Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 01/2024
Đăng ngày 22-01-2024 14:37, Lượt xem: 21

Bổ sung nhiều chính sách cấp học bổng theo Luật Khám bệnh chữa bệnh; Quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa; Từ 01/01/2024, thực hiện quy định mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần người có uy tín; Cách xếp lương giáo viên dự bị đại học từ 15/01/2024… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 01/2024.

Bổ sung nhiều chính sách cấp học bổng theo Luật Khám bệnh chữa bệnh

Từ ngày 01/01/2024, Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực. Trong đó, Điều 105 Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023 quy định đào tạo, bồi dưỡng hành nghề, cụ thể: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức, tạo điều kiện cho người hành nghề tham gia đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa liên tục, bồi dưỡng về chuyên môn kỹ thuật, đạo đức nghề nghiệp.

Theo đó, Luật Khám bệnh chữa bệnh quy định chính sách về cấp học bổng như sau:

+ Cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước;

+ Cấp học bổng chính sách cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu là người đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, nhà nước hỗ trợ đối với người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu như sau:

+ Hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước;

+ Hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định nêu trên nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.

- Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học.

Như vậy, theo Luật Khám bệnh chữa bệnh mới, nhà nước hỗ trợ đối với người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu. Theo đó, sinh viên học chuyên ngành này được hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước và tư nhân.

Quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa

Có hiệu lực từ 30/1/2024, Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu".

Theo đó, về khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Nghị định số 86/2023/NĐ-CP nêu rõ, để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa thì gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau:

- Thứ nhất, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước: Các thành viên trong gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật; Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định; Bảo đảm thực hiện an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy; Bảo đảm các quy định về độ ồn, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng theo quy định của pháp luật về môi trường.

- Thứ hai, tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương: Tham gia các hoạt động nhằm bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên và môi trường của địa phương; Tham gia các phong trào từ thiện, nhân đạo; đền ơn đáp nghĩa; khuyến học khuyến tài và xây dựng gia đình học tập; Tham gia sinh hoạt cộng đồng ở nơi cư trú; Tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội do địa phương tổ chức; Người trong độ tuổi có khả năng lao động tích cực làm việc và có thu nhập chính đáng; Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường.

- Thứ 3, gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng: Thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Thực hiện tốt chính sách dân số, hôn nhân và gia đình; Thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình/bạo lực trên cơ sở giới; Hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước/các loại hình tương tự hợp vệ sinh; Tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn.

Ngoài ra, Nghị định số 86/2023/NĐ-CP cũng quy định rõ các trường hợp không xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", cụ thể: Thành viên trong gia đình vi phạm một trong các trường hợp sau thì không xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa": Bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế; Bị xử phạt vi phạm hành chính về: Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn; vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; Hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về: Vi phạm quy định về trật tự công cộng; hành vi đánh bạc trái phép; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phòng, chống bạo lực gia đình.

Nghị định số 86/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 30/1/2024.

Từ 01/01/2024, thực hiện quy định mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, Thông tư số 105/2023/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Theo đó, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện thực hiện và nội dung khám sức khỏe bao gồm:

+ Khám về thị lực; lâm sàng theo các chuyên khoa: Mắt, tai, mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ).

+ Khám cận lâm sàng: Công thức máu; nhóm máu (ABO); chức năng gan (AST, ALT); chức năng thận (Ure, Creatinine); đường máu; virus viêm gan (HBsAg); virus viêm gan C (Anti-HCV); HIV; nước tiểu toàn bộ (10 thông số; siêu âm ổ bụng tổng quát; điện tim; X-quang tim phổi thẳng; xét nghiệm nước tiểu phát hiện ma túy. Chủ tịch Hội đồng chỉ định thêm các xét nghiệm khác theo yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe được chính xác.

Theo quy định tại Thông tư số 105/2023/TT-BQP, tổ chức khám sức khỏe theo các nội dung nêu trên theo 2 vòng: Khám thể lực, lâm sàng và cận lâm sàng, sàng lọc HIV, ma túy. Khi khám thể lực và lâm sàng, nếu công dân không đạt một trong các tiêu chuẩn sức khỏe quy định thì ủy viên Hội đồng trực tiếp tham khảo báo cáo Chủ tịch Hội đồng quyết định dừng khám. Đồng thời, chỉ tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu; xét nghiệm HIV, ma túy cho công dân đạt tiêu chuẩn sức khỏe sau khám thể lực, lâm sàng, siêu âm, điện tim, chụp X quang tim phổi thẳng.

Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần người có uy tín

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg sửa đổi điểm a, b, c khoản 2 Điều 5 như sau:

- Về hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết hoặc Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) do địa phương lựa chọn, mức chi tối đa trị giá 500.000 đồng/người/lần và không quá 02 (hai) lần/năm;

- Người có uy tín ốm đau đi điều trị bệnh, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được thăm hỏi, hỗ trợ không quá 01 lần/người/năm. Mức chi tối đa trị giá: 3.000.000 đồng/người/năm khi điều trị bệnh tại các cơ sở tuyến Trung ương và tương đương; 1.500.000 đồng/người/năm khi điều trị tại các cơ sở tuyến tỉnh và tương đương; 800.000 đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến huyện và tương đương; 500.000 đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến xã và tương đương;

- Thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn đột xuất do sự cố, thiên tai, hỏa hoạn được chính quyền cấp xã nơi cư trú xác nhận. Mức chi tối đa trị giá 2.000.000 đồng/hộ gia đình/năm.

Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2024.

Cách xếp lương giáo viên dự bị đại học từ 15/01/2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 22/2023/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trường dự bị đại học.

Theo đó, viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP cụ thể như sau:

- Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III (mã số V.07.07.19) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II (mã số V.07.07.18) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;

- Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I (mã số V.07.07.17) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Thông tư số 22/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/01/2024 và thay thế Thông tư số 30/2017/TT-BGDĐT.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT