Các loại giấy tờ CSGT sẽ kiểm tra khi dừng xe; Tăng mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc; Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành công tác dân tộc; Mức chi hỗ trợ cho người hiến máu tình nguyện… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 9/2023.
Các loại giấy tờ CSGT sẽ kiểm tra khi dừng xe
Có hiệu lực từ ngày 15/9/2023, Thông tư số 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông
Theo đó, Thông tư số 32/2023/TT-BCA quy định Cảnh sát giao thông được dừng xe kiểm tra giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, bao gồm:
- Giấy phép lái xe;
- Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;
- Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe);
- Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định);
- Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
- Giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định (sau đây gọi chung là giấy tờ).
Đặc biệt, khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.
Tăng mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 11/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng cho cán bộ cấp xã già yếu đã nghỉ việc.
Cụ thể, tăng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng cho cán bộ xã già yếu như sau:
Trợ cấp hằng tháng = Mức trợ cấp hưởng tháng 6/2023 x 1,125
Sau khi điều chỉnh, nếu mức trợ cấp của cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc thấp hơn 03 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh như sau:
- Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng dưới 2.700.000 đồng/tháng/người.
- Tăng lên bằng 03 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2.700.000 đồng - dưới 3.000.000 đồng/người/tháng.
Do đó, các đối tượng cụ thể được điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng làm tròn số như sau:
- Nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 3.000.000 đồng/tháng/người.
- Các chức danh còn lại: 2.817.000 đồng/tháng/người.
Thông tư số 11/2023/TT-BNV cũng ghi rõ, đối tượng được điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng theo Thông tư số 11/2023/TT-BNV là cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130-CP năm 1975 và Quyết định 111-HĐBT năm 1981.
Thông tư số 11/2023/TT-BNV có hiệu lực từ 15/9/2023.
Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành công tác dân tộc
Uỷ ban dân tộc vừa ban hành Thông tư số 01/2023/TT-UBDT hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành công tác dân tộc trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực công tác dân tộc.
Theo đó, có 03 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành công tác dân tộc từ ngày 15/9/2023 bao gồm:
- Chuyên viên cao cấp về công tác dân tộc (Cấp Trung ương).
- Chuyên viên chính về công tác dân tộc (Cấp Trung ương, cấp tỉnh).
- Chuyên viên về công tác dân tộc (Cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện).
Theo Thông tư số 01/2023/TT-UBDT, để trở thành Chuyên viên về công tác dân tộc cần phải đáp ứng các điều kiện về trình độ như sau:
- Trình độ đào tạo: Tốt nghiệp đại học trở lên có chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn đảm nhiệm; Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của ngạch chuyên viên hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số; Bồi dưỡng, chứng chỉ: Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương;
- Kinh nghiệm: Nắm được phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số;
- Phẩm chất cá nhân: Tuyệt đối trung thành, tin tưởng, nghiêm túc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan; Tinh thần trách nhiệm với công việc với tập thể, phối hợp công tác tốt Trung thực, kiên định, biết lắng nghe; Điềm tĩnh, cẩn thận; Khả năng đoàn kết nội bộ
Thông tư số 01/2023/TT-UBDT cũng quy định các yêu cầu khác như sau: Có khả năng, đề xuất những giải pháp giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tổ chức.
Thông tư số 01/2023/TT-UBDT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2023.
Mức chi hỗ trợ cho người hiến máu tình nguyện từ 15/9/2023
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 15/2023/TT-BYT quy định về giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.
Theo đó, Thông tư số 15/2023/TT-BYT quy định mức chi cho người hiến máu tình nguyện không lấy tiền cụ thể như sau:
- Người hiến máu toàn phần tình nguyện có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu như sau: Một đơn vị máu thể tích 250 ml: 100.000 đồng; Một đơn vị máu thể tích 350 ml: 150.000 đồng; Một đơn vị máu thể tích 450 ml: 180.000 đồng.
- Người hiến tình nguyện gạn tách các thành phần máu có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu như sau: Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ 250 đến 400 ml: 150.000 đồng; Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 400 đến 500 ml: 200.000 đồng; Một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 500 đến 650 ml: 250.000 đồng.
Thông tư số 15/2023/TT-BYT cũng quy định mức chi hỗ trợ chi phí đi lại đối với người hiến máu tình nguyện với mức chi bình quân tối đa là 50.000 đồng/người/lần hiến máu.
Đồng thời, Thông tư số 15/2023/TT-BYT cũng hướng dẫn chi quà tặng bằng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Trường hợp chi quà tặng bằng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thủ trưởng đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm công khai danh mục các dịch vụ và mức giá của từng dịch vụ để người hiến máu lựa chọn bảo đảm nguyên tắc: Tổng mức giá của các dịch vụ phải tương đương với mức chi quà tặng; Trường hợp tổng mức giá của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn thấp hơn mức chi quà tặng thì đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm chi bổ sung quà tặng bằng hiện vật bảo đảm đủ mức chi quà tặng theo quy định;
Trường hợp tổng mức giá của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn cao hơn mức chi quà tặng: Đơn vị tiếp nhận máu được thu thêm phần chênh lệch giữa tổng mức giá của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn với mức chi quà tặng được nhận đồng thời có trách nhiệm giải thích công khai để người hiến máu hiểu và thực hiện.
Trường hợp phần chi phí vượt của các dịch vụ mà người hiến máu lựa chọn không quá 10% mức chi quà tặng được nhận thì thủ trưởng đơn vị tiếp nhận máu có thể quyết định sử dụng nguồn thu từ hoạt động cung cấp máu, chế phẩm máu để chi và quyết toán theo thẩm quyền.
Mức giá của các dịch vụ trong gói quà tặng thực hiện theo quy định được cấp có thẩm quyền áp dụng với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Thông tư số 15/2023/TT-BYT có hiệu lực từ 15/9/2023.
KHÁNH VÂN