3. Các hình thức phát ngôn
Các hình thức phát ngôn để sử dụng trong Hướng dẫn này gồm:
a) Tổ chức họp báo.
b) Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước.
c) Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên.
d) Gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử.
đ) Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu.
e) Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí.