Chính sách mới về doanh nghiệp tháng 12/2015
Quy định về tái cấp vốn của các tổ chức tín dụng; Hướng dẫn giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Tài khoản Tiền mặt trong Hệ thống tài khoản kế toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN); Thủ tục phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; Hình thức lựa chọn nhà thầu khai thác dầu khí; Chế độ báo cáo giám sát tài chính với DN có vốn Nhà nước; Quy định mới về mẫu con dấu doanh nghiệp; Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không được góp vốn đầu tư bất động sản là những chính sách mới về doanh nghiệp có hiệu lực tháng 12/2015.
Quy định về tái cấp vốn của các tổ chức tín dụng
Ngày 22/10/2015, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành Thông tư số 18/2015/TT-NHNN về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam.
Theo đó, quy định về tái cấp vốn với các TCTD này như sau:
- Lãi suất tái cấp vốn:
+ Lãi suất tái cấp vốn đối với TCTD do Thủ tướng quyết định.
+ Lãi suất tái cấp vốn quá hạn bằng 150% lãi suất tái cấp vốn ghi trên hợp đồng tín dụng giữa NHNN và TCTD.
- Thời hạn tái cấp vốn dưới 01 năm nhưng không quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt.
- Gia hạn tái cấp vốn:
+ NHNN xem xét, quyết định gia hạn tái cấp vốn đối với TCTD, tuân thủ các quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Thông tư này.
+ Thời gian gia hạn mỗi lần không vượt quá thời hạn tái cấp vốn lần đầu của khoản tái cấp vốn đó và không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt.
Thông tư số 18/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 và thay thế Thông tư số 20/2013/TT-NHNN .
Hướng dẫn giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Bộ Kế hoạch Đầu tư đã ban hành Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 hướng dẫn kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu như sau:
- Được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án.
Trường hợp dự toán đã được phê duyệt trước khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì căn cứ dự toán để lập giá gói thầu.
- Được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.
- Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, không phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng được tính bằng không.
- Được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết.
- Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nghiên cứu khả thi, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin về giá trung bình các dự án; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư.
- Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì nêu rõ giá trị ước tính của từng phần.
Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 và thay thế Thông tư số 02/2009/TT-BKH .
Tài khoản Tiền mặt trong Hệ thống tài khoản kế toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN)
Theo Thông tư số 19/2015/TT-NHNN về Hệ thống tài khoản kế toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Tài khoản 102 - Tiền mặt được quy định như sau:
- Tài khoản này phản ánh tình hình thu, chi, tồn quỹ tiền mặt bằng đồng Việt Nam tại các đơn vị NHNN không quản lý Quỹ nghiệp vụ phát hành; phản ánh tình hình về ngoại tệ tại quỹ hay đang vận chuyển tại các đơn vị NHNN.
- Hạch toán tài khoản này phải thực hiện như sau:
+ Khi tiến hành nhập, xuất của quỹ tiền mặt phải có phiếu nhập/ xuất kho, phiếu thu, phiếu chi và chứng từ có liên quan hợp pháp, hợp lệ theo quy định.
+ Tại bộ phận quỹ, thủ quỹ mở sổ quỹ theo dõi theo từng loại tiền tệ để hạch toán các khoản thu, chi trong ngày và tồn quỹ cuối ngày.
Hàng ngày, thủ quỹ phải kiểm kê số tồn quỹ tiền mặt thực tế; đối chiếu với số liệu trên sổ quỹ và sổ kế toán tương ứng. Nếu có chênh lệch, phải kiểm tra để xác định nguyên nhân.
Việc xử lý số chênh lệch thực hiện theo quy định hiện hành.
Thông tư số 19/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.
Thủ tục phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu
Theo Thông tư số 39/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, trình tự thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn công do Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn quản lý quy định như sau:
- Bên mời thầu nộp 02 bộ hồ sơ trình duyệt trực tiếp tại văn thư hoặc bộ phận một cửa hoặc gửi theo đường bưu điện đến chủ đầu tư.
- Thành phần hồ sơ trình duyệt theo điểm a khoản 2, 3, 4 Điều 106 Nghị địnhsố 63/2014/NĐ-CP.
- Chủ đầu tư giao một tổ chức, cá nhân trực thuộc hoặc lựa chọn một tổ chức tư vấn có đủ năng lực để thẩm định, lập cáo cáo thẩm định và dự thảo quyết định trình chủ đầu tư phê duyệt:
+ Kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển.
+ Danh sách nhà thầu đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật.
+ Kết quả lựa chọn nhà thầu theo điểm b, c khoản 2, 3, 4 Điều 106 Nghị địnhsố 63/2014/NĐ-CP .
- Thời hạn giải quyết theo điểm g, h, k khoản 1 Điều 12 Luật Đấu thầu.
- Quyết định phê duyệt các hồ sơ trên trả trực tiếp hoặc gửi bưu điện cho Bên mời thầu và các cơ quan liên quan.
Thông tư số 39/2015/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ 10/12/2015.
Hình thức lựa chọn nhà thầu khai thác dầu khí
Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 hướng dẫn Luật Dầu khí.
Theo đó, các hình thức lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí bao gồm:
- Đấu thầu rộng rãi: được áp dụng trên nguyên tắc cạnh tranh quốc tế và không qua bước sơ tuyển.
Mọi tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị định này đều được tham gia dự thầu.
- Chào thầu cạnh tranh: được áp dụng trong trường hợp lô dầu khí không nằm trong kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt và có tối thiểu 02 tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định này quan tâm và đề xuất ký hợp đồng dầu khí.
- Chỉ định thầu: được áp dụng khi Thủ tướng Chính phủ quyết định trong các trường hợp sau:
+ Lô dầu khí chỉ có một tổ chức, cá nhân hoặc liên danh nhà thầu dầu khí có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định này quan tâm và đề xuất ký hợp đồng dầu khí.
+ Trường hợp đặc biệt liên quan đến chủ quyền quốc gia, biên giới, hải đảo.
Nghị định số 95/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.
Chế độ báo cáo giám sát tài chính với DN có vốn Nhà nước
Theo Nghị định số 87/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2015, chế độ báo cáo giám sát tài chính đối với DN có vốn Nhà nước (NN) được quy định như sau:
- Đối với DN do NN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ:
Định kỳ 06 tháng và hằng năm, Người đại diện vốn NN tại DN lập báo cáo giám sát tài chính theo các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 33 Nghị định này.
Đồng thời, gửi cơ quan đại diện CSH và cơ quan tài chính cùng cấp. Cụ thể:
+ Bộ Tài chính đối với DN cổ phần hóa, chuyển đổi từ tập đoàn kinh tế, tổng công ty NN, DN cổ phần hóa, chuyển đổi thuộc Bộ.
+ Sở Tài chính đối với DN cổ phần hóa, chuyển đổi từ DN thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Đối với DN do NN nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ:
Định kỳ hằng năm, Người đại diện lập báo cáo giám sát tài chính theo các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 33 và gửi cơ quan đại diện CSH.
Thời hạn gửi báo cáo giám sát này thực hiện theo quy định của cơ quan đại diện CSH.
Nghị định số 87/2015/NĐ-CP áp dụng cho năm tài chính 2016 trở đi, thay thế Nghị định số 61//2013/NĐ-CP .
Quy định mới về mẫu con dấu doanh nghiệp
Từ ngày 08/12/2015, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp (DN) 2014 có hiệu lực.
Theo đó, quyền quyết định số lượng, hình thức, nội dung, mẫu con dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu trừ trường hợp Điều lệ công ty (CT) có quy định khác thuộc về:
- Chủ DN tư nhân với DN tư nhân.
- Hội đồng thành viên (HĐTV) với CT hợp danh.
- HĐTV hoặc Chủ tịch CT với CT trách nhiệm hữu hạn.
- Hội đồng quản trị với CT cổ phần.
Nội dung Điều lệ hoặc Quyết định về con dấu DN phải bao gồm:
- Mẫu con dấu, gồm: Hình thức, kích cỡ, nội dung, mầu mực dấu.
- Số lượng con dấu.
- Quy định về quản lý, sử dụng con dấu.
Mẫu con dấu DN được thể hiện dưới một hình thức cụ thể (hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác).
Mỗi DN có một con dấu thống nhất về nội dung, hình thức, kích thước.
Mã số DN, tên DN trong nội dung mẫu con dấu thực hiện theo Điều 30 và Điều 38 Luật DN 2014.
DN có thể bổ sung thêm ngôn ngữ, hình ảnh khác vào nội dung mẫu con dấu trừ trường hợp quy định tại Điều 14 Nghị định này.
Nghị định số 96/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 102/2010/NĐ-CP .
Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không được góp vốn đầu tư bất động sản
Đó là nội dung quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.
Theo đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được quyền sử dụng tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng của DN để đầu tư ra ngoài nhưng phải đảm bảo:
- Tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.
- Không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ DNNN có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo Luật Kinh doanh bất động sản).
- Không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng.
Nếu DNNN đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng cho phép đầu tư thì phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.
Nghị định số 91/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 71/2013/NĐ-CP và Nghị định số 09/2009/NĐ-CP .
KIM TUẤN