Tích cực thực hiện NQ 50-NQ-CP của Chính phủ, thành phố Đà Nẵng vừa được xếp hạng thứ nhất của cả nước về chuyển đổi số cấp tỉnh, thành và giữ vị trí dẫn đầu ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Đây là nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền thành phố Đà Nẵng trong chiến lược chuyển đổi số nhằm giải quyết các điểm nghẽn, tạo sự đột phá trong phát triển thành phố, hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, đáng sống...
Thành phố Đà Nẵng đã sớm ban hành Nghị quyết “Về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh với 6 trụ cột và 16 lĩnh vực thông minh; Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”. Và đặc biệt tháng 8 vừa qua Đà Nẵng đã thông qua Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đà Nẵng tiếp tục xây dựng công viên phầm mềm mới trị giá hàng trăm tỷ đồng
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, chuyển đổi số là động lực để giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển thành phố, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN.
Đến tháng 11.2021, Đà Nẵng là thành phố có tỉ lệ người sử dụng điện thoại di động đứng đầu cả nước, với tỉ lệ 276 máy/100 dân, 99,8% hộ gia đình có kết nối Internet và 99,4% người dân được tiếp cận, sử dụng Internet; 100% trường học các cấp đã kết nối Internet băng rộng và sử dụng phần mềm quản lý trường học.
Hạ tầng kỹ thuật số Đà Nẵng hiện nay trở nên hiện đại nhờ có 2 tuyến cáp SMW3 và APG với tổng dung lượng rất lớn, hạ tầng viễn thông công cộng có kết nối nội mạng tốc độ cao. Đà Nẵng cũng đã hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng rộng cố định.
Thành phố cũng đã đầu tư hệ thống wifi công cộng với 430 trạm thu phát sóng (AP) chuyên dụng của thành phố cùng khoảng 1.000 trạm của doanh nghiệp phủ sóng tại tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, các khu vực trung tâm của thành phố, các địa điểm du lịch và khu vực công cộng để tạo điều kiện cho tổ chức, người dân và du khách có thể dễ dàng kết nối, sử dụng dịch vụ của các cơ quan nhà nước và kết nối Internet.
Trung tâm dữ liệu thành phố có dung lượng lớn và đang được tiếp tục nâng cấp, mở rộng để triển khai các ứng dụng thành phố thông minh. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã có thể triển khai các cuộc họp trực tuyến từ Trung ương đến thành phố; từ thành phố đến quận, huyện.
Ngoài lợi thế về cơ sở hạ tầng kĩ thuật Đà Nẵng còn có nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhờ vào hệ thống 25 trường đại học và cao đẳng chất lượng cao cùng với khoảng gần 7.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và các lĩnh vực liên quan.
Đà Nẵng có nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhờ vào hệ thống 25 trường đại học và cao đẳng chất lượng cao
Với Đề án Chuyển đổi số, Đà Nẵng xác định mục tiêu đến năm 2025, phải hướng đến các lĩnh vực về phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số trong lĩnh vực du lịch, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, lĩnh vực giao thông vận tải và logistics, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lĩnh vực tài nguyên và môi trường, y tế và giáo dục và đào tạo.
Mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.
Để thực hiện tốt và hoàn thành các mục tiêu đặt ra, Đề án xác định cần phải có các giải pháp cơ bản tạo nền tảng cho chuyển đổi số tại thành phố gồm: chuyển đổi về nhận thức, nâng cao trách nhiệm triển khai; có các cơ chế, chính sách phù hợp; phát triển hơn nữa hạ tầng kỹ thuật số, dữ liệu số, nền tảng số, nguồn nhân lực số; bảo đảm các yếu tố về an toàn, an ninh mạng; triển khai hợp tác, nghiên cứu, phát triểm và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.