Hiểu đúng về "Vườn ươm doanh nghiệp"
Vườn ươm doanh nghiệp là công ty. Hoạt động của công ty "vườn ươm doanh nghiệp" là trợ giúp các doanh nghiệp mới khởi nghiệp thông qua nhiều dịch vụ, chẳng hạn huấn luyện quản trị, văn phòng làm việc...
Việc trợ giúp các startup và các công ty ở giai đoạn sớm (mới hoạt động vài tháng, vài năm) của vườn ươm doanh nghiệp khác với công viên công nghệ. Các công viên công nghệ có khuynh hướng tiến hành các dự án có quy mô lớn, huy động nguồn lực từ các liên hiệp, chính quyền, các xưởng trường đại học cho đến các công ty nhỏ. Nhưng phần lớn các công viên lại không có dịch vụ trợ giúp kinh doanh. Đây là tiêu chí khác nhau cơ bản giữa công viên công nghệ và vườn ươm doanh nghiệp.
 
Vườn ươm doanh nghiệp cũng khác các Trung tâm phát triển doanh nghiệp (SBDCs) nhỏ thuộc Cục doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ. Vườn ươm doanh nghiệp chỉ trợ giúp cho các doanh nghiệp được chọn lọc, trong khi đó SBDCs giúp đỡ kinh doanh cho doanh nghiệp nói chung, theo quy định của luật, miễn là doanh nghiệp đó có đơn yêu cầu giúp đỡ. Hơn nữa việc giúp đỡ này của SBDCs cho doanh nghiệp nhỏ có thể tiến hành vào bất cứ giai đoạn phát triển nào của doanh nghiệp, chứ không riêng gì các công ty startup, hay công ty mới dựng.
 
Năm 2005, các vườn ươm Bắc Mỹ đã giúp đỡ cho 27.000 doanh nghiệp, tạo ra 100.000 việc làm, 17 tỷ đô la lợi nhuận. 
 
Các Dịch vụ (của Vườn ươm) giúp đỡ doanh nghiệp
 
1. Mạng máy tính
2. Trợ giúp tiếp thị
3. Internet tốc độ cao
4. Trợ giúp quản trị tài chính/kế toán
5. Hướng dẫn tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, từ các quỹ cho vay, các chương trình bảo lãnh vay
6. Trợ giúp kỹ năng trình bày
7. Kết nối với nguồn giáo dục cao hơn
8. Kết nối với các đối tác chiến lược
9. Tiếp cận với các nhà đầu tư thiên thần (angel investors), quỹ đầu tư mạo hiểm
10. Huấn luyện kinh doanh nâng cao
11. Ban tư vấn
12. Xác định nhóm quản trị điều hành
13. Huấn luyện tác phong kinh doanh
14. Trợ giúp thương mại hóa công nghệ
15. Trợ giúp pháp lý
16. Quản trị sở hữu trí tuệ. 
 
Hiệp hội vườn ươm Mỹ cho biết, trong năm 2006 có hơn một nửa số vườn ươm thực hiện dịch vụ hỗ trợ cho các khách hàng không trực tiếp làm việc trong vườn ươm. Họ là các công ty có nhà xưởng, trụ sở riêng. Thậm chí còn hỗ trợ cho khách hàng đóng ở rất xa vườn ươm thông qua mạng Internet.
 
Thời gian để một công ty trải qua trong vườn ươm có thể rất khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn tùy thuộc ngành nghề kinh doanh, trình độ kinh doanh của chủ doanh nghiệp. Các hãng thuộc ngành khoa học sự sống và một số ngành khác, với thời gian nghiên cứu và chu kỳ phát triển dài hơi, thường cần thời gian rèn luyện trong vườn ươm nhiều hơn các công ty sản xuất hay dịch vụ, bởi họ có thể sản xuất ngay lập tức và đưa sản phẩm/dịch vụ của mình ra thị trường. Trung bình một khách hàng của vườn ươm phải mất 33 tháng học tập, thực hành. Nhiều vườn ươm với quy định bằng tốt nghiệp theo chuẩn doanh nghiệp quốc gia thì thời gian có lâu hơn mức trung bình trên.
 
Phân loại ngành nghề được ươm:
 
1. Công nghệ:
1.1. Phần mềm máy tính
1.2. Tư vấn/dịch vụ
1.3. Chế tạo
1.4. Internet
1.5. Sinh học/khoa học sự sống
1.6. Điện tử/vi điện tử
1.7. Viễn thông
1.8. Phần cứng máy tính
1.9. Thiết bị y tế
 
2. Công nghiệp sáng tạo:
2.1. Kinh doanh điện tử/thương mại điện tử
2.2. Công nghệ không dây
2.3. Công nghệ chăm sóc sức khỏe
2.4. Vật liệu mới
2.5. An ninh quốc gia/quốc phòng
2.6. Năng lượng
2.7. Công nghệ sạch/bảo vệ môi trường
2.8. Media truyền thông đại chúng
2.9. Công nghệ Nano
 
3. Sản xuất, xây dựng: 
3.1. Thiết kế trang trí
3.2. Hàng không/vũ trụ
3.3. Bếp núc/ thực phẩm
3.4. Bán lẻ
3.5. Thời trang
3.6. Đồ gỗ/lâm nghiệp
3.7. Du lịch
3.8. Nguồn nhân lực
 
Mục đích của Vườn ươm doanh nghiệp 
 
Vườn ươm doanh nghiệp được coi là công cụ đáp ứng các chính sách kinh tế xã hội. Chẳng hạn: tạo việc làm, cổ vũ tinh thần kinh doanh trong cộng đồng, thương mại hóa công nghệ, đa dạng nền kinh tế địa phương, tăng tốc phát triển công nghiệp địa phương, tạo dựng  và duy trì doanh nghiệp, khuyến khích nâng đỡ doanh nhân nữ/dân tộc thiểu số, nhận diện tiềm năng kinh doanh hoặc đem lại sức sống mới cho cộng đồng.
 
Kinh phí hoạt động của Vườn ươm doanh nghiệp
 
1/3 vườn ươm được tài trợ từ các tổ chức phát triển kinh tế, 21% từ các chính quyền tỉnh/thành phố và 20% từ các học viện và các trường cao đẳng, đại học.
 
Tại nhiều nước, các vườn ươm đều do nhà nước tài trợ. Các vườn ươm được coi như một hợp phần của chiến lược kinh tế tổng thể. Nhưng tại Mỹ thì các vườn ươm là công ty tư nhân hoặc được tài trợ bởi cộng đồng. Cục phát triển kinh tế liên bang là nguồn tài trợ thường xuyên cho sự phát triển các vườn ươm doanh nghiệp. Nhưng một khi vườn ươm khai trương hoạt động thì không còn nhận được sự giúp đỡ này. Một số bang còn tập trung về một mối các nguồn tài trợ cho vường ươm.
 
Nguồn thu của vườn ươm doanh nghiệp bao gồm: 59% từ dịch vụ cho thuê cơ quan nhà xưởng, 18%  từ hợp đồng dịch vụ, hoặc tài trợ; 15% từ tiền bao cấp vận hành.
 
Như là một cố gắng chủ đạo để đối mặt với tình hình khủng hoảng kinh tế 2008, Quốc hội Mỹ đã đưa ra điều luật “khôi phục dự án Socrates”. Điều luật này là phiên bản cập nhật của dự án Socrates: “Xác định nguyên nhân kém cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ và cách khắc phục” được triển khai dưới thời Tổng thống Reagan (1983). Phiên bản cập nhật này giúp đỡ các vườn ươm bằng các chính sách khuyến khích khách hàng của vườn ươm ứng dụng các yếu tố công nghệ vào thị trường, vào việc tạo kỹ năng cạnh tranh với đối thủ, vào cách xác định đối tác tiềm năng và hình thành các lộ trình công nghệ để đi tới thành công trong cuộc cạnh tranh.
 
Nhiều vườn ươm (của tư nhân) được thành lập cuối thập niên 1990 nhằm ươm nhanh các doanh nghiệp để nhanh chóng kiếm lời. Tuy nhiên, sau đợt vỡ bong bóng của các doanh nghiệp dot-com, phần lớn các vườn ươm vì lợi nhuận đều giải tán. Đến năm 2002 chỉ còn 16% vườn ươm hoạt động vì lợi nhuận, năm 2006 chỉ còn 6%. Mặc dù một số vườn ươm có cổ phần ở các doanh nghiệp do mình ươm nở, nhưng số này chỉ chiếm 25% tổng số vườn ươm.
 
Lịch sử vườn ươm doanh nghiệp
 
Khái niệm “vườn ươm doanh nghiệp” chính thức xuất hiện vào năm 1959 tại Mỹ khi Joseph Macuso khai trương “Trung tâm công nghiệp Batavia” ở vùng Batavia, New York, vốn là cái nhà kho. Đến thập niên 1980, vườn ươm doanh nghiệp lan rộng khắp nước Mỹ, rồi vươn tới Châu Âu, Anh dưới nhiều dạng khác nhau, như các Trung tâm đổi mới, các công viên khoa học/công nghệ. Ngày nay, vươn ươm doanh nghiệp được coi như là công cụ để phát triển thành công nền kinh tế.
Hiệp hội vườn ươm quốc gia Mỹ ước lượng có khoảng  bảy ngàn (7000) vườn ươm trên toàn cầu năm 2006. Tại Bắc Mỹ có hơn 1400 vườn ươm, trong khi vào năm 1980 chỉ có 12 vườn. Tại Anh có 270 quần thể (môi trường) vườn ươm, trong khi vào năm 1997 chỉ có 25. Ở các nước Tây Âu tính đến năm 2002 đã có khoảng 900 quần thể vườn ươm.
Hoạt động ươm nở doanh nghiệp ngày nay không còn giới hạn tại các nước phát triển mà đã được triển khai tại các nước đang phát triển với sự quan tâm hỗ trợ tài chính của nhiều tổ chức thế giới, chẳng hạn UNIDO (Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc). World Bank. Hoạt động vườn ươm doanh nghiệp tính từ năm 2011 đang phục hưng trở lại nhưng với phương thức hoàn toàn mới: Vườn ươm doanh nghiệp ảo, vườn ảo này sẽ cung ứng các nguồn lực to lớn của một tổ hợp doanh nghiệp, như thung lũng Silicon, đến với mọi doanh nghiệp, thậm chí rất xa xôi, trên toàn thế giới.
 
Mạng lưới vườn ươm
 
Các vườn ươm thường liên kết với nhau thành các mạng lưới nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực hành tốt và các hệ thống phương pháp luận mới. Hiệp hội “Mạng các trung tâm canh tân và doanh nghiệp Châu Âu” (EBN) có tới trên 250 trung tâm đổi mới và doanh nghiệp trên khắp Châu Âu. Mạng này tập trung vào việc quốc tế hóa các startup. Liên đoàn Startup “The Startup Federation” là một mạng lưới vườn ươm quốc tế bao gồm nhiều vườn ươm doanh nghiệp có tiếng như  Washington D.C.'s 1776, Đại hội đồng New York City, Trung tâm đổi mới Boston, London's Warner Yard, Berlin's Betahaus, Chicago's 1871… Mạng lưới này cho phép các thành viên của các vườn ươm trong mạng cộng tác với nhau. Liên đoàn ADT (Arbeitsgemeinschaft Deutscher Innovations-, Technologie-, und Gründerzentren e.V.) của Đức cũng có đến 500 vườn ươm (trong 1000 vườn ươm trên toàn Châu Âu).
 
Hoàng Quang Tuyến – Trương Điện Thắng
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT