Khắc phục tình trạng ô nhiễm tại Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước
Đăng ngày 17-08-2023 10:48, Lượt xem: 145

Ngày 10-8, UBND quận Ngũ Hành Sơn có văn bản số 2158/UBND-VP phản hồi thông tin đăng tải trên VTV8 phản ánh về “Làng đá mỹ nghệ Non Nước ở thành phố Đà Nẵng ô nhiễm trầm trọng” vào ngày 16-7-2023.

Theo đó, trong thời gian qua, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã chỉ đạo Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước triển khai nhiều giải pháp góp phần làm giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường tại Làng nghề đá.

Đối với công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại Làng nghề, trong các công đoạn của quá trình điêu khắc đã phát sinh các loại bụi đá từ các khu sản xuất của các cơ sở (bụi chủ yếu sinh ra từ công đoạn cắt, mài và điêu khắc sản phẩm đá); từ hoạt động giao thông vận chuyển các loại đá nguyên liệu, vận chuyển sản phẩm ra vào trong khu vực.

Tất cả nguồn gây ô nhiễm trên đều phát sinh từ khu vực sản xuất tập trung lớn trong khu quy hoạch Làng nghề. Tại các khu khác như khu đất ở dân cư, khu công trình công cộng - dịch vụ, khu di tích, đất cây xanh hoàn toàn không sinh ra các nguồn gây ô nhiễm trên. Trong trường hợp cắt đá không dùng nước, lượng bụi phát sinh ra cao hơn gấp nhiều lần so với dùng nước. Tuy nhiên, tải lượng bụi này không phát sinh từ một nguồn mà từ nhiều vị trí sản xuất trong toàn bộ khu Làng nghề và nhìn chung chủ yếu ảnh hưởng đến môi trường sản xuất, trực tiếp với công nhân lao động.

Về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải từ quá trình sản xuất chủ yếu là các loại đá rẻo, vụn đá, bột đá từ các khâu cắt, khoan các tảng đá và đẽo, đục tạo dáng sản phẩm. Ngoài ra còn phát sinh thêm các loại bao bì đựng cấc loại phụ gia sử dụng trong quy trình sản xuất. Đá rẻo có thể tái sử dụng thì được các cơ sở xay bột đá thu gom hằng ngày. Vụn và bột đá còn lại, các cơ sở ký hợp đồng thu gom với Ban quản ly thu gom về bãi tập kết của Ban và được các đơn vị đủ năng lực vận chuyển ra khỏi Làng nghề. Việc thu gom vận chuyển bột đá, đá phế phẩm của các cơ sở sản xuất trong Làng nghề đã đi vào nề nếp ổn định, hơn 97% các hộ trong Làng nghề đã ký hợp đồng để thu gom hàng tháng với đơn vị chức năng.

Về tiếng ồn phát sinh tại các công đoạn đục, đẽo, mài và do tập trung nhiều thao tác các sản phẩm cùng một lúc nên tiếng ồn phát sinh tại các sở sản xuất thường rất cao. Thực tế hiện tại chưa có biện pháp cụ thể nào có thể giảm thiểu được tiếng ồn ngay trong khu vự đang sản xuất của các hộ. Các công nhân trực tiếp sản xuất đưuọc trang bị bao hộ lao động để tránh bệnh nghề nghệp.

Biện pháp giảm thiểu tiếng ồn khu vực sản xuất của Làng nghề với Khu dân cư xung quanh đang thực hiện là Làng nghề được xây dựng theo đúng quy hoạch, có khoảng cách ly đúng quy hoạch, có vệt cây xanh. Qua số liệu đo đạc, độ ồn xung quanh khu vực dự án đều thấp hơn QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

Về việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, Ban đã thành lập 3 tổ kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở lấn chiếm sử dụng lòng đường làm nơi sản xuất gây cản trở giao thông và để nước thải sản xuất chảy ra lòng đường, vỉa hè không đúng quy định; yêu cầu cá cơ sở ký cam kết không lấn chiếm lòng đường để sản xuất, đặt để đá và để nước thải sản xuất chảy trực tiếp ra lòng đường, vỉa hè gây ô nhiễm môi trường; thường xuyên kiểm tra nhắc nhở, nếu các cơ sở tại phạm thì lập biên bản xử lý vi phạm theo quy định; thường xuyên kiểm tra và yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất phải thường xuyên nạo vét bể 3 ngăn, khơi thông đường ống đầu nối nước thải từ bể ra hồ thu gom. Đồng thời, tiến hành nạo vét hồ thu gom, khơi thông đường ống nước thải chảy về trạm xử lý nước thải.

Hiện nay, tại tất cả các tuyến đường trong Làng nghề không còn tình trường lấn chiếm lòng đường để sản xuất, đặt để đá và để nước thải sản xuất chảy trực tiếp ra lòng đường, vỉa hè gây ô nhiễm môi trường.

Việc thu gom vận chuyển bột đá, đá phế phảm của các cơ sở sản xuất trong Làng nghề đã đi vào nề nếp ổn định, hơn 97% các hộ trong Làng nghề đã ký hợp đồng với Ban quản lý Làng nghề để thu gom; Ban quản lý Làng nghề đã hợp đồng với đơn vị thu gom tiến hành thu gom định kỳ tại các tuyến đường, sau đó tập kết ề bãi chứa tạm do Ban chỉ định và kinh phí do cơ sở tự chi trả và Ban đứng ra thu hộ cho đơn vị thu gom hằng tháng, với mức thu từ 300.000-500.000 đồng/1 cơ sở/tháng. Đối với bột đá, đá phế phẩm sau khi thu gom có một số doanh nghiệp xin thu gom.

Đối với những trường hợp sản xuất các sản phẩm có kích thước lớn (cao từ 3m trở lên), Ban quản lý Làng nghề đã bố trí những trường hợp này sản xuất tạm tại khu SX-8 để tránh tình trạng các cơ sở không có khu vực sản xuất tượng lớn, dẫn đến lấn chiếm bãi đá để sản xuất như trước đây.

Để hạn chế bụi phát tán ra khu dân cư, tại các cổng ra vào Làng nghề do các xe tải ra vào Làng nghề, Ban quản lý đã phân công người lao động phun nước, tưới liên tục trong các ngày nắng nóng và bước đầu đã đem lại hiệu quả giảm đáng kể lượng bụi đá.

Để giảm thiểu lượng bụi phát tán ra môi trường, các cơ sở sản xuất đã có biện pháp thay thế dùng nước trong các công đoạn, lắp đặt hệ thống phun sương xung quanh xưởng sản xuất để bụi không phát tán ra môi trường, chuyển dần công nghệ sản xuất sang chạy CNC để giảm phát thải bụi ra bên ngoài...

Dự án đã trồng được vệt cách ly cây xanh theo quy hoạch giữa Làng nghề và khu dân cư xung quanh và bên trong Làng nghề cũng đã thực hiện trồng cây xanh theo quy hoạch.

Với hệ thống thu gom nước thải sản xuất của các cơ sở sản xuất, Làng nghề đã xây dựng hoàn chỉnh, tách riêng tuyến ống thu gom nước thải sản xuất và tuyến thoát nước thải sinh hoạt.

Đối với nước thải sản xuất, đảm bảo môi trường của Làng nghề, UBND thành phố đã đầu tư xây dựng tuyến ống thu gom nước thải sản xuất cho cả Làng nghề và Trạm xử lý nước thải tập trung công suất 1500 m3/ngđ. Nước thải sau xử lý đạt cột B của QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp thải.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất có xuất hiện tình trạng một số hộ sản xuất trên vỉa hè gây ra tình trạng nước và bột đá trong quá trình sàn chảy tràn ra lòng, lề đường. Vấn đề này xuất phát từ hai yếu tố là khách quan và chủ quan:

Theo yếu tố khách quan, bất cập trong quy hoạch, chiều ngang mỗi lô đất sản xuất là 5m; khoảng cách 20m sẽ có 1 hồ ga thu gom nước thải từ các cơ sở; các ống thoát nước quá nhỏ dẫn đến việc các cơ sở sẽ kết nối bằng ống có đường kính nhỏ nhất là >=D100 vào hố ga gần nhất không thu gom được hết nước thải trong sản xuất. Sau khi đưa vào hoạt động từ năm 2011, đến nay sự phát triển của Làng nghề làm cho hạ tầng thu gom nước thải không đáp ứng do kích thước các sản phẩm làm ra to hơn, các máy móc hiện đại được các cơ sở đầu tư như máy CNC, máy cắt đá công suất lớn làm phát sinh lượng nước nhiều gấp nhiều lần so với quy hoạch trước đây.

Theo yếu tố chủ quan, vẫn còn một số cơ sở chưa chấp hành tốt công tác vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất; không có mặt bằng lớn để sản xuất nên buộc phải đưa ra vỉa hè để sản xuất các sản phẩm có kích thước lớn.

Biện pháp khắc phục để xử lý tình trạng nước thải sản xuất từ các cơ sở chảy trực tiếp ra vỉa hè, lòng đường gây ô nhiễm môi trường, Ban Quản lý Làng nghề đã hợp đồng với đơn vị tổ chức nạo vét các hố ga và tuyến ống của hệ thống thu gom nước thải sản xuất để nước thải sản xuất được thu gom về Trạm xử lý hạn chế nước thải chảy ra vỉa hè, lòng đường gây ô nhiễm môi trường.

Đến nay, tất các các hố ga và tuyến ống thu gom nước thải trên các tuyến đường trong làng nghề đã được nạo vét hết 100%. Ngoài ra, để giải quyết tạm thời lượng nước thải ra trong quá trình sản xuất từ các cơ sở chảy vào hệ thống thoát nước mưa của Làng nghề và chảy thẳng vào hệ thống thoát nước thành phố, Ban Quản lý đã bố trí 2 bơm công xuất lớn tại các hố gom của hệ thống thoát nước mưa (đường Quán Khái 9 và đường Trương Gia Mô) để bơm lượng nước thải ra trong quá trình sản xuất từ các cơ sở về trạm xử lý nước thải của Ban để xử lý trước khi thải ra môi trường (lượng nước bơm về trạm từ 2 máy bơm này khoảng 50-60m3/h, thời gian bơm từ 8:00-17:00 hàng ngày).

CỔNG TTĐT TP

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác