Nỗ lực để đứng đầu về chuyển đổi số cấp tỉnh, thành phố
Đăng ngày 08-11-2021 15:54, Lượt xem: 22

Năm 2020, Đà Nẵng được xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, thành phố; giữ vị trí dẫn đầu ở cả 3 trụ cột chính gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đưa vào sử dụng nhiều sản phẩm chuyển đổi số

Đà Nẵng xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2020 với tổng điểm 0,4874; đồng thời dẫn đầu ở cả 3 trụ cột: chính quyền số (0,5346 điểm), kinh tế số (0,4155 điểm), xã hội số (0,4964 điểm). Kết quả này phản ánh đúng năng lực của thành phố qua việc được xếp hạng nhiều năm liên tiếp ở vị trí nhóm đầu tại báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và phát triển Chính phủ điện tử và báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông (ICT Index) của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thực tế, thành phố đã có nhiều sản phẩm chuyển đổi số đưa vào sử dụng như dữ liệu số trong thay thế thành phần hồ sơ giấy (hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh...) và cung cấp dịch vụ công, ứng dụng bản đồ dịch tễ Covid-19 tại Đà Nẵng, ứng dụng thẻ QR code, ứng dụng đa dạng dịch vụ Danang Smart City...

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch cho biết, thời gian qua, về chính quyền số, Đà Nẵng đã xây dựng được cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT đồng bộ; hình thành các cơ sở dữ liệu nền như công dân, doanh nghiệp, hộ khẩu, đất đai, cán bộ, công chức,... và 560 cơ sở dữ liệu chuyên ngành; triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu và quản lý Nhà nước chuyên ngành các sở, ban, ngành, quận, huyện; thí điểm kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố; đưa vào sử dụng cổng dữ liệu mở với hơn 570 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội với đa dạng kênh tra cứu, khai thác (API, web, SMS, Zalo); bắt đầu sử dụng một số dữ liệu số thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh…

Thành phố đã triển khai các nền tảng Chính quyền điện tử như: Egov Platform; trục tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh (Local Government Service Platform - LGSP) với 41 nhóm dịch vụ API, hơn 20 triệu lượt giao dịch qua LGSP; phần mềm một cửa điện tử; phần mềm quản lý văn bản và điều hành (100% văn bản điện tử được ký số và liên thông); cổng dịch vụ công (với gần 100% dịch vụ trực tuyến, trong đó 86% mức 4; với 180.000 tài khoản điện tử và đăng nhập 1 lần)... Đà Nẵng đưa vào sử dụng 36/37 hợp phần nền tảng đô thị thông minh (Smart City Platform).

Đặc biệt, thành phố triển khai hiệu quả các giải pháp công nghệ phòng, chống Covid-19 như: ứng dụng quản lý, cấp giấy đi đường QR code, ứng dụng quản lý khai báo y tế và kiểm soát ra vào qua QR code, thẻ vé đi chợ QR code, bản đồ dịch tễ CovidMaps, truy vết F1, F2 nhanh qua tổng đài tự động. Về kinh tế số, ngành công nghiệp CNTT có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng (đóng góp 7,5% GRDP thành phố). Hiện Đà Nẵng có 2,1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (đứng thứ hai sau Thành phố Hồ Chí Minh; trung bình cả nước là 0,5 doanh nghiệp chuyển đổi số/1.000 dân); tổng nhân lực CNTT thành phố hơn 40.000 người.

Ở góc độ xã hội số, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động đứng đầu toàn quốc, với tỷ lệ 276 máy/100 dân. Trong đó, thuê bao băng thông rộng di động 173 máy/100 dân; trung bình gần 2 tài khoản mạng xã hội/1 người dân. Trong lĩnh vực văn hóa - du lịch, thành phố đã triển khai ứng dụng quản lý lưu trú trực tuyến để đăng ký và quản lý du khách lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng (web và app mobile); ứng dụng DanangFantasticity cung cấp thông tin du lịch của thành phố Đà Nẵng; ứng dụng chatbot hướng dẫn hỗ trợ du khách tự động; bản đồ số quảng bá các điểm di tích của thành phố Đà Nẵng (https://bandodisandanang.vn/); hệ thống thuyết minh đa ngữ qua QR code trên thiết bị di động. Mới đây, Sở Du lịch công bố ứng dụng VR360 "Một chạm đến Đà Nẵng" (htpp://vr360.danangfantasticity.com)...

Tiếp cận phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển

Theo ông Trần Ngọc Thạch, thành phố đứng ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng về chuyển đổi số cấp tỉnh, thành phố nhưng với giá trị đánh giá là 0,4874 và một số tiêu chí thành phần còn hạn chế. Mới đây, thành phố ban hành Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định 67 mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đo lường đánh giá chuyển đổi số và 130 nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên triển khai để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Vì vậy, để thúc đẩy, phát triển hoạt động chuyển đổi số, ông Thạch cho rằng cần chuyển đổi nhận thức, quán triệt phương châm trong chuyển đổi số. “Nhận thức” là quyết định, “người dân, doanh nghiệp” là trung tâm, “thể chế và công nghệ số” là động lực, “nền tảng số” là đột phá, “an toàn, an ninh thông tin” là then chốt, “chính quyền” là tiên phong, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, thành phố cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, tái cấu trúc, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới mô hình, quy trình hoạt động kết hợp với áp dụng công nghệ số, dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, đề xuất cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox); hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đồng thời, phát triển, hoàn thiện hạ tầng số, dữ liệu số, các nền tảng công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, thành phố thông minh; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực số, thu hút các chuyên gia công nghệ số, nhân lực CNTT chất lượng cao đến làm việc tại thành phố.

Ông Trần Ngọc Thạch cũng đề xuất, thành phố cần chú trọng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, làm chủ công nghệ lõi, phát triển các nền tảng số và sản phẩm “make in Da Nang”, trở thành lực lượng dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành nghề khác chuyển đổi số; khuyến khích hình thành nền kinh tế chia sẻ; từng bước; phát triển hệ sinh thái ứng dụng công nghệ số nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số thiết yếu, thông minh, dễ sử dụng cho người dân, hình thành “công dân số”; triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số, tạo lập niềm tin, hình thành “văn hóa số” trong cộng đồng.

 Theo báo Đà Nẵng

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT