Tuy vậy, tên sông Hàn có từ bao giờ, sông Hàn bắt nguồn từ đâu vẫn là điều rất nhiều người dân Đà Nẵng và du khách thắc mắc.

Trên tấm bản đồ thấy ghi: phía Bắc giáp giới Nghệ An, phía Nam giáp giới Quảng Nam, phía Tây giáp giới Ai Lao , phía Đông giáp giới Đại Hải tức là biển lớn ( Thừa tuyên Thuận Hoá đến bờ Bắc dòng sông Thu Bồn, phía Nam dòng sông là thừa tuyên Quảng Nam). Dọc theo bờ biển Thuận Hoá có 10 cửa biển để ghe thuyền trú ẩn mỗi khi gặp sóng to gió lớn. Theo thứ tự Bắc đến Nam trong bản đồ, xin kể tên những cửa biển ra đây:
1- Di Luân môn瀰淪門,
2- Cương Giản môn剛澗門, (?)
3- Thuận Cô môn順姑門,
4- An Niệu môn安袅門,
5- Nhật Lệ môn日灑門,
6- Minh Linh môn明灵門,
7- Việt môn tức cửa Việt越門,
8- Tư Khách môn思客門,
9- Thuỷ Khê môn水溪門,
10- Hàn môn tức cửa Hàn瀚門.

Cái vũng nước mặn sâu hoắm, rộng thình nằm về phía Đông Bắc thành phố Đà Nẵng (cổ), có núi Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, hòn Hành, hòn Chảo che chắn gió biển phía ngoài. Còn phía trong thì có con đường Nguyễn Tất Thành chạy ôm sát bờ, tạo thành một dải phân cách giữa đất liền với nước. Với khoảnh trời biển chừng ấy mà mang nhiều cái tên, bao gồm tên ta, tên Tây, tên Tàu tưởng chừng như đã kỉ lục thế giới về số tên gọi ! đó là: Vũng Thùng, Đồng Long Loan, Vịnh Sơn Trà, Vịnh Đà Nẵng, Đà Nẵng Hải môn, Cửa biển Đà Nẵng, Đà Nẵng Hải tấn, Hàn Hải tấn, Hàn cảng, Kénan, Touron, Tou Nang, Hiện cảng, Cửa Hàn, Hàn môn, … còn cửa biển Đại Chiêm môn, tuy ở gần cảng Hàn môn nhưng thuộc về thừa tuyên Quảng Nam nên không có tên trong phần này.
Trong Hán Việt tự điển của nhiều tác giả, tính chung chung thì có độ 10 “chữ Hàn”, nhưng mỗi chữ khác nhau về bộ thủ, về tự dạng (mặt chữ), về tổng số nét. Dĩ nhiên cái nghĩa đen của mỗi chữ phải khác xa nhau.
- Chữ Hàn bộ thuỷ (19 nét) 瀚 nghĩa là rộng lớn, bao la mênh mông bát ngát.
- Chữ Hàn bộ vi (18 nét)韓nghĩa là nước Hàn ở Trung Quốc thời Đông Chu xưa.
- Chữ Hàn bộ vũ (16 nét)翰 nghĩa là lông cánh chim, hàn lâm.
- Chữ Hàn bộ miên (12 nét)寒nghĩa là lạnh lẽo, hàn sĩ.
- Chữ Hàn bộ Kim 釬 hoặc銲nghĩa là hàn các kim loại lại cho dính liền lại với nhau. Thuốc hàn.
Chính là do nhiều chữ Hàn như vậy nên các cụ giải nghĩa theo chữ Hàn quen thuộc của mình, để cái nghĩa khác xa với chữ Hàn đối tượng瀚, một lý do khác nữa là chữ Hàn bộ thuỷ thuộc loại cá biệt tức là không thuộc diện phổ thông trên văn thư sử dụng hằng ngày nên các cụ thấy lạ lẫm.
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết về sông Cẩm Lệ (và sông Hàn) thì dòng sông này có hai nguồn. Nguồn thứ nhất xuất phát từ núi Kiền Kiền rồi chảy ra xứ nguồn Lỗ Đông làm sông Lỗ Đông. Nguồn thứ hai phát xuất từ núi Vịnh Phàm rồi cũng chảy ngang xứ nguồn Lỗ Đông làm sông Vịnh Phàm, rồi chảy qua xã Hội Thành, rồi đến thôn Đông Cao thì hai nguồn hợp nhau với nhánh sông kia. Từ đây sông chảy 17 dặm về phía Đông thì đến làng Bồ Bản. Nơi đây có dòng sông Thạch Bồ (còn gọi sông Yên) nhập vào, lại chảy xuống phía Đông 5 dặm nữa đến xã Cẩm Lệ để làm sông Cẩm Lệ. Lại chảy chừng 7 dặm nữa qua xã Hoá Khuê Trung (nay Phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) và xã Hoá Khuê Tây làm thành sông Hàn chữ nôm viết là滝瀚 mà chữ Hán viết Hàn Giang瀚江.
Cũng theo Đại Nam Nhất thống chí, đổ vào hạ lưu sông Cẩm Lệ có sông Cổ Mân, dân gian gọi là sông Cái, nối từ hạ lưu sông Vĩnh Điện đi qua làng Cổ Mân, nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Như vậy, ở ngã ba sông này là chính là nơi bắt đầu của sông Hàn và kết thúc tại cửa biển Đà Nẵng.
Theo tên gọi 10 cửa biển kể trên đều viết bằng chữ Hán thuần tuý (TT) vậy 2 chữ Hàn môn瀚門 có nghĩa là: Môn là cửa, chữ Hàn bộ thuỷ có nghĩa là rộng lớn, bao la mênh mông bát ngát (1). Vì thấy cửa biển rộng lớn như thế kia, nên Tiền nhân đặt tên “Hàn môn” tức là “Cửa Hàn”, cũng giống như đặt tên Việt môn là cửa Việt ở trên vậy. Vì tổ tiên ta có lệ “Xem mặt đặt tên”, tên nhân danh hay địa danh cũng như thế, nhất là những cái tên được viết bằng chữ Hán (TT).
Từ sự lựa chọn ấy mà “Hàn môn” chào đời, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên địa phương ấy, đúng theo tinh thần của Đại Việt một trăm phần trăm, chớ tuyệt đối không theo quy luật giao thoa các ngôn ngữ của nước nào cả. Hay nói rõ hơn là không dùng nguyên ngữ Chăm pa để phiên âm ra tiếng Việt mà viết chữ Hàn này. Nếu đúng như vậy thì đã bị vua Lê Thánh Tông xoá bỏ mất rồi trong năm “ định lại bản đồ” chứ không còn lưu trên bản đồ đến bây giờ. Như năm 1470 khi mới bắt đầu chinh phạt mà vua đã làm, (được sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi) “Vua xem địa đồ nước Chiêm đổi lại danh hiệu núi sông”. Lúc mới xuất chinh mà còn làm như vậy huống chi khi đã ổn định đất nước ?