Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, chú trọng đời sống người dân
Đăng ngày 09-03-2021 07:18, Lượt xem: 2358

Ngày 8-3, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 43/TB-VPCP thông báo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng lần này phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, chú trọng đời sống của người dân, có định hướng phát triển thành phố tương lai hiện đại, bài bản, là Trung tâm lớn của miền Trung, Tây Nguyên".

Trước đó, vào ngày 1-3-2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp về Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo kiến nghị của Bộ Xây dựng (Báo cáo thẩm định số 105/BC-BXD ngày 21-9-2020) và UBND thành phố Đà Nẵng (Công văn số 953/UBND-SXD ngày 20-2-2021, Tờ trình số 6101/TTr-UBND ngày 11-9-2020). Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đại diện các Bộ, cơ quan: Bộ Xây dựng. Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch Công Thương, Giao thông vận tải, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ và các đồng chí Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng: Bí thư Thành ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND cùng một số Sở ngành liên quan.

Sau khi nghe Bộ Xây dựng và thành phố Đà Nẵng báo cáo, ý kiến phát biểu của Lãnh đạo các Bộ, Thanh tra Chính phủ, cơ quan có liên quan và ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận một số vấn đề.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đà Nẵng là thành phố cảng biển, du lịch, dịch vụ, là thành phố lớn, có vai trò đầu tàu, quan trọng nhất miền Trung về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội, là một cửa ngõ chính, quan trọng để phát triển kinh tế của quốc gia; xây dựng phát triển là thành phố đáng sống của Việt Nam, thành phố an toàn, định hướng đô thị thông minh.


Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đà Nẵng là cửa ngõ chính, quan trọng để phát triển kinh tế của quốc gia

“Chính phủ rất quan tâm, ủng hộ việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Đà Nẵng là một trong ba đô thị của Việt Nam (gồm Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng) được tổ chức Mạng lưới đô thị thông minh Asian lựa chọn để phát triển đô thị thông minh. Đây chính là xu hướng của thế giới, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội,... Đà Nẵng không chỉ nên tập trung phát triển du lịch, cảng biển, mà cần thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp ít ảnh hưởng đến môi trường”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian qua, Đà Nẵng đã nỗ lực đầu tư xây dựng, phát triển thành phố thực hiện theo Quy hoạch năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, đây là cố gắng lớn của các thế hệ lãnh đạo, nhân dân và các cơ quan, tổ chức để có thành phố Đà Nẵng như hôm nay.

Tuy nhiên, qua 7 năm thực hiện, Quy hoạch chung này đến nay có một số nội dung không còn phù hợp, cần điều chỉnh để khai thác các lợi thế để thành phố phát triển tốt hơn, huy động các nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng. Đây sẽ là công cụ để tổ chức, quản lý và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được các Bộ liên quan tham gia trách nhiệm, Bộ Xây dựng đã thẩm định, Văn phòng Chính phủ đã tổng hợp nội dung và thủ tục liên quan đến Đồ án.

“Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch đã được thực hiện cơ bản là tốt, nghiêm túc, có chất lượng, bám sát Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng và Quyết định số 147/QĐTTg ngày 1-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch nêu trên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì họp với các Bộ, ngành, thành phố Đà Nẵng về nội dung Đồ án và việc tiếp thu ý kiến của các tổ chức, công dân trong quá trình lập, thẩm định đồ án. Các Bộ, ngành đồng tình về việc Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phát triển thành phố đồng bộ, hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng đô thị, cảnh quan, môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.


Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, chú trọng đời sống của người dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng lần này phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, chú trọng đời sống của người dân, có định hướng phát triển thành phố tương lai hiện đại, bài bản, là Trung tâm lớn của miền Trung, Tây Nguyên".

Theo Thủ tướng, cần làm rõ mối quan hệ giữa thành phố Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, các khu vực Tây Nguyên, Phong Nha - Kẻ Bàng, đường Nam Lào. Mô hình phát triển thành phố Đà Nẵng có 3 vùng đặc trưng: vùng ven mặt nước, vùng lõi lõi xanh, vùng sườn đồi; hai vành đai kinh tế; bốn cụm làm việc: phát triển du lịch toàn địa bàn thành phố; phát triển đô thị nén, đô thị thông minh, đô thị sinh thái”.

“Đà Nẵng có địa hình độ dốc lớn, hướng thoát nước ra biển, đây là một trong những nơi có bờ biển đẹp nhất Việt Nam và khu vực, do đó, không được để ô nhiễm biển, cần trồng nhiều cây xanh phù hợp, tiết kiệm đất đai”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng biểu dương liên danh đơn vị Tư vấn lập đồ án và hoan nghênh ý kiến đóng góp của người dân, các tổ chức, các chuyên gia và nhà chuyên môn. Đồng thời, đề nghị thành phố Đà Nẵng cần tiếp thu, có giải trình thỏa đáng và trả lời đồng chí Hồ Duy Diệm.

Thủ tướng giao UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp thu đầy đủ các ý kiến các Bộ, ngành liên quan, ý kiến đóng góp của người dân, các tổ chức và các chuyên gia, nhà chuyên môn, khẩn trương rà soát toàn diện, hoàn thiện nội dung Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, cần lưu ý các nội dung: bảo vệ cảnh quan thiên nhiên rừng. biển; khắc phục ngập úng trong đô thị, thoát nước, xử lý nước thải, ùn tắc giao thông; có kịch bản hiệu quả với ứng phó và chống chịu biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xác định các khu vực địa chất nguy hiểm, rủi ro cao; giao thông đô thị và giao thông đối ngoại; làm rõ mối liên kết vùng của thành phố Đà Nẵng trong vùng miền Trung. Tây nguyên, với cả nước, khu vực và quốc tế; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các tài nguyên như đất đai, nước ngầm,...; quan tâm phát triển công nghệ cao, công nghiệp phù hợp, phát triển điện gió, dầu khí, ưu tiên phát triển lĩnh vực đổi mới, sáng tạo,... định hướng phát triển đô thị trung tâm, đô thị nén để tiết kiệm đất đai, hạ tầng xen kẽ các khoảng không gian mở trong đô thị là không gian công cộng, cây xanh đây là xu hướng của các nước phát triển.


Thủ tướng nhấn mạnh: “Đà Nẵng có địa hình độ dốc lớn, hướng thoát nước ra biển, đây là một trong những nơi có bờ biển đẹp nhất Việt Nam và khu vực, do đó, không được để ô nhiễm biển, cần trồng nhiều cây xanh phù hợp, tiết kiệm đất đai” 

Thực hiện cập nhật các quy hoạch liên quan, giải quyết dứt điểm các tồn tại của quy hoạch trước, quan tâm giải quyết các dự án đang vướng mắc, chưa đầy đủ cơ sở pháp lý để tập trung phát triển Đà Nẵng. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 269/KL-TTCP ngày 16-9-2019 của Thanh tra Chính phủ đối với Đà Nẵng.

Việc Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải tuân thủ pháp luật về môi trường, xây dựng, quy hoạch, quốc phòng, an ninh, giao thông, đầu tư, bảo vệ rừng... Luật sửa đổi bổ sung 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, phù hợp với Nghị quyết số 751/NQ-UBNTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP và pháp luật có liên quan. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét phê duyệt trước ngày 15-3-2021.

Đồ án Quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nội dung chính và quan trọng của Quy hoạch thành phố Đà Nẵng theo Luật Quy hoạch năm 2017, cập nhật nội dung đồ án nêu trên sau khi phê duyệt vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng.

Thủ tướng giao Thành ủy, HĐND thành phố Đà Nẵng giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu trên; có cơ chế giám sát hiệu quả việc thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư,... và các nội quan đến bảo vệ rừng, biển của thành phố Đà Nẵng, đảm bảo thường xuyên, hiệu quả, nhằm khắc phục những tồn tại trong quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng đô thị trong thời gian qua.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn và thường xuyên, định kỳ giám sát việc thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của thành phố Đà Nẵng.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải và các Bộ liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp và ủng hộ thành phố Đà Nẵng để phát triển: hệ thống cơ sở hạ tầng khung chính của thành phố, sân bay, bến cảng biển Liên Chiểu và các công trình quan trọng, thiết yếu,... Nghiên cứu phát triển cảng biển Liên Chiểu với quy mô phù hợp quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để từng bước giảm tải cho bến cảng Tiên Sa, sớm khắc phục việc phương tiện vận tải đi qua trung tâm thành phố Đà Nẵng quá lớn như hiện nay: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục cân đối bố trí vốn để đầu tư phát triển bến cảng Liên Chiểu.

NGUYÊN THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác