Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2015
Quy định mới về thời hạn đăng tải Văn bản pháp luật trên CSDL Quốc gia về pháp luật; danh mục và thời hạn thu hồi tất cả rác thải điện tử; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; quy định mới về quản lý chất lượng và bảo trì công trình; điều kiện cho phép đầu tư cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2015.

Văn bản pháp luật phải được cập nhật, đăng tải trên CSDL Quốc gia về pháp luật trong 17 ngày
Đây là nội dung quy định tại Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/05/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về pháp luật, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/07/2015.

Theo đó, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành hoặc ngày ký xác thực, bản giấy và bản điện tử văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hợp nhất phải được gửi đến đơn vị thực hiện việc cập nhật văn bản. Trong 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản nêu trên, đơn vị thực hiện việc cập nhật phải đăng tải văn bản trên CSDL quốc gia về pháp luật.

Riêng đối với văn bản quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và văn bản có hiệu lực kể từ ngày công bố hoặc ngày ký ban hành, phải được gửi ngay đến đơn vị thực hiện việc cập nhật ban hành trong ngày công bố hoặc ngày ký ban hành và được đăng tải trên CSDL quốc gia về pháp luật trong thời hạn 02 ngày làm việc.

Nghị định cũng nhấn mạnh, CSDL quốc gia về pháp luật phải bảo đảm quyền được tiếp cận, khai thác, sử dụng văn bản của các tổ chức, cá nhân; bảo đảm việc tìm kiếm, khai thác văn bản được thuận tiện. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khai thác, sử dụng miễn phí văn bản trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật nhưng phải tuân thủ các quy định về khai thác, sử dụng văn bản trên cơ sở dữ liệu và các quy định của pháp luật hiện hành về sử dụng thông tin trên mạng.

Thu hồi tất cả rác điện tử

Ngày 22 tháng 5 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg, theo đó, bắt đầu từ 1/7/2016 sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thải bỏ là ắc quy và pin các loại; một số thiết bị điện, điện tử; dầu nhớt, săm, lốp các loại. Sản phẩm thải bỏ được hiểu là chất thải có nguồn gốc từ sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải bỏ sau quá trình sử dụng.

Cũng từ thời điểm này, sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thiết bị điện, điện tử thải bỏ như bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; máy vi tính (để bàn; xách tay); màn hình máy vi tính; cục CPU (bộ vi xử lý của máy tính); máy in; máy fax; máy quét hình (scanner); máy chụp ảnh; máy quay phim; máy điện thoại di động; máy tính bảng; đầu đĩa DVD; VCD; CD và các loại đầu đọc băng, đĩa khác; máy sao chụp giấy (photocopier); ti vi; tủ lạnh; máy điều hòa nhiệt độ; máy giặt.

Với phương tiện giao thông là xe mô tô, xe gắn máy các loại, xe ô tô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ 1/1/2018.

Quyết định nêu rõ, nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam; thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình; khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất; tiếp nhận để xử lý những sản phẩm thải bỏ của mình đã đưa ra thị trường do nhà sản xuất khác thu hồi được khi có yêu cầu;...

Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm thải bỏ theo các hình thức: Tự chuyển đến điểm thu hồi; chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ;...

Cơ sở phân phối có trách nhiệm phối hợp với nhà sản xuất thiết lập điểm thu hồi và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại cơ sở của mình theo đề nghị của nhà sản xuất; lưu giữ các sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi theo quy định;...

Quyết định có hiệu lực từ 15/7/2015 và thay thế cho Quyết định 50/2013/QĐ-TTg ngày 9/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải.

Hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

Ngày 05/5/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Cụ thể:

Về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện vận tải, Quyết định quy định:

- Miễn thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện thuộc loại trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Về  cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải, Quyết định cũng quy định:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như miễn tiền vé đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng; giảm giá vé đối với người có công với cách mạng, người cao tuổi, học sinh, sinh viên là công dân Việt Nam.

- Ưu tiên xây dựng mô hình Trung tâm quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ xe buýt tại các địa phương.

Quy định mới về quản lý chất lượng và bảo trì công trình 

Từ ngày 01/7/2015, việc quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015. Cụ thể:

Nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng thiết bị chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về việc bảo hành đối với phần công việc do mình thực hiện. Thời gian bảo hành đối với hạng mục công trình, công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp được tính kể từ khi nghiệm thu được quy định như sau:

- Không ít hơn 24 tháng đối với công trình, hạng mục công trình cấp đặc biệt và cấp I

-  Không ít hơn 12 tháng đối với các công trình, hạng mục công trình cấp còn lại;

- Riêng đối với nhà ở, thời gian bảo hành theo quy định của pháp luật về nhà ở. 

Thời gian bảo hành đối với các thiết bị công trình, thiết bị công nghệ được xác định theo hợp đồng xây dựng nhưng không ngắn hơn thời gian bảo hành theo quy định của nhà sản xuất và được tính kể từ khi nghiệm thu hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị.  Đối với các hạng mục công trình trong quá trình thi công có khiếm khuyết về chất lượng hoặc xảy ra sự cố đã được nhà thầu sửa chữa, khắc phục thì thời gian bảo hành của các hạng mục công trình này có thể kéo dài hơn trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ đầu tư với nhà thầu thi công xây dựng trước khi được nghiệm thu.

Đối với công trình sử dụng vốn nhà nước, mức tiền bảo hành tối thiểu được quy định như sau:

- 3% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt và cấp I;

- 5% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp còn lại;

Sự cố công trình xây dựng được phân thành ba cấp theo mức độ hư hại công trình và thiệt hại về người như sau:

- Cấp I gồm: Sự cố công trình xây dựng làm chết từ 6 người trở lên; sập, đổ hoặc hư hỏng có nguy cơ gây sập, đổ công trình, hạng mục công trình cấp I trở lên.

- Cấp II gồm: Sự cố công trình xây dựng làm chết từ 1 đến 5 người; sập, đổ hoặc hư hỏng có nguy cơ gây sập, đổ công trình, hạng mục công trình cấp II, cấp III.

- Các sự cố công trình xây dựng còn lại được xem là sự cố cấp III.

Điều kiện cho phép đầu tư cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài


Theo Nghị định 48/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp thì Dự án đầu tư thành lập Trung tâm giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư ít nhất 60 triệu đồng/người học (không bao gồm chi phí sử dụng đất). Đối với dự án đầu tư thành lập Trường Trung cấp, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư ít nhất 100 triệu đồng/người học (không bao gồm chi phí sử dụng đất).

Thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm tính từ ngày cho phép thành lập. Trong trường hợp cần thiết, Chỉnh phủ quyết định thời hạn dài hơn, nhưng không quá 70 năm.

Ngoài ra, theo Nghị định 48/2015/NĐ-CP điều kiện về ngoại ngữ giảng dạy và học tập chương trình liên kết đào tạo để cấp văn bằng nước ngoài như sau:

Đối với nhà giáo giảng dạy: phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình nhưng không thấp hơn bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (trình độ C1) hoặc tương đương.

Đối với người vào học: ít nhất phải có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (trình độ B1) hoặc tương đương.

Cơ sở đào tạo có thể đào tạo cho người học đạt trình độ này trước khi dạy chính khóa.

 

KHÁNH VÂN
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT