Quảng Nam Đà Nẵng qua các địa danh (phần 12)
Ô Gia: Sông phát nguyên từ các rừng già phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam, chảy qua huyện Đại Lộc, hợp lưu với sông Thu Bồn từ Quế Sơn đổ xuống tại Giao Thủy, thành sông lớn chảy qua vùng đồng bằng Điện bàn, Duy Xuyên,. Cũng gọi là sông Vu Gia.

Ô Gia
Ngõ
nguồn trong 6 ngõ nguồn của tỉnh Quảng Nam (từ phía bắc vào gồm: Cu Đê, Lỗ Đông, Ô Gia, Thu Bồn, Chiên Đàn, Hữu Ban) ở thế kỷ XIX. Nguồn Ô Gia là địa vực cư trú của các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà riềng.

Ô Gia
Làng
thuộc tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên đầu thế kỷ 20, nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam.

Ông
Thác
nước lớn nằm ở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, thuộc xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, Quảng Nam.

Ông Súng
Vực
nằm ở đầu phía Tây truông Phường Rạnh, bên hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Lợi dụng địa thế hiểm yếu một bên là sườn núi dựng đứng, một bên là vực sâu nước xoáy, nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu đã đặt một khẩu thần công tại đây để bảo vệ cửa ngõ đi vào căn cứ Trung Lộc bằng đường sông – nơi đặt bản doanh “Tân Tỉnh” của Nghĩa Hội.
Tháng 8/1887, trước sức tấn công ào ạt của 600 quân Pháp và quân triều đình Đồng Khánh vào Tân Tỉnh, nghĩa quân không chống cự nổi, buộc phải triệt thoái lên phía An Lâm. Khẩu thần công bằng đồng bị lật nhào xuống vực sâu theo lệnh của vị chỉ huy Tân Tỉnh. Từ đó, vực sâu này mang tên vực Ông Súng.

Phú Ninh
Hồ
chứa nước, công trình đại thủy nông lớn nhất của tỉnh Quảng Nam. Khởi công ngày 29/3/1977, khánh thành ngày 27/3/1986. Hồ có dung tích trên 343 triệu m3, diện tích 235km2, có khả năng tưới nước cho 23.000ha đất thuộc các huyện Phú Ninh, Núi Thành, Thăng Bình, một phần huyện Quế Sơn, huyện Duy Xuyên và thành phố Tam Kỳ.
Công trình này đã góp phần thay đổi đời sống của hàng chục vạn dân ở phía nam tỉnh, đồng thời góp phần cải tạo môi trường và khí hậu nơi đây.
 


Phú Thượng
Làng
thuộc tổng Giáo, huyện Hòa Vang đầu thế kỷ XX, là vùng đất gồm những ngọn đồi lượn sóng cao từ 50 – 300m, chạy dài 4 – 5km, rất thích hợp với cây chè. Chè Phú Thượng ngon nổi tiếng. Đây là nơi cung cấp nguyên liệu cho 3 nhà máy chế biến chè An Ngãi, Tùng Sơn, Phú Thượng thời Pháp thuộc. Nằm cách thành phố Đà Nẵng 16km về phía Tây, Phú Thượng là nơi đặt gót chân sớm của các nhà truyền giáo. Từ thế kỷ 17, thừa sai Lambert de la Motte đã tới đây. Đến 1880, Phú Thượng đã trở thành một giáo khu sầm uất, có nhà thờ lớn, một nhà nữ tu, một nhà nuôi dạy trẻ mồ côi do linh mục D.E.Maillard của Hội Thừa sai Paris cai quản.

Phước Ninh
Nghĩa trang liệt sĩ
chống xâm lược Pháp đầu tiên ở nước ta. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Đà Nẵng (1858 – 1860) đã có hàng ngàn binh sĩ của triều đình, dân binh, nghĩa dũng và đồng bào ta đã ngã xuống. Năm 1876 – nghĩa là 18 năm sau những phát đại bác của pháp hạm Pháp – Tây Ban Nha bắn vào Đà Nẵng – theo chỉ dụ của vua Tự Đức, Án sát và Lãnh binh tỉnh Quảng Nam đã cùng với một số thân sĩ yêu nước đứng ra vận động nhân dân quy tụ hơn 1.500 hài cốt của những người đã hy sinh được chôn rải rác ở các làng Phước Ninh, Thạc Gián, Nại Hiên Tây, Nam Dương,.. vào nghĩa trang, có thành bao quanh và có dựng bia tưởng niệm, lấy tên là “Nghĩa trũng Phước Ninh.”

Phước Sơn
Vạn
, nằm trên chỉ lưu ở bên tả ngạn sông Thu Bồn, nơi tập trung nhiều nhà buôn Hoa kiều chuyên kinh doanh hàng lâm thổ sản ở khu vực Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, kể cả hàng từ phía Kon Tum đưa xuống vào thế kỷ 18, 19. Ghe thuyền từ vạn Phước Son đưa lâm thổ sản về tận Hội An, Đà Nẵng và chuyển nhượng lại những nhu yếu phẩm như muối, cá khô, dầu lửa, vải vóc,.. để trao đổi với đồng bào dân tộc. Tại đây còn có một số di tích như bia mộ, đền thờ Quan Công của người Hoa.

Phước Sơn
Huyện
thành lập theo Quyết định của Ủy ban Kháng chiến – Hành chính tỉnh Quảng Nam tháng 10/1948, trên cơ sở các xã được tách ra từ các huyện Trà My, Tiên Phước, Quế Sơn và Thăng Bình nhập chung lại.
Năm 1985, huyện Phước Sơn được thành lập theo Quyết định số 289 – HĐBT ngày 31/12/1985, gồm 8 xã: Phước Hiệp, Phước Đức, Phước Chánh, Phước Mỹ, Phước Công, Phước Kim, Phước Thành và thị trấn Phước Đức.

Phước Trà
Khu căn cứ
cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ ở xã Phước Trà, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, cách thị trấn Tân An 15km về phía Tây.
Sau Hiệp định Paris (27/1/1973), Khu ủy V và Bộ Tư lệnh khu V quyết định dời căn cứ chỉ huy từ Nước Oa thuộc huyện Trà My về Phước Trà để gần các đường giao liên xuống đồng bằng hơn, đảm bảo sự chỉ đạo kịp thời. Tại khu căn cứ chỉ huy này có nhiều sự kiện đã diễn ra: Đại hội lần thứ 3 Đảng bộ khu V, Hội nghị bàn về kế hoạch chống lấn chiếm của địch, Thông qua kế hoạch Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975. Khu căn cứ Phước Trà đã được Bộ Văn hóa – Thông tin ra Quyết định số 281/QQD – BT ngày 24/3/1993 công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

Phước Tường
Núi
nằm ở phía Tây phường Hòa Phát, huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 5 km, thế núi cao đột ngột (327m). Ngày 9/2/1965, Mỹ đưa tiểu đoàn tên lửa Hawk đầu tiên đến đóng ở núi Phước Tường để bảo vệ sân bay và cảng Đà Nẵng.
Prao
Thị trấn
huyện lỵ huyện Đông Giang, từ gốc Cơ tu, cũng gọi là Trao, thành lập theo Nghị định số 102/Cp của Chính phủ ngày 29/8/1994, trên cơ sở xã Tà Lu với diện tích tự nhiên 2.690ha.

Pu Nếp
Mỏ vàng
nằm ở đầu nguồn sông Vàng, thuộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 45 km. Mỏ vàng sa khoáng này đã được khai thác từ thời Nguyễn, rồi đến thời Pháp. Trữ lượng vàng nơi đây nhỏ hơn nhiều lần so với mỏ vàng Bồng Miêu.

Cổng TTĐT thành phố
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT