Xây dựng Đà Nẵng thành điểm hội tụ của các công ty tài chính
Đăng ngày 02-11-2020 00:00, Lượt xem: 63

Bên cạnh những lợi thế sẵn có, Đà Nẵng cần có sự hiện diện sâu rộng của các công ty, tổ chức, dịch vụ tài chính mang tầm khu vực và quốc tế để trở thành trung tâm tài chính khu vực. Muốn làm được điều đó, thành phố cần có sự chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…

Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng

Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phụng, mục tiêu và bối cảnh hiện tại đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc thành phố lựa chọn chiến lược phát triển nhằm tạo sự đột phá và trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ đối với khu vực mà còn đối với nền kinh tế Việt Nam. Một trong những lựa chọn khả dĩ là định hướng đưa thành phố trở thành một trong những TTTC quy mô khu vực. TTTC này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và chuyển tải vốn cho nền kinh tế, đồng thời cung cấp các dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ cho khu vực. Xét trong mối quan hệ với tăng trưởng và đầu tư, một hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả sẽ giúp phát triển tài chính theo chiều sâu, tăng tích lũy vốn, đồng thời sàng lọc và hỗ trợ các dự án hiệu quả giúp tăng năng suất lao động. Việc phát triển TTTC đi kèm với sự phát triển cả hệ sinh thái gồm các dịch vụ kinh doanh, luật sư, kế toán, marketing, nhân sự… giúp tạo ra nhiều công ăn việc làm mới với mức thu nhập cao.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 làm thay đổi căn bản phương thức kinh doanh, mô hình quản lý của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính nói chung và thị trường dịch vụ tài chính nói riêng, sự hình thành và phát triển của TTTC tại Đà Nẵng sẽ chứa đựng những yếu tố phi truyền thống. Trong bối cảnh làn sóng công nghệ hiện nay, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo bùng nổ, ngành tài chính thế giới đang bước vào một cuộc thay đổi lớn. Nhờ công nghệ, các công ty tài chính hiện nay không đòi hỏi quá nhiều về khía cạnh không gian trụ sở (địa điểm giao dịch) hay thị trường sở tại, mà hướng nhiều hơn đến việc giao lưu với các đối tác, tìm kiếm các cơ hội đầu tư, một môi trường chính trị ổn định cùng cam kết hỗ trợ của chính quyền địa phương (về kết nối hạ tầng công nghệ thông tin, giao thông hàng không, nuôi dưỡng và thu hút các đối tác phát triển và tiềm năng, môi trường sống đẳng cấp…). Đây sẽ là thách thức cho các trung tâm tài chính hiện hữu, đồng thời là cơ hội cho các trung tâm ra đời, phát triển sau.

Như vậy, định hướng phát triển Đà Nẵng thành TTTC khu vực trong bối cảnh hiện nay sẽ hướng đến các mục tiêu phát triển hệ thống tài chính, tín dụng theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, hoạt động an toàn, hiệu quả; thu hút các ngân hàng lớn trong và ngoài nước, công ty tài chính truyền thống và tài chính dựa vào nền tảng công nghệ, các quỹ đầu tư, bảo hiểm, các công ty chứng khoán thành lập, hội sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại thành phố… Đồng thời là một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính của khu vực, chủ động cung cấp các giải pháp công nghệ tài chính cho các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động tài chính toàn khu vực…

Điểm hội tụ tương lai của các tổ chức tài chính toàn cầu

TS. Nguyễn Xuân Hải, chuyên gia tài chính – ngân hàng có nhiều năm học tập và giảng dạy tại Hoa Kỳ cho rằng, để phát triển Đà Nẵng thành TTTC khu vực miền Trung- Tây Nguyên, thành phố cần định vị sẽ là điểm hội tụ tương lai của các tổ chức tài chính toàn cầu, các công ty khởi nghiệp xuất sắc, các công ty công nghệ tài chính (fintech) có độ phủ quốc tế; là nơi đại diện của các định chế tài chính đa dạng, bao gồm cả các ngân hàng, các tổ chức phi ngân hàng, khối nghiên cứu, tư vấn, các vườn ươm công nghệ có thể đến để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để thực hiện những ý tưởng đầu tư đột phá. Để làm được điều đó, trước hết, Đà Nẵng cần có một không gian làm việc chung, nơi các công ty tài chính có thể làm việc, tư vấn tài chính; nơi diễn ra các sự kiện giao lưu tài chính giữa các đối tác với nhau, các buổi hội nghị tư vấn chính sách tài chính cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong khu vực; đồng thời là nơi để các nhà đầu tư và công ty tài chính đã thành danh có thể đến và tham gia với các công ty startup fintech.

Trên cơ sở có một không gian đó, Đà Nẵng cần tiếp tục nỗ lực thu hút được các tổ chức tín dụng, các công ty đầu tư tài chính, các nhà quản lý quỹ đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, các công ty startup fintech có danh tiếng trong và ngoài nước, các startup fintech; các công ty dịch vụ tài chính khác (cung ứng thông tin tài chính, tư vấn kiểm toán, gia công tài chính/kế toán, tư vấn pháp lý…). Số lượng các tổ chức tài chính trên thế giới hiện tại là rất lớn, với nhiều tổ chức quy mô nhân lực có thể chỉ dưới 10 người nhưng có thể điều phối những dòng tiền lên đến hàng triệu USD.

Việc tập trung một số lượng đủ lớn các tổ chức tài chính đến đặt văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Đà Nẵng sẽ là một bước tiến rất lớn cho sự phát triển của thị trường tài chính miền Trung – Tây Nguyên nói chung và việc hình thành một TTTC phi ngân hàng tại Đà Nẵng nói riêng. Sự tập trung, hội tụ của các tổ chức tài chính sẽ tạo nên một môi trường năng động, nơi mà các thông tin tài chính được trao đổi thường xuyên, nhiều dịch vụ tài chính phi ngân hàng có thể được phát triển, bao gồm phục vụ tổ chức sự kiện giao lưu, hợp tác giữa các tổ chức tài chính quốc tế; cung cấp môi trường trung gian đàm phán các thỏa thuận đầu tư tài chính, đặc biệt là cho giới đầu tư tài chính hai đầu bắc, nam hay các nước trên thế giới khi đến Việt Nam.

TS. Nguyễn Xuân Hải cho rằng, tất cả những điều trên cần bắt đầu ngay từ bây giờ bằng việc thúc đẩy triển khai hình thành cơ sở hạ tầng phục vụ cho các tổ chức tài chính, kiến tạo, cung ứng môi trường kinh doanh năng động, hiện đại, đề cao tinh thần đổi mới sáng tạo cho các tổ chức tài chính, củng cố các chiến lược đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có trình độ, bảo đảm nguồn cung lao động chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính. Đặc biệt, chú trọng phát triển mạnh kinh tế địa phương từ chính nội lực của thành phố, xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, tạo dựng môi trường thông thoáng để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, Đà Nẵng cần tranh thủ chính sách này và đồng thời có chính sách thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân để nâng cấp, hoàn thiện các hạ tầng cơ bản. Đây cũng được xem như cú hích để sớm hình thành TTTC khu vực tại Đà Nẵng. Cụ thể như nâng cấp, tối ưu hóa việc kết nối các loại hình giao thông: đường hàng không, đường biển, đường bộ, đường sắt gắn với việc nâng cấp dịch vụ logistics chất lượng cao nhằm thúc đẩy hoạt động giao thương qua cửa ngõ Đà Nẵng và kết nối bổ trợ bởi trung tâm sản xuất công nghiệp đặt ở các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế…; mở rộng “hậu phương kinh tế” cho Đà Nẵng về phía tây, kết nối với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar thông qua hình thành và khai thác hiệu quả tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) sẽ tạo sức hút, lợi thế cho TTTC của Đà Nẵng. Bên cạnh việc hình thành cơ sở hạ tầng cho TTTC, thành phố cần có chính sách hỗ trợ các tổ chức tài chính, nhà đầu tư tiếp cận các hạ tầng với chi phí cạnh tranh, ưu đãi hấp dẫn và các chính sách khuyến khích về thuế, phí khác để Đà Nẵng thành nơi “đất lành chim đậu”.

Tháng 9 vừa qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn ủng hộ chủ trương xây dựng Đà Nẵng thành TTTC quy mô khu vực theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên vào tháng 7-2020. Theo thông tin từ Sở Tài chính thành phố, UBND thành phố đang xây dựng dự thảo về đề án phát triển Đà Nẵng trở thành TTTC quy mô khu vực gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mời nhiều chuyên gia tài chính để xây dựng được một đề án hoàn chỉnh nhất. Đây là bước đà quan trọng để Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ mà Bộ Chính trị giao phó trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

MAI QUẾ – báo Đà Nẵng

* Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố: Tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính quốc tế để đầu tư vào cơ sở hạ tầng

Trong thời gian tới, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế để huy động nguồn vốn đầu tư, phát huy công tác cho vay các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với điều kiện vay ưu đãi, thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, đặc biệt là vốn đầu tư tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của thành phố. Đồng thời, phấn đấu đưa Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng thành tổ chức tài chính vững mạnh, kênh huy động vốn để góp phần tăng thêm nguồn vốn đầu tư trên địa bàn, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển theo chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trung và dài hạn của thành phố.

* Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Đà Nẵng: Đẩy mạnh triển khai chiến lược tài chính toàn diện trên địa bàn thành phố

UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 6032/KH-UBND ngày 10-9-2020 về việc thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố. Nội dung kế hoạch bao gồm việc phát triển hệ thống ngân hàng, điểm cung ứng dịch vụ tài chính… giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng ngày càng hiệu quả, tạo sức hút cho các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn tài chính tiếp cận, mở văn phòng tại Đà Nẵng. Vì vậy, đẩy mạnh triển khai chiến lược tài chính toàn diện là một giải pháp hiệu quả trong định hướng phát triển Đà Nẵng thành TTTC khu vực. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục cùng với thành phố thực hiện các chương trình cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT