Số hóa bảo tàng
Đăng ngày 07-12-2021 15:57, Lượt xem: 59

Không cần đến tận nơi, mua vé rồi vào xem hiện vật, giờ đây, chỉ với chiếc điện thoại kết nối internet, du khách có thể thưởng thức các tác phẩm của bảo tàng dù ở bất cứ nơi đâu.

Khi truy cập địa chỉ trang web: http//scan3d.danangfantasticity.com, người dân và du khách sẽ bước vào không gian thực tế ảo sống động để tham quan, khám phá Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Tất cả mọi thứ về không gian, màu sắc, hình ảnh đều được tái hiện chính xác 100% khi đưa lên môi trường thực tế ảo.

Không chỉ được nhìn ngắm các mẫu hiện vật, người xem còn được nghe thuyết minh tự động; thông qua phần âm thanh được liên kết, thông tin về nguồn gốc, xuất xứ... của các mẫu hiện vật được truyền tải để hiểu rõ hơn về giá trị của từng hiện vật được trưng bày. Bảo tàng ảo đang có 14 hiện vật tiêu biểu được thuyết minh, như: đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Laskmindra Lokeshvara, đài thờ Đông Dương, tượng thần Vishnu…

Khoảng cách giữa các hiện vật trong bảo tàng với công chúng đã được thu hẹp. Chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể hiện lên trước mắt những kho báu di sản, những cuộc triển lãm chuyên đề, có thuyết minh, âm thanh phụ trợ… Tại Bảo tàng Đà Nẵng, từ đầu tháng 1, bảo tàng chính thức đưa vào sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin Bản đồ di sản số bằng tiếng Việt và tiếng Anh tại địa chỉ trang web: bandodisandanang.vn, giới thiệu thông tin, hình ảnh về hệ thống di tích trên địa bàn thành phố, gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt (thành Điện Hải, danh thắng Ngũ Hành Sơn), một di tích liên tỉnh (Hải Vân quan), 12 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp thành phố.

Ông Trần Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục - truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: “Phần mềm Bản đồ số di sản văn hóa Đà Nẵng được xây dựng nhằm phục vụ công tác khai thác, quảng bá các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố trên mạng internet. Qua phần mềm này, người dùng có cái nhìn tổng quan toàn cảnh về các điểm di tích, danh lam thắng cảnh của thành phố. Ngoài ra, phần mềm còn xây dựng hệ cơ sở dữ liệu chuyên ngành Di sản văn hóa giúp cán bộ quản lý có thể tìm kiếm, tra cứu và khai thác dữ liệu; người dùng mạng internet có thể dễ dàng trong công tác tìm kiếm, tra cứu thông tin về di sản trên địa bàn thành phố”.

Theo đó, chỉ với điện thoại thông minh có kết nối internet, người dân và du khách có thể trải nghiệm không gian tham quan ảo 360 độ, trong đó hiển thị thông tin về di tích dưới dạng hình ảnh, video và nghe thuyết minh trong không gian tham quan ảo 360 độ; hiển thị địa điểm chính xác của di tích trên bản đồ.

Được biết, hiện phần mềm có lượt truy cập ngày càng tăng, đặc biệt là trong thời điểm Covid-19. Tính đến ngày 17-5, lượt truy cập trong tháng là 134 lượt, tăng hơn so với các tháng trước đó. “Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa là xu thế tất yếu, qua đó góp phần quảng bá các điểm di tích trên địa bàn. Ứng dụng mới sẽ cung cấp nguồn dữ liệu phong phú, chính xác về hệ thống di tích cho những ai muốn tìm hiểu, khám phá về lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng”, ông Chuẩn nói.

Những năm gần đây, việc sử dụng công nghệ tại các bảo tàng đang trở thành công cụ hữu hiệu trong việc gắn kết, đặc biệt với giới trẻ. Cũng theo xu hướng này, Bảo tàng Mỹ thuật xây dựng các cuộc triển lãm và cuộc thi trực tuyến nhằm đưa các tác phẩm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Đơn cử, trong năm 2020, Bảo tàng Mỹ thuật tổ chức triển lãm trực tuyến với chủ đề “Đà Nẵng qua đôi mắt người nghệ sĩ”.

Theo đó, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng lần lượt đăng clip giới thiệu đến công chúng 31 tác phẩm sáng tác bằng nhiều chất liệu khác nhau. “Một bộ phận công chúng đã dần quen với thao tác sử dụng công nghệ, qua điện thoại, máy tính để truy cập và thưởng lãm những cuộc trưng bày online, tương tác ảo. Nhiều cuộc triển lãm, người quan tâm chỉ ngồi một chỗ vẫn có thể nhìn ngắm, nghiên cứu về các hiện vật trưng bày trong bảo tàng.

Chúng tôi đang triển khai xây dựng phần mềm quản lý hiện vật tích hợp trên hệ thống website của đơn vị; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuyết minh tự động trên điện thoại thông minh (viết nội dung thuyết minh cho từng tác phẩm, biên tập và dịch thuật qua tiếng Anh - PV) để mang lại cho người xem trải nghiệm ảo nhưng cảm giác thật”, họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha, Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thông tin.

Theo Báo đà Nẵng

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT