Di tích cấp tỉnh, thành phố
-
Đình Xuân Thiều: Giá trị văn hóa - lịch sử đáng quý.
Đình làng Xuân Thiều tọa lạc ở tổ 39, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng. Đình được xây dựng từ năm Ất Dậu đời vua Minh Mạng (1825). Trải qua gần 200 năm lịch sử, ngôi đình đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử xảy ra trên mảnh đất này. Đình Xuân Thiều ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn như lần trùng tu năm Tân Sửu 1961. Các cột gỗ được thay thế bằng các cột bê tông, mái vẫn lợp ngói âm dương. Trên nóc là hình lưỡng long chầu nguyệt, ở 2 bên tả vu và hữu vu có 2 bàn thờ, phía trên của 2 hương án đó là 2 bức tranh đắp nổi hình các con vật là hổ và rồng người xưa hay gọi ‘‘Tả Thanh Long hữu bạch hổ" nhằm canh giữ sự bình yên cho làng. Trên xà cò (đòn đông hạ) của đình có khắc hàng chữ nho: “Minh Mạng Ất Dậu niên tiền nhơn cấu tạo, Chí Tự Đức Đinh Sửu niên tiền nhơn tái tạo chí Khải Định Canh Thân quý hạ tái tạo’’
-
Đình làng Mân Quang, Thọ Quang
Năm 1471, niên hiệu Hồng Đức nhị niên đời Hoàng đế Lê Thánh Tông, thể theo chiếu khuyến khích Nam tiến của vua Lê lên đường mở mang bờ cõi, dựng xây và phát triển kinh tế vững bền, lục tộc tiền hiền gồm : Lê, Trần, Võ, Thái, Nguyễn, Đinh từ Bắc Hà và Thanh - Nghệ di dân vào Nam an, sở nghiệp trên vùng đất phía Nam bán đảo Sơn Trà, thuộc xứ Nam Long, tiểu xứ Bà Chờ, khai khẩn tạo lập nên làng Vĩnh Yên, sau cải danh làng Mân Quang. Cùng với việc lập làng, đình làng Mân Quang được xây dựng từ đó. Mới đầu Đành làng được làm bằng tranh tre và về sau, trải qua các đợt trùng tu đã xây dựng bề thế nhưng vẫn giữ được nét cổ kính. Đình có diện tích 120m2, mái lợp ngói âm dương, tường xây bằng gạch, trên mái đình trang trí hình ảnh “Lưỡng Long chầu nguyệt”, hai đầu mái đắp hình rồng uốn lượn, được ghép bằng sành sứ. Bên trong đình chia làm 3 gian, 2 chái thờ thần Hoàng bổn xứ, các vị tiền nhân của làng, trong đó có vong linh những nghĩa quân, những liệt sĩ đã hy sinh tại đình qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày hội của làng.