Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2023
Đăng ngày 23-03-2023 06:03, Lượt xem: 75

Triển khai cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử; Bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính; Danh mục, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường thủy, quản lý dự án đường bộ và quản lý dự án đường sắt; Quy định điều kiện thành lập Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2023.

Triển khai cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử

Từ 1/3/2023, Bộ Công an và Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đây là một bước cải tiến mới nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước. Hộ chiếu điện tử không chỉ lưu trữ các thông tin được viết trên giấy như: họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch… mà còn có khả năng lưu trữ các thông tin sinh trắc học của con người như vân tay, mống mắt, khuôn mặt, nhóm máu…

Hộ chiếu gắn chíp điện tử có tính bảo mật thông tin cao, toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.  Để phân biệt với hộ chiếu không gắn chíp điện tử, ở trang bìa đầu tiên của cuốn hộ chiếu có gắn chíp điện tử có biểu tượng chíp điện tử. Đồng thời, chíp điện tử được đặt tại trang bìa sau của cuốn hộ chiếu để lưu trữ thông tin nhân thân và thông tin sinh trắc học của người được cấp hộ chiếu (gồm ảnh mặt, vân tay…) và chữ ký số của cơ quan cấp hộ chiếu.

Theo Bộ Công an, chip điện tử gắn trên hộ chiếu mẫu mới chỉ đơn thuần lưu trữ thông tin, hoàn toàn không có việc định vị theo dõi người được cấp hộ chiếu.

Bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BTC hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính.

Theo đó, từ ngày 31/3/2023, Thông tư số 11/2023/TT-BTC quy định cơ cấu Hội đồng quản lý gồm: Đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập; đại diện tổ chức, đơn vị liên quan.

Số lượng thành viên Hội đồng quản lý từ 05 đến 11 người, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý. Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý của từng đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định.

Đồng thời, Thông tư số 11/2023/TT-BTC tiêu chuẩn của thành viên HĐQL quy định như sau: Có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và ý thức kỷ luật tốt; Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao; Có trình độ từ đại học trở lên; Không trong thời gian chấp hành quyết định kỷ luật hoặc trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định và độ tuổi đảm bảo để đủ tuổi công tác ít nhất 01 nhiệm kỳ (05 năm).

Đối với Chủ tịch HĐQL, ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn của thành viên HĐQL nêu trên thì còn phải có kinh nghiệm quản lý hoặc chuyên môn về lĩnh vực hoạt động của ĐVSN công lập. Chủ tịch và các thành viên khác của HĐQL do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của ĐVSN công lập bổ nhiệm.

Danh mục, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông

Có hiệu lực từ 17/3/2023, Thông tư số 01/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực TT&TT tại chính quyền địa phương.

Cụ thể, Thông tư số 01/2023/TT-BTTTT nêu rõ danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực TT&TT tại chính quyền địa phương bao gồm lĩnh vực: Báo chí; Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; Xuất bản, In và Phát hành; Bưu chính; Công nghệ thông tin.

Cũng theo Thông tư số 01/2023/TT-BTTTT, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 03 năm (36 tháng) đến 05 năm (đủ 60 tháng) không bao gồm thời gian tập sự, thử việc và thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định.

Xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường thủy, quản lý dự án đường bộ và quản lý dự án đường sắt

Có hiệu lực từ ngày 1/3/2023, Thông tư số 43/2022/TT-BGTVT ngày 30/12/2022, Thông tư số 46/2022/TT-BGTVT ngày 30/12/2022, Thông tư số 49/2022/TT-BGTVT ngày 30/12/2022 của Bộ Giao thông vận tải quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường thủy; quản lý dự án đường bộ và quản lý dự án đường sắt.

Theo đó, việc xếp lương với viên chức chuyên ngành quản lý dự án đường thủy, đường bộ và đường sắt như sau:

- Chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án đường thủy/đường bộ/đường sắt hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án đường thủy/đường bộ/đường sắt hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án đường thủy/đường bộ/đường sắt hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Chức danh nghề nghiệp Quản lý dự án đường thủy/đường bộ/đường sắt hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.

Quy định điều kiện thành lập Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện có hiệu lực từ ngày 31/3/2023.

Theo đó, việc thành lập chi cục thuộc Sở NN&PTNT (bao gồm cả tổ chức bên trong) phải phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành và đáp ứng đủ tiêu chí thành lập theo quy định tại Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020.

- Trường hợp thành lập chi cục quản lý chuyên ngành thuộc Sở thì thực hiện sắp xếp các tổ chức cấp phòng của chi cục theo đúng tiêu chí quy định tại Nghị định 107/2020/NĐ-CP;

- Trường hợp không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập chi cục hoặc đủ tiêu chí nhưng không cần thiết thành lập chi cục thì Sở NN&PTNT báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại các chi cục thuộc Sở hoặc tổ chức phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở để thực hiện nhiệm vụ về ngành, lĩnh vực đó.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chi cục thuộc Sở NN&PTNT được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư sô 30/2022/TT-BNNPTNT .

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT