Phản hồi về biểu tượng SHB Đà Nẵng trên Báo Dân Việt
Đăng ngày 24-08-2023 20:42, Lượt xem: 97

Ngày 23-8, Sở Văn hóa và Thể thao có văn bản số 2760/SVHTT-QLTDTT trả lời phản ánh của Báo Dân Việt về biểu tượng SHB Đà Nẵng xuống hạng sau hơn 20 năm.

Trước đó, ngày 16-8-2023, trong Điểm báo có bài phản ánh của Báo Dân Việt có nội dung: Biểu tượng SHB Đà Nẵng xuống hạng sau hơn 20 năm, vì đâu nên nỗi?

Những gì diễn ra đằng sau sự sụp đổ của SHB Đà Nẵng sẽ khiến những người làm bóng đá nơi đây phải nhìn nhận lại để lấy động lực thay đổi và chờ đợi một ngày trở lại trong tương lai không xa.

Chỉ tính riêng mùa giải 2023, sự chuẩn bị cho mùa giải mới của SHB Đà Nẵng thực sự có vấn đề - nếu không muốn nói là tệ hại. Đội bóng bị cắt giảm đầu tư dẫn đến việc HLV Phan Thanh Hùng không có đủ nguồn lực để tăng cường lực lượng trong bối cảnh các đội đều “chạy đua vũ trang”. Nội binh không có cái tên nào đáng chú ý, ngoại binh kém chất lượng, dàn cầu thủ có sẵn cũng không duy trì được phong độ ổn định.

Trong suốt giai đoạn 1 của V.League năm nay, SHB Đà Nẵng luôn phải thi đấu trong tình trạng “chấp Tây” bởi những ngoại binh mà họ đem về không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Điều đó khiến gánh nặng lên dàn nội binh càng  thêm nặng nề.

Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố phản hồi thông tin có liên quan đến nội dung trên như sau:

Từ năm 2008, bóng đá Đà Nẵng có sự thay đổi bước ngoặt trong công tác xã hội hóa. Toàn bộ cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện, nhà ở VĐV tại Làng Thể thao Tuyên Sơn với hơn 41.531m2 và 35 ha tại phường Hoà Minh – quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cùng các phương tiện xe đưa đón…và các tuyến từ Đội tuyển đến Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Đà Nẵng được chuyển giao hoàn toàn cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) để phát triển theo mô hình bóng đá chuyên nghiệp tại Hợp đồng số 05/UBNDTPĐN-SHB ngày 13-11-2007 giữa UBND thành phố Đà Nẵng và SHB.

Như vậy đội tuyển cũng như các tuyến Bóng đá trẻ đã được xã hội hoá, hoàn toàn thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần Thể thao SHB Đà Nẵng và CLB Bóng đá SHB Đà Nẵng và cũng không thuộc nhiệm vụ chi ngân sách thành phố. Tất cả công tác liên quan đến chuyên môn của đội bóng đá SHB Đà Nẵng từ những thay đổi, điều chỉnh, thành phần ban huấn luyện, ký hợp đồng với các cầu thủ nội, ngoại binh, bổ sung một số vận động viên trẻ cho đến việc công tác quản lý, kỷ luật, tính toán chiến thuật, chiến lược cho mùa bóng mới đều do lãnh đạo Công ty Cổ phần Thể thao SHB Đà Nẵng và CLB Bóng đá SHB Đà Nẵng quyết định.

Tại mùa giải năm 2022, đội Bóng đá SHB Đà Nẵng thi đấu không thành công, khi chỉ xếp thứ 10/13 đội tham dự giải. Để động viên đội bóng tại mùa giải mới 2023, lãnh đạo thành phố cũng đã đến động viên và hy vọng đội bóng đá SHB Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, để đạt thành tích tốt nhất (chỉ tiêu của Công ty và CLB SHB tại mùa giải năm 2023 là lọt vào tốp 8 đội nhóm dẫn đầu) và cam kết sẽ tiếp tục cùng chung tay tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, dành điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở vật chất và nguồn lực cho Đội Bóng đá SHB Đà Nẵng giành thành tích tốt nhất tại mùa giải 2023.

Sở Văn hóa và Thể thao thành phố rất lấy làm tiếc khi thực tế các trận thi đấu của đội tuyển bóng đá SHB Đà Nẵng tại mùa giải bóng đá vô địch quốc gia V-League năm 2023, đặt biệt là các trận đấu tại sân nhà Hòa Xuân, mặc dù lãnh đạo Công ty Cổ phần Thể thao SHB Đà Nẵng và CLB Bóng đá SHB đã có nhiều giải pháp điều chỉnh về nhân sự Ban huấn luyện và cầu thủ, tuy nhiên thành tích của Đội vẫn không được cải thiện, kết quả là đội bóng không thể trụ hạng tại mùa giải năm 2023 và phải xuống thi đấu giải hạng nhất mùa giải sau.

Qua đó, Sở Văn hóa và Thể thao có ý kiến rằng:

Sau hơn 20 năm bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, phần lớn các câu lạc bộ bóng đá ở Việt Nam nói chung và bóng đá thành phố Đà Nẵng nói riêng, phần lớn vẫn phụ thuộc vào sự tài trợ của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã và đang gặp khó khăn.

Việc cấp khoản kinh phí lớn tài trợ hằng năm như hiện tại cho các câu lạc bộ tham gia các giải bóng đá chuyên nghiệp (theo quy định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, tối thiểu là 15 tỷ đồng cho một câu lạc bộ ở giải hạng nhất và khoảng 35 tỷ đồng cho câu lạc bộ dự giải vô địch quốc gia), thực tế kinh phí cho mỗi câu lạc bộ dự giải vô địch quốc gia (V.League1) không thể ít hơn 50 tỷ đồng/năm mới giúp câu lạc bộ có thể bảo đảm hoạt động và chuyển nhượng cầu thủ, trả lương, thưởng cho ban huấn luyện, cầu thủ. Đây đã là một nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp.

Sự tồn tại và phát triển của câu lạc bộ bóng đá SHB cũng như nhiều CLB bóng đá hoàn toàn tùy thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp nên tính ổn định, bền vững không cao.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ ngân sách nhà nước cho đội bóng đá SHB Đà Nẵng gặp khó khăn do không phù hợp với các qui định của Luật Ngân sách Nhà nước. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ đề xuất lãnh đạo thành phố có buổi làm việc chính thức với lãnh đạo Công ty Cổ phần thể thao SHB và Câu lạc bộ bóng đá SHB để trao đổi, bàn bạc các nội dung liên quan đến sự tồn tại và phát triển của đội bóng đá chuyên nghiệp thành phố như: huy động các nguồn lực trong xã hội, thực hiện công tác xã hội hóa, định hướng phát triển các tuyến bóng đá trẻ, đội bóng đá chuyên nghiệp và công tác tổ chức các trận thi đấu bóng đá trên sân Hòa Xuân.

Trong thời gian tới, Sở sẽ phân công trách nhiệm trách nhiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc phát triển phong trào bóng đá thành phố; đồng thời, để có những giải pháp thiết thực đưa đội bóng đá chuyên nghiệp thành phố trở lại thi đấu giải vô địch quốc gia.

CỔNG TTĐT TP

File đính kèm
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT