Chuẩn bị nguồn nhân lực giảng dạy thiết kế vi mạch
Đăng ngày 20-04-2024 05:35, Lượt xem: 211

Để tăng tốc trên hành trình xây dựng hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn, Đà Nẵng xác định cách tiếp cận dựa trên phát triển nguồn nhân lực làm trọng tâm. Bên cạnh cơ sở vật chất, hệ thống chính sách hỗ trợ thì sự chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ giảng viên có chất lượng để đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn có vai trò vô cùng quan trọng.

Cuối tháng 3 vừa qua, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng (VKU) chính thức khởi động Chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn.

Khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên gồm 25 học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường đại học trên địa bàn thành phố gồm Trường VKU, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐHĐN), Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học FPT.


Cuối tháng 3 vừa qua, VKU chính thức khởi động Chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn

Chương trình đào tạo sẽ diễn ra trong 6 tháng, trong đó sẽ có 3 tháng (171 giờ) học lý thuyết và 3 tháng học theo dự án (project-based training) với 4 mô đun về Thiết kế mạch có mật độ tích hợp cao (VLSI design); Thiết kế số và ngôn ngữ mô tả phần cứng (SystemVerilog/Verilog/VHDL); Thực thi mạch tích hợp số cơ bản; Thiết kế mạch tương tự cơ bản.

Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng VKU, điểm nhấn của chương trình là việc các giảng viên nguồn được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của Synopsys.

“Khi hoàn thành chương trình, các giảng viên có thể xây dựng giáo trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn để truyền đạt lại cho sinh viên tại trường của mình. Đây là kỳ vọng lớn nhất trong mục tiêu triển khai chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành điện tử và vi mạch bán dẫn trong tương lai”, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp nhấn mạnh.

Việc đào tạo nguồn nhân lực giảng dạy thiết kế vi mạch của Trường VKU nhận được sự phối hợp giảng dạy của Viện Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và sự đồng hành hỗ trợ của Công ty Synopsys Việt Nam với bản quyền phần mềm chính hãng.


Điểm nhấn của chương trình đào tạo là việc các giảng viên nguồn được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của Synopsys

Ông Trịnh Thanh Lâm - Giám đốc Công ty Synopsys khu vực Nam Á cho biết, ngày 10-10-2023, thành phố Đà Nẵng bắt đầu đề cập đến đào tạo nguồn nhân lực để có thể tham gia chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu.

Chỉ trong vài tháng, đến nay, Đà Nẵng đã có những bước đi vững chắc. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có hai chuyến công tác đến những công ty hàng đầu trên thế giới của Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) để có những cảm nhận thực sự về sự phát triển cùng những yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn và kêu gọi đầu tư vào Đà Nẵng.

“Chúng tôi thấy rằng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có tầm nhìn và quyết tâm, có những bước đi cụ thể nhất, minh chứng là 2 chuyến công tác của lãnh đạo cấp cao của Đà Nẵng đến các công ty hàng đầu thế giới ở Hoa Kỳ về kĩ thuật vi mạch bán dẫn để có cảm nhận thật sự chúng ta nên làm thế nào để tham gia vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu”, ông Trịnh Thanh Lâm nhìn nhận.

Theo ông Trịnh Thanh Lâm, những tài liệu, phần mềm cung cấp cho khóa học đều theo chuẩn quốc tế, được quốc tế công nhận và cấp chứng chỉ nên trong thời gian tới Đà Nẵng sẽ đa dạng thêm chương trình giảng dạy để nguồn nhân lực không chỉ phục vụ riêng cho Đà Nẵng, Việt Nam mà còn cho các quốc gia khác.

 “Chúng tôi hy vọng các giảng viên theo học các khóa học này không chỉ tham gia công tác đào tạo mà còn đóng vai trò dẫn dắt cho việc nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn. Chúng tôi mong Đà Nẵng sẽ có những khóa học tiếp theo, chọn được những giảng viên có khả năng, đam mê lĩnh vực này để tham gia lớp đào tạo cao hơn ở Hà Nội. Xa hơn nữa, những giảng viên có thể được gửi đi đào tạo tại Đài Loan để trong thời gian ít nhất là 3 tháng sau có thể làm chủ được công nghệ, đưa vào các bài giảng cho sinh viên”, ông Trịnh Thanh Lâm nói.


Lãnh đạo thành phố tham quan Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh

Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Susan Burn bày tỏ vui mừng trước sự hợp tác quan trọng trong việc đào tạo nhân lực giảng dạy thiết kế vi mạch giữa Trường VKU, thành phố Đà Nẵng và Synopsys. Hợp tác này thể hiện những đóng góp to lớn mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang thực hiện cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam.

“Các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào đây, đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài và đổi mới. Điều này đặc biệt đúng trong ngành công nghiệp bán dẫn. Các công ty như Synopsys đã đi tiên phong trong việc tăng trưởng và phát triển ngành công nghiệp quan trọng này tại Việt Nam. Những sản phẩm này cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ điện thoại đến ô tô - cơ sở hạ tầng kỹ thuật số làm nền tảng cho nền kinh tế hiện đại của chúng ta”, bà Susan Burn nói.

Trước đó, trong chuyến thăm lịch sử đến Hà Nội, Tổng thống Biden đã chính thức hóa mối quan hệ hợp tác này thông qua bản Ghi nhớ Hợp tác về Chuỗi cung ứng bán dẫn, Lực lượng lao động và Phát triển Hệ sinh thái. Trước đó, Hoa Kỳ đã trao khoản tài trợ trị giá 13,8 triệu đô la cho Đại học Bang Arizona để củng cố hệ sinh thái bán dẫn ở các quốc gia đối tác quan trọng, bao gồm cả Việt Nam, nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp Hoa Kỳ.

Việc khai giảng các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho giảng viên nguồn của thành phố thể hiện quyết tâm rất cao, sự hợp tác rất chặt chẽ giữa thành phố Đà Nẵng cùng liên minh các trường đại học và các doanh nghiệp.

Có thể thấy rằng, Đà Nẵng đã có bước tiến rất lớn và rất nhanh chóng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, chuẩn bị sẵn sàng điều kiện thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn trong thời gian đến.

MAI QUANG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác