Dấu ấn tích cực từ chuyển đổi số
Đăng ngày 08-12-2021 17:24, Lượt xem: 854

Chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số phục vụ tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp, người dân là mục tiêu mà Đà Nẵng đã và đang đề ra. Với tiềm năng, kinh nghiệm, lợi thế sẵn có cùng những nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả đầy tích cực trên hành trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là động lực phát triển

Từ năm 2010, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã xác định Công nghệ Thông tin – Truyền Thông (CNTTTT) là một trong 5 đột phá chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

Đà Nẵng đã ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng làm nền tảng để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, cũng như đặt nền tảng ban đầu về chuyển đổi số.

Theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của Thành ủy Đà Nẵng về chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh; thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.


Đà Nẵng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phải hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh; thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, chuyển đổi số là động lực để giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển thành phố, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN.

“Thành phố xác định quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong đó, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi; lấy xây dựng chính quyền số làm động lực và dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định.

Thuận lợi đối với Đà Nẵng trên hành trình chuyển đổi số là kế thừa những kinh nghiệm và kết quả cơ bản từ 10 năm triển khai chính quyền điện tử và hai năm triển khai thành phố thông minh, với nền công nghiệp công nghệ thông tin đã dần hình thành.


Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại tại "Hội thảo chuyên đề về Đề án Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do UBND thành phố phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 22-3

Cụ thể, Đà Nẵng hiện là địa phương có tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị cao nhất nước (khoảng 88%), và tỉ lệ người sử dụng điện thoại di động đứng đầu cả nước, với tỉ lệ 276 máy/100 dân, 99,8% hộ gia đình có kết nối Internet và 99,4% người dân được tiếp cận, sử dụng Internet. 100% trường học các cấp đã kết nối Internet băng rộng và sử dụng phần mềm quản lý trường học.

Với hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, Đà Nẵng đã hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng rộng cố định; đầu tư hệ thống wifi công cộng với 430 trạm thu phát sóng (AP) chuyên dụng của thành phố cùng khoảng 1.000 trạm của doanh nghiệp phủ sóng tại tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, các khu vực trung tâm của thành phố, các địa điểm du lịch và khu vực công cộng để tạo điều kiện cho tổ chức, người dân và du khách có thể dễ dàng kết nối, sử dụng dịch vụ của các cơ quan nhà nước và kết nối Internet.

Ngoài ra, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền như CSDL công dân (hơn 1,3 triệu dữ liệu, đạt 100% so với dân số); CSDL doanh nghiệp (44.000 dữ liệu, đạt 100%); CSDL nhân hộ khẩu (267.695 dữ liệu hộ khẩu, đạt 96% và 1.021.822 bản ghi nhân khẩu, đạt 96%);

Triển khai xây dựng 23 Hệ thống CSDL và phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành của các sở, ngành và các quận, huyện nhằm mô phỏng toàn bộ hoạt động, quy trình nghiệp vụ quản lý nhà nước trong nội bộ của cơ quan, địa phương.

Từ tháng 7-2014, thành phố đã xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố và triển khai các ứng dụng dùng chung phục vụ hoạt động nội bộ của các cơ quan thành phố như Hệ thống thư điện tử, phần mềm một cửa điện tử (áp dụng cho 100% hồ sơ dịch vụ hành chính công), phần mềm quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng chữ ký số (gửi, nhận liên thông văn bản 4 cấp chính quyền; 95% văn bản điện tử gửi liên thông không gửi kèm bản giấy), Phần mềm quản lý nhân hộ khẩu, Phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức,..


Giao diện Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 25 trường Đại học và Cao đẳng có Khoa Công nghệ thông tin. Nhờ đó, mỗi năm, Đà Nẵng được bổ sung nguồn nhân lực về CNTT lên đến 5.000 người.

Số lượng doanh nghiệp CNTT của Đà Nẵng hiện có là 2,5 doanh nghiệp chuyển đổi số/1.000 dân, đây là con số cao hơn chỉ tiêu của Bộ, mang lại lợi thế chuyển đổi số cho thành phố.

Kết quả bước đầu

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, thời gian qua, Đà Nẵng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Nhiều ứng dụng công nghệ mới, thông minh đã được triển khai thành công.

Ngành Thông tin và Truyền thông đã tích cực xây dựng những hướng dẫn cụ thể để các địa phương thí điểm chuyển đổi số; tham mưu cho thành phố ký kết, hợp tác với các đối tác về chuyển đổi số; triển khai khảo sát trực tuyến lấy ý kiến nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa. Mở chuyên mục tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền về chuyển đổi số cho người dân,…

Đà Nẵng đã tích cực triển khai Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh, chủ động, kịp thời triển khai chuyển đổi số thông qua Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16-4-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông tiếp cận xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN); Chương trình số 37-CTr/TU ngày 31-01-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai chuyên đề Tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông phù hợp xu hướng CMCN 4.0 gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

Nhiều sản phẩm sử dụng công nghệ số, dữ liệu số được xây dựng và đưa vào sử dụng tại Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành trong nước. Các sản phẩm chuyển đổi số được công nhận, đạt giải của tổ chức trong nước và quốc tế; trong đó có giải chuyển đổi số của VIETNAM DIGITAL AWARDS.

Cụ thể, tại Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards (VDA) 2019, Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Đà Nẵng - DNICT đã vinh dự nhận được giải thưởng cho sản phẩm Phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức ở hạng mục sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu thuộc lĩnh vực giải pháp chính phủ điện tử và đô thị thông minh.

Tại Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards 2020, Đà Nẵng đạt 5 trong 40 giải toàn quốc, là sản phẩm của các đơn vị: Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty CP Tâm Hợp Nhất, Công ty CP Công nghệ số thông minh, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, Tổng Công ty Điện lực miền Trung. Riêng Cổng Dữ liệu mở Đà Nẵng đạt giải ở hạng mục “Chuyển đổi số xuất sắc năm 2020”.

Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng đứng nhất liên tiếp 12 năm về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT các tỉnh, thành phố; đoạt Giải thưởng ASOCIO smart city 2019; triển khai cổng dữ liệu mở để cung cấp dữ liệu, công khai thông tin cho người dân, doanh nghiệp; thành lập trung tâm giám sát với 200 camera giao thông thông minh, 1.800 camera an ninh chuyên dụng, 34.500 camera giám sát huy động từ người dân, doanh nghiệp,…


Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số năm 2020

Trải qua các đợt bùng phát dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, Đà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động y tế. Hiện nay, 100% bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện đều sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện điện tử và 100% trạm y tế phường, xã sử dụng phần mềm dùng chung hỗ trợ cho công tác quản lý khám, chữa bệnh, quản lý bệnh nhân, quản lý điều trị nội trú, ngoại trú, quản lý xét nghiệm quản lý dược, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế.

Với mức độ sẵn sàng cao về ứng dụng công nghệ thông tin, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ cài đặt ứng dụng Bluezone với tỷ lệ hơn 43%, triển khai kịp thời các ứng dụng góp phần thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh COVD-19 như Bản đồ COVID-19, biểu đồ số liệu COVID-19, thẻ đi chợ bằng QR-Code, quản lý khách du lịch trực tuyến....

Với những kết quả Đà Nẵng đã đạt được về chuyển đổi số trong thời gian qua, tại Hội thảo Công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức vào tháng 10/2021 vừa qua, thành phố Đà Nẵng được xếp ở vị trí thứ nhất về chuyển đổi số cấp tỉnh ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.


UBND thành phố Đà Nẵng ký kết bản ghi nhớ về xây dựng thành phố thông minh giai đoạn từ năm 2021 - 2025 với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)

Trong tiến trình chuyển đổi số, Đà Nẵng luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp. Gần đây nhất, thành phố ký kết Bản ghi nhớ về xây dựng thành phố thông minh giai đoạn từ năm 2021 - 2025 với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Bản ghi nhớ này sẽ thúc đẩy việc hợp tác chặt chẽ với tập đoàn Viettel và mở ra cho Đà Nẵng nhiều cơ hội mới trước khát vọng xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống.

Qua đó, có thể thấy rằng những nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội không chỉ tạo nên sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư đến với thành phố mà còn tác động tích cực, lan tỏa đến mỗi người dân nhờ thấy được những lợi ích cụ thể mang lại.


Trong tương lai, Đà Nẵng sẽ tạo ra cho mình những bước đi cần thiết, quan trọng trên hành trình chuyển đổi số. Ảnh: MINH TRÍ

Với lợi thế sẵn có cùng nền móng được xây dựng vững chắc từ sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, trong tương lai, Đà Nẵng sẽ tạo ra cho mình những bước đi cần thiết, quan trọng trên hành trình chuyển đổi số, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để tham gia giải quyết các bài toán phát triển thành phố, như lời Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã nói tại buổi ký kết Bản ghi nhớ về xây dựng thành phố thông minh giai đoạn từ năm 2021 - 2025 với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

THỦY THANH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT