Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao; Lệ phí cấp phép nhận chìm ở biển; Điều kiện chuyển Công ty Lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành Công ty TNHH Hai thành viên trở lên; Quy định giấy tờ về dân cư khi thực hiện thủ tục hành chính trong thành lập và hoạt động ngân hàng…là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 3/2024.
Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao
Có hiệu lực từ 25/03/2024, Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 1/2/2024 của Chính phủ quy định nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao.
Cụ thể, Nghị định số 10/2024/NĐ-CP quy định khu công nghệ cao là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư. Mức ưu đãi, hỗ trợ cụ thể đối với dự án đầu tư, các hoạt động trong khu công nghệ cao được áp dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đất đai, tín dụng và pháp luật có liên quan.
Cũng theo Nghị định số 10/2024/NĐ-CP, nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ kinh nghiệm, năng lực tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao, bao gồm đầu tư xây dựng và kinh doanh toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao hoặc một phần hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 10/2024/NĐ-CP. Đồng thời, nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ kinh nghiệm, năng lực tham gia đầu tư xây dựng kinh doanh các công trình hạ tầng xã hội như công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, cây xanh và khu vui chơi giải trí sử dụng vào mục đích công cộng…..
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ trực tiếp cho người lao động làm việc trong khu công nghệ cao được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.
Nghị định số 10/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/3/2024.
Lệ phí cấp phép nhận chìm ở biển
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 08/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển.
Theo đó, từ ngày 21/3/2024, Thông tư số 08/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển, bao gồm: cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển. Tổ chức thu lệ phí là cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển theo quy định pháp luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Cụ thể, Thông tư số 08/2024/TT-BTC quy định tổ chức thu lệ phí nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thu lệ phí được ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu lệ phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Tổ chức thu lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC.
Điều kiện chuyển Công ty Lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành Công ty TNHH Hai thành viên trở lên
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 04/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Nông, Lâm nghiệp.
Theo đó, Công ty Lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có phương án sản xuất, chế biến ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và ngoài nước theo các tiêu chí sau: Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp; Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.
- Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp.
Nghị định số 04/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/3/2024.
Quy định giấy tờ về dân cư khi thực hiện thủ tục hành chính trong thành lập và hoạt động ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 24/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến việc nộp, xuất trình, cung cấp thông tin, giấy tờ về dân cư khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng.
Theo đó, Thông tư số 24/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ một số cụm từ nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/ 2022 cùng Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công và Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được ban hành kèm theo Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ.
Cụ thể, Điều 1 và Điều 4, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế một số điểm, phụ lục của Thông tư số 31/2012/TT-NHNN ngày 26/11/2012, Thông tư số 22/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 và Thông tư số 05/2018/TT-NHNN ngày 12/03/2018, quy định về ngân hàng hợp tác xã cùng hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận những thay đổi, danh sách dự kiến bầu, bổ nhiệm nhân sự của tổ chức tín dụng là hợp tác xã.
Điều 7, sửa đổi, bổ sung, thay thế một số điểm, phụ lục của Thông tư 25/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017, quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận những thay đổi của tổ chức tín dụng phi ngân hàng….
Thông tư số 24/2023/TT-NHNN cũng quy định nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các trường thông tin cá nhân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội.
KHÁNH VÂN