Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2022
Đăng ngày 15-12-2022 10:40, Lượt xem: 70

Bổ sung đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ; Tiêu chuẩn giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần; Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Văn phòng nước ngoài được thuê nhà theo chính sách ưu đãi đặc biệt… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2022.

Bổ sung đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ

Có hiệu lực từ ngày 01/12/2022, Thông tư số 08/2022/TT-BNV sửa đổi Thông tư số 14/2019/TT-BNV quy định tặng Kỷ niệm chương (KNC) về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ.

Theo đó, bổ sung 02 đối tượng được xét tặng KNC là:

- Công dân có công lao đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển chung của Bộ Nội vụ hoặc một trong các ngành, lĩnh vực: Tổ chức nhà nước; Thi đua, khen thưởng; Tín ngưỡng, Tôn giáo; Văn thư, Lưu trữ;

- Các trường hợp khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Bên cạnh đó, Thông tư số 08/2022/TT-BNV sửa đổi, bổ sung 3 loại Kỷ niệm chương, gồm: Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành Tổ chức nhà nước”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quản lý nhà nước về Tín ngưỡng, Tôn giáo”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn thư, Lưu trữ”.

Ngoài ra, Thông tư số 08/2022/TT-BNV cũng quy định số lượng hồ sơ đề nghị xét tặng KNC gửi về Bộ Nội vụ như sau:

- Hồ sơ đề nghị xét tặng KNC "Vì sự nghiệp ngành Tổ chức nhà nước": 01 bộ;

- Hồ sơ đề nghị xét tặng KNC "Vì sự nghiệp Thi đua, Khen thưởng", "Vì sự nghiệp Quản lý nhà nước về Tín ngưỡng, Tôn giáo", "Vì sự nghiệp Văn thư, Lưu trữ": 02 bộ.

Ngoài hồ sơ bản giấy, phải gửi kèm thêm hồ sơ điện tử (ở định dạnh “.doc” hoặc “.docx” đối với Tờ trình, danh sách; ở định dạng “.pdf” đối với báo cáo thành tích và các hồ sơ khác có liên quan; trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật Nhà nước).

Cũng theo Thông tư số 08/2022/TT-BNV, Văn phòng Bộ Nội vụ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị của các đơn vị, báo cáo Thường trực Hội đồng Thi đua, khen thưởng Bộ Nội vụ xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị khen thưởng đầy đủ, đúng quy định của các đơn vị.

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Từ ngày 12/12/2022, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 88/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sai tên gọi theo quyết định thành lập, cho phép thành lập, quyết định đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quyết định thành lập, cho phép thành lập, quyết định chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phân hiệu của trường cao đẳng, trường trung cấp, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, Nghị định số 88/2022/NĐ-CP cũng quy định nếu công khai không đầy đủ các nội dung về tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định về thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp bị phạt tới 20 triệu đồng.

Đồng thời, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp bị phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong thời gian bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Tiêu chuẩn giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần

Có hiệu lực từ ngày 15/12/2022, Thông tư số 11/2022/TT-BYT của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần.

Theo đó, tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y được quy định tại Thông tư số 11/2022/TT-BYT như sau: Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo quy định tại Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học phù hợp với mỗi lĩnh vực giám định; Có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ giám định pháp y do Viện Pháp y Quốc gia cấp; Có thời gian thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 5 năm trở lên. Trường hợp đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 3 năm trở lên.

Cũng theo Thông tư số 11/2022/TT-BYT, việc bổ nhiệm giám định viên pháp y tâm thần phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau: Là bác sĩ thuộc ngành đào tạo y đa khoa đã được cấp Chứng chỉ hoặc Giấy chứng nhận đào tạo chuyên môn về tâm thần từ 6 tháng trở lên tại cơ sở đào tạo có chức năng đào tạo chuyên ngành tâm thần; hoặc bác sĩ đã được cấp văn bằng đào tạo sau đại học chuyên khoa tâm thần (Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ chuyên khoa II, Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ, Tiến sĩ); Phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ giám định pháp y tâm thần do Viện Pháp y tâm thần Trung ương hoặc Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa cấp; Phải có thời gian thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo theo quy định tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ đủ 5 năm trở lên. Trường hợp đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y tâm thần thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 3 năm trở lên.

Văn phòng nước ngoài được thuê nhà theo chính sách ưu đãi đặc biệt

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 90/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.

Theo đó, đối với các cơ sở nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ đối ngoại đang cho thuê theo Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) theo quy định của pháp luật trước ngày 15/12/2022 thì tiếp tục thực hiện theo Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) đã ký. Sau khi hết thời hạn thuê hoặc chấm dứt Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) trước thời hạn đã ký thì việc cho thuê nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định tại Nghị định số 90/2022/NĐ-CP.

Nghị định số 90/2022/NĐ-CP cũng quy định rõ việc quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại áp dụng đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài được thuê theo chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ xem xét, quyết định cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài được thuê nhà, đất theo chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với từng trường hợp cụ thể đảm bảo theo giá thị trường, phù hợp với quan hệ đối ngoại, đảm bảo lợi ích của Nhà nước đối với từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, đơn vị được giao trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại được miễn tiền thuê đất đối với diện tích nhà, đất phục vụ đối ngoại cho các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê và việc miễn tiền thuê đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được quyền xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho đối tượng không phải tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê.  Việc cho thuê thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản sửa đổi (nếu có).

Nghị định số 90/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2022 và bãi bỏ Quyết định số 56/2014/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT