Công nghiệp CNTT, Công nghệ cao, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo,…là những động lực tăng trưởng mới của Đà Nẵng. Nhưng hơn hết, Đà Nẵng cần có những cơ chế chính sách vượt trội để hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia và để Đà Nẵng tăng tốc phát triển
Từ trung tâm tài chính khu vực
Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực là một cách tiếp cận mới trong quá trình phát triển thành phố. Đây được xem là cơ hội để Đà Nẵng tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và thu hút đầu tư.
Trung ương đã có nhiều văn bản định hướng xây dựng, phát triển Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực. Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đối với thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực của Đà Nẵng sẽ được xây dựng trên cơ sở các lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng về vị trí địa lý, khả năng kết nối, giao thông thuận lợi, hạ tầng đô thị và nguồn nhân lực phát triển… và các nhu cầu phát triển cơ bản. Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng gặp không ít khó khăn khi quy mô nền kinh tế còn nhỏ; thị trường tài chính còn hạn chế; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và hiện đại.
Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực của Đà Nẵng sẽ được xây dựng trên cơ sở các lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Trình
Mô hình trung tâm tài chính của Đà Nẵng, dự kiến gồm 3 cấu phần: - Trung tâm tài chính offshore với vai trò tập trung thu hút các nhà đầu tư quốc tế để thành lập các định chế tài chính và tổ chức thị trường cung cấp các dịch vụ offshore tài chính mang tính tích hợp dịch vụ trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước và khu vực; - Trung tâm Fintech với vai trò ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ tài chính theo cơ chế cấp phép đặc thù của trung tâm tài chính, kết nối dịch vụ Fintech và tài trợ các startups trong các lĩnh vực kinh doanh khác; - Các hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong trung tâm tài chính và các dịch vụ tiện ích khác. |
Một trung tâm tài chính như vậy sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải vốn cho cả nền kinh tế đồng thời còn giúp liên kết các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố cũng như tạo lập vai trò trung tâm, động lực tăng trưởng của cả khu vực duyên hải miền Trung.
Cạnh đó, trung tâm tài chính cũng sẽ góp phần giúp Đà Nẵng xây dựng và ban hành áp dụng tại Đà Nẵng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo lập môi trường thử nghiệm các giải pháp, công nghệ đổi mới sáng tạo trong hoạt động tài chính, gắn với chức năng của một trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đang hình thành tại Đà Nẵng.
Chia sẻ những băn khoăn về xây dựng trung tâm tài chính khu vực, một số chuyên gia kinh tế rất thẳng thắn cho rằng, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để hình thành nên một trung tâm tài chính khu vực với trọng tâm là phát triển Fintech (tài chính công nghệ).
Nhưng để một trung tâm tài chính khu vực được hình thành với đầy đủ các thành tố, chúng ta sẽ phải đi một chặng đường hai mươi năm hoặc có thể hơn. Dẫu có khó khăn nhưng không thể không bước đi, bởi ở đó là tầm nhìn của quốc gia chứ không chỉ riêng của Đà Nẵng để đưa đất nước phát triển và vượt qua những thách thức, nguy cơ tụt hậu, thách thức bẫy thu nhập trung bình,... trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến động.
Trên thực tế, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là vấn đề khó, phức tạp, chưa có tiền lệ do đặc thù về tình hình, trình độ phát triển của thị trường tài chính. Điều này, đòi hỏi phải đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, pháp luật, an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm phù hợp với chủ trương phát triến nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.
Tuy nhiên, chủ trương xây dựng, phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực là yêu cầu đã được đề ra tại Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị.
Đến Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào cuối tháng 5-2024 hiện đang diễn ra, đã tiến hành thảo luận, xem xét việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn mới.
Trong số 5 chính sách đề xuất mới thì chính sách đáng quan tâm nhất là Thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng. Đây chính là điểm khác biệt, có tính vượt trội, đột phá trên hành trình khẳng định vai trò, vị trí chiến lược và tầm quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong vùng Trung bộ và duyên hải Trung bộ và của cả nước.
Khu Thương mại tự do được định nghĩa như là một vùng kinh tế đặc biệt “bên ngoài hải quan và bên trong lãnh thổ”, được phân định chính thức trong lãnh thổ quốc gia nhưng là khu vực có quan hệ mua bán với phần còn lại của nước sở tại là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa ra vào chịu sự kiểm soát của lực lượng Hải quan. Khu Thương mại tự do được áp dụng một hệ thống chính sách đặc biệt trong giám sát hàng hóa, quản lý ngoại hối, chính sách thuế và thành lập doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển ngoại thương, thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Trên thế giới có 5.383 khu kinh tế/thương mại tự do tại 147 quốc gia, vùng lãnh thổ. |
Trong Khu Thương mại tự do Đà Nẵng sẽ bao gồm 3 khu chức năng chính: khu sản xuất thương mại; khu hậu cần, cảng Logicstic và khu thương mại dịch vụ. Ảnh: Nguyễn Trình
Khu Thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao, quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu. Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu chức năng được phân cấp cho UBND thành phố Đà Nẵng.
Trong Khu Thương mại tự do Đà Nẵng sẽ bao gồm 3 khu chức năng chính: khu sản xuất thương mại; khu hậu cần, cảng Logicstic và khu thương mại dịch vụ. Trong giai đoạn đầu của Khu Thương mại tự do Đà Nẵng sẽ có hàng rào cứng để đảm bảo thuận lợi trong quá trình quản lý, vừa thí điểm, vừa hoàn thiện theo hướng mở.
Theo đề xuất của thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Đà Nẵng sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Khu Thương mại tự do Đà Nẵng, có thẩm quyền quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” trên các lĩnh vực, tạo thuận lợi trong giải quyết các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.
Đà Nẵng có sân bay quốc tế, một trong các đầu mối về thương mại để hội nhập, để xúc tiến các hoạt động Logistics. Đây là những điều kiện tiên quyết cần thiết để thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu, thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao, công nghệ cao.
Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định xây dựng Cảng Liên Chiểu gắn với phát triển logistics là một trong những động lực tăng trưởng của Đà Nẵng. Cảng Liên Chiểu có vị trí thuận lợi về độ sâu, thuận tiện về kết nối giao thông và kết nối với các khu công nghiệp của thành phố. Điều này tạo nên lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Liên Chiểu về chi phí vận chuyển hàng hóa, bến bãi.
Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu
Việc thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng là một trong những đột phá trong việc thực hiện một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy, các nước trên thế giới khi làm Khu Thương mại tự do cũng làm từng bước rồi rút kinh nghiệm và hoàn thiện từng bước. Vì vậy, việc thành lập Khu Thương mại tự do chính là cơ hội mới để thành phố bứt phá vươn lên trong giai đoạn đang bị chững lại.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý.
“Đây là chính sách mang tính đột phá, là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đà Nẵng và Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới. Nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và của cả vùng. Đây cũng là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nhìn nhận.
Việc thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng sẽ mở ra hướng đi mới trong việc điều chỉnh các cơ chế thí điểm, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, tích lũy kinh nghiệm và từ đó nghiên cứu xây dựng văn bản pháp luật áp dụng trên phạm vi cả nước.
Đồng thời, tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước. Đây cũng là bước thử nghiệm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần.
Nhìn lại chặng đường 03 năm Đà Nẵng thực hiện thí điểm Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội có thể thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Nghị quyết đang chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa.
Trong bối cảnh phát triển thực tế hiện nay, Đà Nẵng đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị và cần có các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá có tính động lực, lan tỏa để hỗ trợ thúc đẩy phát triển giúp thành phố đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị.
THANH NGUYÊN – HOÀNG PHAN
Động lực tăng trưởng mới của Đà Nẵng - Kỳ 1: Viên gạch đầu tiên của ngành công nghiệp CNTT
Động lực tăng trưởng mới của Đà Nẵng - Kỳ 3: Động lực mới với vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo