Tổ làm mắm Xuân Hà
Đăng ngày 30-07-2019 17:36, Lượt xem: 283

70 tuổi tròn, cô Trương Thị Gái (trú quận Thanh Khê) vẫn đang “chỉ huy” tổ khởi nghiệp sản xuất nước mắm thủ công ở phường Xuân Hà. Khởi nghiệp đối với cô chẳng có gì cao xa mà chỉ là một cách vừa giữ nghề gia truyền, vừa giúp tạo việc làm cho cộng đồng. 

Gặp cô Trương Thị Gái (SN 1949) trong căn nhà nhỏ rợp bóng cây nơi con hẻm trên đường Lê Độ (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê). Nghe nhà có khách, cô vội vã quảy nón đạp xe về. Gần 23 năm làm công tác phụ nữ cho phường, chiếc xe đạp của cô đã lăn bánh đến hầu khắp các con đường, ngõ hẻm trong khu vực.

Cô Trương Thị Gái sơ chế cá cơm trước khi làm mắm

Là người gốc Huế, từ nhỏ cô Gái đã quen với mùi nước mắm nhà làm của bà, của mẹ. Vào Đà Nẵng từ sau giải phóng, cô vẫn giữ thói quen tự làm nước mắm trong gia đình. Đến năm 2017, khi Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” chính thức được ban hành trên toàn quốc, cô Gái liền đăng ký thành lập tổ phụ nữ Xuân hà hỗ trợ nhau khởi nghiệp bằng nghề làm nước mắm thủ công với 5 thành viên. “Trong số 5 người, có người là cán bộ hưu trí, có người vốn làm nội trợ, có người kinh doanh… Điểm chung của họ là đều...mê nước mắm tôi làm, muốn học nghề để vừa bảo tồn giá trị truyền thống của vùng ven biển Xuân Hà, vừa tăng thu nhập,” cô Gái cười sảng khoái nói. 

Nghề làm mắm bắt đầu bận bịu từ tháng 2, tháng 3, lúc cá cơm đúng mùa bắt đầu cập bến Thọ Quang (quận Sơn Trà). Sau khi thu gom cá về, các thành viên tổ mắm Xuân Hà bắt đầu công đoạn rửa, phơi khô rồi xóc với muối. Đặng cá được đem ướp muối theo tỷ lệ mỗi chum có 10 cá : 3 muối. Muốn ra mắm ngon, chum và muối phải thật sạch sẽ. Cá, muối ủ trong chum từ 10 đến 12 tháng, cứ hễ nắng phải mang ra phơi, mưa phải đậy thật kỹ. Hàng tuần, người làm mắm phải khuấy đều cá và muối để chúng quyện hoà vào nhau. Ngày được mắm, phải lựa những tấm vải dày thật sạch thì mắm lọc ra mới tinh. Cô Gái bảo: “Làm mắm bao nhiêu năm, nhưng mỗi lần lọc mắm tôi vẫn cứ thích ngồi ngắm đến mê đi. Mắm tự làm có màu cánh gián đậm, thơm phức mùi cá, sóng sa sóng sánh nhờ có độ đạm cao.” 

Sản phẩm mắm Xuân Hà được giới thiệu tại hội chợ triển lãm khởi nghiệp của quận Thanh Khê

Mắm Xuân Hà trong lần lọc đầu tiên được gọi là “mắm nhất” (khoảng 35 độ đạm). Sau lượt mắm này, các cô lại hoà thêm nước và muối để làm “mắm nhì” (28-30 độ đạm) và “mắm ba” (20 độ đạm). Trung bình 3 năm qua, mỗi năm tổ làm mắm Xuân Hà sản xuất khoảng 800 lít nước mắm, trong đó có khoảng 500 lít nước “mắm nhất” được bán với giá 120.000 đồng/lít. Hiện đa phần nước mắm của tổ được bán cho dân cư trong khu vực cùn các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường. Trong năm 2020, cô Gái dự định sẽ nâng sản lượng lên 1170 lít và bắt đầu gửi hàng ra các quán gia vị, tạp hoá. “Mong ước của tổ làm mắm Xuân Hà là đưa ra thị trường một sản phẩm sạch, không pha chế, đặc trưng hương vị Xuân Hà,” cô Gái bộc bạch.

Vốn là người phụ nữ nội trợ hàng chục năm nay, cô Gái vẫn rất có óc thu xếp cùng đôi tay tháo vát. Cô góp nhặt những bài học kinh doanh từ kinh nghiệm bán hàng ở chợ Cồn, chợ Vĩnh Trung những năm sau giải phóng, cũng như từ những lần kinh doanh thất bại mà cô từng chứng kiến ở bạn bè. Cô nói: “Vì tất cả các thành viên trong tổ làm mắm đều là chị em phụ nữ nhàn rỗi, muốn tăng thu nhập cho gia đình nên tôi chọn phương án làm từng bước nhỏ, rồi từ từ mới gom thành lớn. Tiêu chí là không để đọng hàng, không để chị em lỗ.” Đối với cô Gái, khởi nghiệp sẽ không khó nếu biết học hỏi, thu vén và có sự hỗ trợ nhiệt tình của những người “đồng nghiệp”. 

PHONG LAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT