Cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ
Chính thức triển khai từ tháng 11-2014 với các thủ tục ban đầu bao gồm 1 thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D của Bộ Công Thương và 3 thủ tục liên quan đến quản lý tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cảng biển quốc tế do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, tới nay, đã có 53 thủ tục hành chính của 11 Bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia. Đây là thông tin từ Hội nghị trực tuyến về "Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, vào sáng 24-7.
Ông Nguyễn Tiến Thọ, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng
Với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác quản lý chuyên ngành và thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Trong đó, Bộ Công Thương triển khai 6 thủ tục; Bộ Khoa học và Công nghệ - 4 thủ tục; Bộ Giao thông vận tải - 12 thủ tục; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - 13 thủ tục; Bộ Tài nguyên và Môi trường - 4 thủ tục; Bộ Thông tin và Truyền thông - 1 thủ tục; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - 1 thủ tục; Bộ Y tế - 5 thủ tục; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - 1 thủ tục; Bộ Quốc phòng tham gia 3 thủ tục liên ngành trong quản lý tàu thuyền xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cảng biển quốc tế.
Tính đến ngày 15-7-2018, hơn 1,34 triệu hồ sơ của 22.812 doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và được tự động hóa ở mức độ rất cao với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1-3 giây, đối với hàng luồng vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc.
Đối với việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1-1-2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Kết quả, đến ngày 15-7-2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước trên là 32.949 C/O; tổng số C/O Việt Nam gửi tới 4 nước là 16.214 C/O. Hiện nay, Việt Nam đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Phillipines để thiết lập, kết nối hệ thống phục vụ trao đổi thí điểm C/O form D; đồng thời đang phối hợp với các nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia thiết lập hệ thống phục vụ trao đổi thí điểm tờ khai hải quan ASEAN.
Bên cạnh những thành tựu đã được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế ghi nhận, quá trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia cũng bộc lộ những hạn chế, tồn tại và những nội dung không còn phù hợp trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới như kết quả triển khai còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra; số lượng thủ tục triển khai còn thấp so với yêu cầu tại Quyết định số 2185/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 53/283 thủ tục); năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu. Theo phản ánh của các doanh nghiệp và cơ quan khảo sát độc lập, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất vì khi thực hiện một số thủ tục thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến; còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan, mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy thủ tục hành chính còn thấp.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam công khai, minh bạch thúc đẩy quá trình đổi mới của đất nước để hội nhập, mở cửa mạnh mẽ hơn, cấp độ cao hơn trong tất cả các lĩnh vực; để làm được điều này, một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế của đất nước. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), các cấp, các ngành, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng, chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ giao, tạo tiền đề quan trọng để triển khai tiếp tục nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến tại hội nghị, hoàn thiện Chính phủ ban hành Nghị định và chương trình hành động để các địa phương, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, kịp thời giải quyết những bất cập. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành cần tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan, với tinh thần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; cũng như tinh thần minh bạch, công khai phương pháp kiểm tra, chi tiết kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá, phải xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành với sự tham gia của doanh nghiệp. Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố phối hợp chặt chẽ với Ủy ban 1899, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và Tạo thuận lợi thương mại tại địa phương. “Ngành nào chưa làm tốt phải làm tốt hơn, địa phương nào chưa cải cách mạnh hơn cho hội nhập, cho phát triển thương mại phải rà soát lại, xem lại nhằm quán triệt chủ trương quan trọng này trong cải cách tạo môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cải cách hành chính ở Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng Chính phủ đang chỉ đạo, đồng thời đây cũng là một kênh quan trọng để đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng rằng, các Bộ, các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu quan trọng trong thời gian qua, khắc phục những bất cập, nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay, triển khai quyết liệt, liên tục để cải thiện hơn nữa chỉ tiêu quan trọng này, với mục tiêu Việt Nam phải nằm trong nhóm đầu các nước ASEAN trong lĩnh vực này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, “Việt Nam phải là quốc gia thực thi tốt những cam kết quốc tế. Đến Việt Nam, người dân, doanh nghiệp, khách du lịch phải có môi trường tốt nhất, thoải mái, thuận lợi nhất như về nhà của mình”.
NGÔ HUYỀN







Xây dựng Điện Bàn Đông trở thành địa phương phát triển tốp đầu Đà Nẵng
Chiều 14-7, Phó Bí thư Thường trực Thành Ủy Nguyễn Đình Vĩnh dẫn đầu đoàn công tác thành phố đến làm việc với Ban Thường vụ phường Điện Bàn Đông về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ phường lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 và tổ chức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Trần Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thái Bình

Nâng tầm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tương xứng với tầm vóc thành phố Đà Nẵng mới
Đây là chỉ đạo của Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết tại buổi làm việc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 vào chiều 14-7.với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

08h00 ngày 16-7-2025: Công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Hội đồng thi Đà Nẵng (mới)
Ngày 14-7, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng (mới) sẽ được công bố (chung cho cả thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũ) vào lúc 08 giờ 00 ngày 16-7-2025.

Phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu xuyên suốt của Tam Kỳ nhiệm kỳ mới
Sáng 14-7, Đảng bộ phường Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030 với chủ đề “xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống quê hương anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng phường Tam Kỳ theo hướng thông minh, đáng sống”.

Xây dựng các chính sách xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Phát biểu tại buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 vào chiều 14-7, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị Sở tập trung nghiên cứu, tham mưu các nhiệm vụ lớn, đột phá, có chính sách xúc tiến đầu tư hiệu quả trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!