Thay đổi cách xác định xe quá tải, xe quá khổ; Sửa quy định về kinh doanh thuốc lá; Quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện; Quy định mới về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Khung giá hành khách thông qua cảng chuyên dụng; Phòng chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 02/2023.
Thay đổi cách xác định xe quá tải, xe quá khổ
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 35/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Cụ thể, Thông tư số 35/2023/TT-BGTVT quy định xe quá tải trọng của đường bộ là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau:
- Có tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "hạn chế trọng tải toàn bộ xe" hoặc biển báo hiệu "Loại xe hạn chế qua cầu" tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;
- Có tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá quy định về giới hạn tổng trọng lượng của xe tại Điều 17 của Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu "hạn chế trọng tải toàn bộ xe" và "Loại xe hạn chế qua cầu";
- Có tải trọng trục xe vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "Hạn chế tải trọng trên trục xe" hoặc biển báo hiệu "Tải trọng trục hạn chế qua cầu" tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;
- Có tải trọng trục xe vượt quá quy định về giới hạn tải trọng trục xe tại Điều 16 của Thông tư 46/2015/TT-BGTVT tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu "Hạn chế tải trọng trên trục xe" và "Tải trọng trục hạn chế qua cầu".
Đồng thời, Thông tư số 35/2023/TT-BGTVT cũng quy định xe quá khổ giới hạn của đường bộ là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có kích thước bao ngoài kể cả hàng hóa xếp trên xe (nếu có) thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau:
- Chiều dài vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "Hạn chế chiều dài xe" hoặc biển báo hiệu "Hạn chế chiều dài xe cơ giới kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi- rơ-moóc" tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;
- Chiều dài lớn hơn 20 mét hoặc lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu "Hạn chế chiều dài xe" và "Hạn chế chiều dài xe cơ giới kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi- rơ-moóc";
- Chiều rộng vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "Hạn chế chiều ngang xe" tại nơi có loại biển báo hiệu này;
- Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét tại nơi không có loại biển báo hiệu "Hạn chế chiều ngang xe";
- Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "Hạn chế chiều cao" tại nơi có loại biển báo hiệu này;
- Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2 mét, đối với xe chở container lớn hơn 4,35m mét tại nơi không có loại biển báo hiệu "Hạn chế chiều cao".
Thông tư số 35/2023/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2024.
Sửa quy định về kinh doanh thuốc lá
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 43/2023/TT-BCT ngày 28/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2018/TT-BCT quy định một số điều của các Nghị định liên quan đến kinh doanh thuốc lá.
Cụ thể, Thông tư số 43/2023/TT-BCT sửa đổi khoản 1, khoản 9 Điều 13 về biểu mẫu, chế độ báo cáo đối với doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá như sau:
- Định kỳ 06 tháng, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá, nhập khẩu thuốc lá phải gửi báo cáo về Bộ Công Thương về hoạt động sản xuất sản phẩm thuốc lá và nhập khẩu sản phẩm thuốc lá (trước ngày 10 tháng 01 hàng năm đối với báo cáo cả năm và trước ngày 10 tháng 7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm).
- Định kỳ 06 tháng Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá phải gửi báo cáo thống kê sản lượng, loại sản phẩm thuốc lá kinh doanh (theo hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ) của đơn vị mình về Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và Sở Công Thương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (trước ngày 10 tháng 01 hàng năm đối với báo cáo cả năm và trước ngày 10 tháng 7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm).
Thông tư số 43/2023/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ 12/2/2024.
Quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện
Từ ngày 15/02/2024, việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ được thực hiện theo Thông tư số 41/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, cụ thể như sau:
- Xếp hàng không được vượt quá khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông của phương tiện, không quá tải trọng trục cho phép theo quy định; đảm bảo các quy định về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
- Đối với xe tải thùng hở không mui, hàng hóa xếp trên xe vượt quá chiều cao của thùng xe (theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) phải được chằng buộc, kê, chèn chắc chắn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.
- Chiều cao xếp hàng hóa cho phép không vượt quá chiều cao quy định dưới đây, tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên: Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 5 tấn trở lên (ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): chiều cao xếp hàng hóa không quá 4,2m; Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn (ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): chiều cao xếp hàng hóa không quá 3,5m; Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở dưới 2,5 tấn (ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe): chiều cao xếp hàng hóa không quá 2,8m.
- Xe chuyên dùng và xe chở container: Chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên không quá 4,35m.
Trường hợp xe chở hàng rời, vật liệu xây dựng như đất, đá, cát, sỏi, than, quặng hoặc các hàng có tính chất tương tự, chiều cao xếp hàng hóa không vượt quá chiều cao của thùng xe ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.
- Hàng hóa xếp trên phương tiện phải được xếp đặt gọn gàng, xếp dàn đều
- Các kiện hàng có khối lượng nặng hơn, có bao gói cứng, ổn định được xếp ở phía dưới. Các kiện hàng có kích thước giống nhau sắp xếp cùng nhau. Các kiện hàng bị nghiêng, lệch được xếp vào giữa để đảm bảo hạn chế xô lệch trong quá trình vận chuyển.
Quy định mới về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT quy định về việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Cụ thể, theo khoản 3, Điều 1, Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung thêm trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không bị coi là cải tạo gồm:
- Thay cửa lên xuống khoang hành khách.
- Bịt kín/thay đổi kết cấu cánh cửa thùng hàng, thay tôn bọc dạng phẳng thành dạng sóng hoặc ngược lại; lắp hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng chở hàng của ô tô tải tự đổ…
- Khoang chở hàng, hành lý của ô tô PICKUP: Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ nắp che nhưng kích thước lòng thùng và bao xe không bị thay đổi.
- Lắp thêm đèn sương mù dạng rời.
- Thay cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận/công bố hợp quy mà không phải gia công thay đổi kết cấu xe để đảm bảo việc lắp đặt.
- Thay bóng đèn của cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng bóng đèn loại khác có công suất tiêu thụ điện tương đương mà không phải can thiệp, thay đổi kết cấu của cụm đèn.
- Thay đổi chi tiết, bộ phận thân vỏ không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe và thực hiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Thay đổi kiểu dáng chi tiết của thân vỏ xe như lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió.
- Lắp thêm mui gió trên nóc ca bin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu mà không thay đổi kích thước bao ngoài của xe.
Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/2/2024.
Khung giá hành khách thông qua cảng chuyên dụng
Kể từ ngày 15/2/2024, khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được thực hiện theo Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT ngày 25/12/2023 của Bộ Giao thông vận tải.
Cụ thể, đối với hành khách trên tàu khách du lịch quốc tế hoạt động tại các cảng biển ở Việt Nam thông qua cầu, bến cảng hành khách chuyên dụng, với từng lượt vào và lượt rời bến cảng, mức giá sẽ từ 2,5 - 5 USD/người. Đây là quy định mới được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với nhu cầu thực tế.
Phòng chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 87/2023/NĐ-CP quy định về phòng chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Theo đó, từ ngày 02/02/2024, điều kiện, tiêu chuẩn sao, chụp tiền Việt Nam nêu tại Điều 18 Nghị định số 87/2023/NĐ-CP nêu rõ:
- Chỉ được sao chụp một phần hình ảnh và hoa văn của tiền Việt Nam, đảm bảo không vượt quá 1/3 diện tích mặt trước hoặc mặt sau tờ tiền;
- Khi sao chụp không làm thay đổi hình ảnh tiền Việt Nam ngoài việc phòng to, thu nhỏ hoặc theo góc nghiêng cùng tỷ lệ và đảm bảo toàn vẹn của hình chân dung, quốc huy trên mặt trước tờ tiền.
- Không ghép, trích hoặc kết hợp một phần/toàn bộ hình ảnh tiền Việt Nam với nội dung, âm thanh, hình ảnh dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tệ nạn xã hội…
- Không sao chụp hình ảnh tiền Việt Nam với mục đích thương mại, không thu tiền dưới bất cứ hình thức nào trừ trường hợp dùng trong báo chí, phim tài liệu hoặc lưu trữ trong thư viện để nghiên cứu hoặc chụp ảnh, truyền hình về đồng tiền Việt Nam để trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu, tuyên truyền về tiền Việt Nam…
KHÁNH VÂN