Xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Đăng ngày 21-10-2020 18:46, Lượt xem: 1239

Chiều 21-10, tại Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Võ Công Chánh có bài tham luận Giải pháp tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị. Sau đây là toàn văn bài tham luận.

Kính thưa Đại hội!

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, về tổ chức bộ máy, việc sắp xếp, đổi mới hệ thống chính trị và tinh giản biên chế trong toàn Đảng bộ thành phố được thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả rõ nét. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Về công tác cán bộ, đã từng bước hoàn thiện khâu đánh giá cán bộ; chuẩn hóa công tác quy hoạch cán bộ; ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ các cấp; triển khai thực hiện tốt Đề án Cán bộ nữ; thi tuyển chức danh lãnh đạo; thực hiện quy định về cán bộ cấp trưởng giữ chức vụ không quá 02 nhiệm kỳ trước khi Ban Tổ chức Trung ương thực hiện chủ trương này; bố trí, sử dụng công chức, viên chức theo vị trí việc làm; quản lý tốt cơ sở dữ liệu về công chức, viên chức trên phần mềm trực tuyến; tăng cường bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh…

Tuy nhiên, như dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đã nêu: “Công tác cán bộ còn một số vấn đề bất cập, nhất là trong đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; cơ cấu đội ngũ cán bộ của thành phố vẫn chưa phù hợp, số lượng cán bộ nữ, cán bộ trẻ đưa vào quy hoạch ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đảm bảo tỷ lệ theo yêu cầu...”. Nhất là trong thời gian đến, việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đặt ra khá nhiều yêu cầu đối với công tác tổ chức bộ máy và cán bộ các cấp, nhất là yêu cầu về cơ chế giám sát chặt chẽ, hiệu quả để kiểm soát quyền lực cấp quận và phường khi không còn HĐND cùng cấp.

Từ thực tiễn công tác cán bộ cũng như yêu cầu của mô hình tổ chức mới, tôi xin đề xuất với Đại hội hai giải pháp nhằm góp phần tiếp tục đổi mới, kiện toàn và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị sắp được triển khai.

Giải pháp thứ nhất là về tổ chức bộ máy.

Trước hết, đề nghị Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ngành, các địa phương chú trọng một số nhiệm vụ sau đây: 

- Sớm phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nhằm kịp thời ban hành các văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các nội dung về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và công tác quản lý cán bộ khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị;

- Triển khai tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND thành phố, huyện, xã nhiệm kỳ 2021-2026 theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu;

- Ban hành các quy chế cụ thể, đồng bộ để làm rõ phương thức lãnh đạo, giám sát, tổ chức hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố theo hướng mở rộng phạm vi, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận và phường - việc này trong giai đoạn 2009-2016 chúng ta cũng đã có kinh nghiệm nhưng vẫn phải tập trung đầu tư để có phương án tối ưu. 

- Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, tập trung vào việc triển khai quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố và tái lập Văn phòng UBND thành phố; tiếp tục thí điểm tổ chức và hoạt động của Ban an toàn thực phẩm thành phố; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý dự án trực thuộc UBND thành phố. Khi tiến hành nội dung này, cần sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng cấp phó theo quy định của Trung ương. 

- Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền gắn với tăng cường trách nhiệm cho các địa phương, đơn vị trên một số lĩnh vực, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị. Ban hành đồng bộ, kịp thời, sửa đổi và bổ sung những quy định cụ thể về mối quan hệ công tác và việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với chính quyền thành phố, quận và phường theo mô hình chính quyền đô thị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá và cân nhắc lại việc cổ phần hóa đối với các dịch vụ công ích thiết yếu; kết hợp đẩy mạnh thực hiện công tác đặt hàng, đấu thầu, chuyển giao các dịch vụ công cho khu vực tư thực hiện khi đủ điều kiện theo quy định. 

- Tiếp tục rà soát các tiêu chuẩn, điều kiện, quy mô thành lập các tổ dân phố, thôn trên địa bàn; nâng cao tính tự quản cộng đồng của các khu dân cư; giảm số lượng người, tăng cường kiêm nhiệm để nâng cao chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách dưới phường, xã.

Thứ hai, đề nghị Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của các quận ủy, đảng ủy phường phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp được quy định tại Nghị quyết 119/2020/QH14; trong đó, quan tâm mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với chính quyền theo hướng tăng cường vai trò lãnh đạo, kiểm tra của cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tính chủ động trong quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát, xây dựng chính quyền. Đặc biệt cần tăng cường vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong đối thoại, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Giải pháp thứ hai là về công tác cán bộ. Đề nghị Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ngành, các địa phương cần quan tâm những nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, để phục vụ hiệu quả cho việc triển khai thí điểm chính quyền đô thị, cần rà soát làm tốt quy trình, công tác nhân sự phục vụ bầu cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức quận, phường bảo đảm theo các tiêu chuẩn, chức danh, cơ cấu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo mô hình chính quyền đô thị; hướng dẫn thực hiện quy trình nhân sự UBND quận, phường, trưởng, phó cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận theo quy định của Chính phủ. Thực hiện các chính sách về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền đô thị theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực chuyên môn cao, kỹ năng thực thi công vụ và đạo đức công vụ. 

Thứ hai, về lâu dài cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách của thành phố về công tác cán bộ, trong đó ưu tiên một số việc như sau:

- Xây dựng tiêu chí, phương pháp đánh giá cán bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao với kết quả sản phẩm công việc cụ thể, xuyên suốt, liên tục, nhiều chiều, thông qua khảo sát, đánh giá, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương để làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ.

- Phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý dám nghĩ, biết làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tăng cường công tác luân chuyển cán bộ giữa các khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và khối chính quyền; gắn với chủ trương sắp xếp, bố trí cán bộ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp đối với một chức danh. Tiếp tục thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý bằng hình thức trình bày đề án và chương trình hành động về lĩnh vực, ngành nghề, địa phương đảm nhận.

- Nghiên cứu xây dựng Đề án hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ, thu hút chuyên gia, nhà khoa học trẻ, chuyên gia trẻ, đào tạo chuyên sâu cán bộ, công chức, viên chức trên các lĩnh vực phát triển thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW; có lựa chọn, quy hoạch tạo nguồn cán bộ, lãnh đạo tương lai của thành phố trong nhiệm kỳ 2025-2020 và tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường và phát huy hiệu quả của mô hình Tổ chuyên gia, Tổ công tác chuyên đề để huy động sự phối hợp của cán bộ chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực, tập trung giải quyết các đề án, vấn đề bức xúc của thành phố.

- Tiếp tục hoàn thiện đề án vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; tổ chức tuyển dụng và nâng ngạch công chức của cả 3 khối Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; nghiên cứu chính sách để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức từ nguồn ngân sách của thành phố, đặc biệt quan tâm đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

Cổng Thông tin điện tử thành phố

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác