Chợ 4.0 – chợ thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kinh doanh, tạo điều kiện để các tiểu thương và người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.
Số hóa chợ truyền thống
Được triển khai từ tháng 4-2022, đến nay trên địa bàn thành phố có 8 chợ: chợ Cồn, Hàn, Đống Đa, An Hải Bắc, Bắc Mỹ An, Cẩm Lệ, Hòa Khánh, Hòa An triển khai mô hình Chợ 4.0 - thanh toán không tiền mặt với gần 1.700 tiểu thương tham gia.
Mô hình Chợ 4.0 do Sở Công Thương phối hợp Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội tại Đà Nẵng (Viettel Đà Nẵng) triển khai. Việc thanh toán tiền mua bán hàng hóa được thực hiện bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, Viettel Đà Nẵng đã xây dựng các điểm nạp/rút trong chợ và xung quanh chợ; trang bị mã VietQR cho hơn 1.700 tiểu thương tại 8 chợ, kết nối với 37 ngân hàng và các ví điện tử tạo tài khoản Viettel Money để hỗ trợ tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến.
Khách hàng thanh toán tiền bằng cách quét mã QR-Code khi mua hàng tại chợ Cồn
Ông Đàm Văn Tẩu – Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển chợ Đà Nẵng cho biết, mô hình chợ 4.0 nhận được những phản hồi rất tích cực từ tiểu thương và khách hàng, đặc biệt là khách du lịch.
“Trong mùa cao điểm du lịch vừa qua, khi thành phố đón lượng lớn khách du lịch thì mô hình chợ 4.0 là một những điểm nhấn mang đến sự tiện lợi và yên tâm khi cho du khách. Bởi khi đến chợ tham quan, mua sắm, du khách không cần phải đem theo quá nhiều tiền mặt chỉ mà cần mang theo một chiếc điện thoại thông minh để thanh toán tiền mua hàng”.
Bà Huỳnh Thị Kim Cương (Tiểu thương chợ Cồn) cho biết: "Việc quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money rất tiện, nhất là khi mua bán với khách du lịch vì thường du khách rất ngại khi phải mang theo nhiều tiền trong người. Người mua chuyển tiền vào tài khoản mình, mình thanh toán tiền hàng qua ứng dụng luôn nên rất nhanh".
Theo Viettel Đà Nẵng, từ những phản hồi tích cực của tiểu thương và người tiêu dùng, dự kiến trong những tháng cuối năm 2022, sẽ có thêm 8 chợ áp dụng mô hình chợ 4.0. Đồng thời, đơn vị sẽ triển khai 3 tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt gồm: Lê Thanh Nghị, Hùng Vương, Phan Đăng Lưu.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong kinh doanh, buôn bán
Theo Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đặt mục tiêu đến hết năm 2025, tối thiểu 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử. Doanh số thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp - khách hàng) chiếm ít nhất 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố.
Đến năm 2030, tối thiểu 80% dân số tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến; 100% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử; doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm ít nhất 30% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố.
Sự phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số
Hiện nay, sự phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu nói trên.
Theo thống kê, Đà Nẵng có tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động đứng đầu toàn quốc với tỷ lệ 276 máy/100 dân; 105 máy điện thoại thông minh /100 dân; trung bình gần 2 tài khoản mạng xã hội/1 người dân. Số tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác của người từ 15 tuổi trở lên là hơn 2,3 triệu tài khoản.
Số liệu đánh giá của Bộ TT&TT năm 2021 cho thấy, Đà Nẵng có 95,84% hộ gia đình có người có điện thoại thông minh; 45,77% hộ gia đình có địa chỉ số; 59,53% người dân có kỹ năng số.
Đây chính là những điều kiện hết sức thuận lợi để Đà Nẵng thực hiện thành công mô hình chợ 4.0, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh mua bán, hình thành thói quen thanh toán trực tuyến của người dân và du khách, xây dựng chợ truyền thống văn minh, hiện đại.
THANH THẢO