Sáng 22-9, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố về tình hình công tác quý 3-2022. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn và lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trần Ngọc Thạch cho biết, qua đo kiểm, thành phố Đà Nẵng là địa phương có tốc độ Internet nhanh nhất Việt Nam với 41,75 Mb/giây (thành phố Cần Thơ xếp thứ 2, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng xếp vị trí thứ 3). Theo Báo cáo của Cục An toàn thông tin, trong năm 2020, 2021, Đà Nẵng liên tiếp xếp hạng A, dẫn đầu về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin.
Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã hoàn thành 7/20 chỉ tiêu của Kế hoạch hành động chuyển đổi số năm 2022 (Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 13-4-2022); 13 chỉ tiêu còn lại đang triển khai thực hiện.
Đặc biệt, thành phố đã triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4. Ngoài các dịch vụ hành chính công, thành phố đã bắt đầu đưa thủ tục ngoài một cửa lên cung cấp trực tuyến mức 4 và chuẩn bị đưa dịch vụ sự nghiệp công lên trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công thành phố.
Cùng với đó, thành phố đã hình thành các cơ sở dữ liệu nền như công dân, doanh nghiệp, nhân khẩu, hộ khẩu, đất đai, cán bộ công chức,... và 560 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Các sở, ngành, quận, huyện đã triển khai Phần mềm cơ sở dữ liệu và quản lý Nhà nước chuyên ngành nhằm mô phỏng toàn bộ hoạt động và hình thành dữ liệu dùng chung trong từng cơ quan.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch báo cáo tại cuộc họp
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, kinh tế số năm 2021 của Đà Nẵng đã đóng góp 12,57% trong tỷ trọng GRDP thành phố. Đến nay, thành phố có 83,14% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 69% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
Đà Nẵng thuộc Top 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử năm 2021 (sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh). Đến nay, đã có hơn 1000 doanh nghiệp và 2.500 sản phẩm tham gia trên Sàn Thương mại điện tử và ứng dụng di động kinh doanh trên môi trường trực tuyến. Hiện, các đơn vị liên quan đang tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển thương mại điện tử thành phố; tổ chức triển khai mô hình Chợ 4.0 thanh toán không tiền mặt tại 03 chợ quy mô cấp thành phố với hơn 1000 tiểu thương tham gia.
Trong năm 2023, thành phố sẽ tiếp tục phát triển mạng di động 5G, hạ tầng IoT phục vụ nền kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh; bảo đảm lộ trình đến năm 2025 hoàn thành phủ sóng mạng 5G tại 50% khu vực dân cư thành phố. Đưa vào vận hành, khai thác Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh (giai đoạn 1) và các Trung tâm điều hành quận huyện; khởi công Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh. Đưa vào vận hành, khai thác Khu Công viên phần mềm số 2; triển khai mở rộng giai đoạn 2 Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng, mở rộng giai đoạn 2 Khu FPT Complex. Xúc tiến, thu hút đầu tư dự án Khu Không gian sáng tạo Đà Nẵng, dự án Trung tâm chia chọn tự động và kho bãi tại Khu Công nghệ thông tin số 2.
Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số; phát triển các nền tảng, sản phẩm Make in Da Nang, thúc đẩy tạo ra thị trường theo hướng dịch vụ phần mềm. Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, kế hoạch phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn thành phố.
Quang cảnh cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố Trần Phước Sơn đề nghị cần sớm triển khai, đưa vào vận hành các Trung tâm giám sát điều hành thông minh, Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh. Công an thành phố và Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông sớm có báo cáo lãnh đạo UBND thành phố về dự án giao thông thông minh.
Sở Tài nguyên và Môi trường cần sớm đề xuất vận hành dự án quan trắc môi trường. Hiện nền tảng quan trắc đã tích hợp dữ liệu của hơn 50 trạm quan trắc môi trường nước, không khí toàn thành phố và 3 trạm quan trắc công trình cầu (cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý). Các sở, ban, ngành, hội, hiệp hội doanh nghiệp cần phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để đo lường kết quả về chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số Lê Trung Chinh phát biểu kết luận cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số Lê Trung Chinh đánh giá cao sự tích cực của các cơ quan, địa phương và kết quả mang lại trong triển khai chuyển đổi số.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị Sở TT&TT sớm có kết luận, hoàn thiện các báo cáo gửi tới các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện để triển khai. Các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện tốt kết luận cuộc họp của Ban chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia.
Ngoài ra, Sở TT&TT rà soát lại tất cả những chương trình, kế hoạch, nền tảng, dự án, chỉ tiêu và đề xuất khó khăn để báo cáo UBND thành phố; đề xuất với Bộ TT&TT những vướng mắc mà thành phố chưa giải quyết được, cần ý kiến của các bộ, ban, ngành. Đồng thời, theo dõi các kết luận của Ban chỉ đạo chuyển đổi số trong quý I và quý II-2022 để bảo đảm kế hoạch.
Đối với các tổ công nghệ số cộng đồng, cần có hỗ trợ, động viên để nhân rộng các mô hình này tại các tổ dân phố. Về Văn phòng chuyển đổi số, cần hoàn thiện quy chế làm việc để văn phòng hoạt động có hiệu quả.
HỒNG QUÂN